Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định cụ thể mức lương hưu hằng tháng của người lao động.
Cụ thể, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
- Người nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
- Nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
- Nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:
Năm nghỉ hưu |
Số năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 45% |
2018 |
16 năm |
2019 |
17 năm |
2020 |
18 năm |
2021 |
19 năm |
Từ 2022 trở đi |
20 năm |
Nghị định cũng quy định rõ chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng BHXH một lần.
Người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Điểm b;
b) Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH;
c) Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà bảo lưu thời gian đã đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, trừ đối tượng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH và Điểm c trên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu.
Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo quy định tại Điều 75 của Luật BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.
Phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh
Thủ tướng ký các quyết định phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn và Trà Vinh.
Cụ thể, Thủ tướng đã phê chuẩn việc bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Lê Ánh Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang.
Thủ tướng cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Bùi Văn Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để nhận nhiệm vụ mới.
Đồng thời, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Phạm Ngọc Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Nguyễn Công Trưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Thủ tướng cũng phê chuẩn việc bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Lương Đình Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh và ông Nguyễn Trung Thực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh.
Cùng với đó, Thủ tướng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vi Văn Thành để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Văn Bình để nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ và ông Tô Hùng Khoa để nhận nhiệm vụ mới.
Thủ tướng cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Hoàng Công Hàm, Thiếu tướng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, để nhận nhiệm vụ mới và ông Nông Văn Định, Thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Đối với tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2011-2016 đối với 3 Tỉnh ủy viên: Ông Nguyễn Trung Hoàng, ông Trần Anh Dũng và bà Đặng Thị Phương.
Tuyên Quang phấn đấu thành tỉnh phát triển khá
Phấn đấu đến năm 2020 Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc và đến năm 2025 là tỉnh phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 8,0%; đến năm 2020, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 2.400 USD; tổng kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt trên 135 triệu USD; giảm tỉ lệ hộ nghèo 3%/năm.
Từng bước hướng tới nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Về nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 (theo giá so sánh năm 2010) tăng trên 4%/năm; giai đoạn 2021-2025 tăng trên 3%.
Trong đó, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước hướng tới nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp; gắn chặt việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Khuyến khích phát triển trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng. Gắn kết chặt chẽ, hài hoà lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ với tổ chức sản xuất, giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Trồng và khai thác hợp lý rừng sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến, ưu tiên cho sản xuất giấy và bột giấy, nâng cao năng suất gỗ rừng trồng. Phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 trồng 51.500 ha rừng tập trung, giai đoạn 2021-2025 trồng trên 49.000 ha rừng tập trung.
Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu
Về công nghiệp, định hướng của tỉnh Tuyên Quang là phát triển công nghiệp trở thành nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ các ngành kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng giá trị gia tăng đạt trên 10%/năm giai đoạn 2016-2020 và đạt trên 8%/năm giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu; tập trung phát triển năng lực chế biến bằng công nghệ tiên tiến, gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển các sản phẩm ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, nhất là chế biến hoa quả, sản xuất bia, rượu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư một số cơ sở sản xuất gạch kết hợp mở rộng, nâng công suất của một số cơ sở theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn. Chú trọng các dự án sản xuất vật liệu mới như: Gạch granite, vật liệu composite, bê tông nhẹ… Duy trì công suất khai thác đá vôi phục vụ sản xuất xi măng kết hợp đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị khai thác.
Đồng thời, tăng cường chế biến sâu khoáng sản, hạn chế xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến sâu, nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm và giá trị của các sản phẩm chế biến. Tiếp tục thăm dò đối với các điểm khoáng sản đã điều tra đánh giá ở thời kỳ trước, đồng thời thăm dò mở rộng các điểm khoáng sản có triển vọng.
Tập trung sản xuất phân vi sinh nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu chính tại địa phương, phục vụ cho nhu cầu của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp của tỉnh; kêu gọi một số dự án sản xuất nhựa bao bì, nhựa vật liệu xây dựng, nhựa gia dụng và nhựa kỹ thuật; bước đầu thu hút dự án về sản xuất hoá mỹ phẩm và hoá dược. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường...
Huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đạt chuẩn nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
Đến nay, huyện Yên Lạc có 15/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 93,75%). Toàn huyện đã có 100% đường trục xã, liên xã; 100% đường trục thôn được cứng hóa; 100% đường ngõ, xóm đạt chuẩn; 91% đường trục chính nội đồng được cứng hoá.
Thu nhập bình quân/người/năm đạt 32 triệu đồng, tăng 1,82 lần so với năm 2010. Năm 2015, toàn huyện còn 1.001 hộ nghèo/tổng số 37.792 hộ, chiếm 2,65%.
Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 của huyện là hơn 1.745 tỉ đồng, trong đó, đóng góp của nhân dân là 225,75 tỉ đồng, chiếm 12,92%; ngân sách Nhà nước các cấp chiếm 60,04%; vốn tín dụng chiếm 16,19%; doanh nghiệp ủng hộ chiếm 5,5%; vốn lồng ghép và huy động dự án khác triển khai trên địa bàn chiếm 5,35%.
Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Qua hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ hơn 9.600 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá nhập lậu, tịch thu hơn 10 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại (tăng 19% so với cùng kỳ), khởi tố hình sự 179 vụ, 263 đối tượng (điển hình một số địa phương, lực lượng: Long An bắt giữ trên 2,2 triệu bao, TPHCM hơn 1,5 triệu bao, An Giang hơn 1,2 triệu bao, Tây Ninh hơn 900.000 bao, Quảng Trị hơn 500.000 bao, lực lượng Công an bắt giữ hơn 6,5 triệu bao, Bộ đội Biên phòng hơn 1 triệu bao và hơn 16.000 kg lá thuốc lá, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển bắt giữ hơn 100.000 bao, lực lượng Hải quan bắt giữ hơn 700.000 bao, lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ hơn 1,4 triệu bao).
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho phát triển kinh tế-xã hội và sản xuất trong nước. Cấp ủy, chính quyền địa phương tại một số địa bàn trọng điểm chưa quan tâm đúng mức, chưa vào cuộc quyết liệt, thường xuyên trong chỉ đạo chống buôn lậu thuốc lá...
Tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn được bầy bán công khai ở nhiều nơi ở các địa phương trên cả nước và gia tăng về chủng loại với hàm lượng tar (nhựa thuốc lá), nicotine vượt mức cho phép nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trong năm 2016, tình hình buôn lậu thuốc lá được dự báo sẽ phức tạp khi giá bán thuốc lá điếu tăng do phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 70% từ ngày 1/1/2016 (tăng 5% so với hiện hành) và phải đóng góp 1,5% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá từ ngày 01/5/2016 (tăng 0,5% so với hiện hành).
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu chống buôn lậu thuốc lá
Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và chống buôn lậu thuốc lá nói riêng, Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, tích cực vào cuộc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về các mặt nguy hại của thuốc lá nhập lậu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm các cư dân ở khu vực biên giới để không tham gia, tiếp tay buôn lậu thuốc lá.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu thuốc lá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác này.
Các lực lượng Hải quan, Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường chủ động, tích cực phối hợp và mở đợt cao điểm theo Kế hoạch số 218/KH-BCĐ389 ngày 01/12/2015 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 để tuần tra, kiểm soát, điều tra, bắt giữ các tổ chức, đường dây buôn lậu thuốc lá trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên thị trường nội địa (đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và TPHCM).
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để sớm đưa ra truy tố, xét xử một số vụ án trọng điểm buôn lậu thuốc lá, đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.
Đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, thực hiện nghiêm việc tiêu hủy theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nghiên cứu tăng mức hỗ trợ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực thi nhiệm vụ.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu./.