• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/3/2016.

02/03/2016 18:47
Phê chuẩn nhân sự UBND tỉnh Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND các tỉnh Ninh Bình, An Giang nhiệm kỳ 2011- 2016.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Lê Văn Dung để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với 2 ông: Ngô Văn Nguyên, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ để nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015; ông Phạm Đức Vượng, nguyên Giám đốc Sở Tài chính để nghỉ hưu theo chế độ.

Đối với tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Duy Toàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trịnh Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, để nghỉ hưu theo chế độ.
 
Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao. Trong đó, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), các tuyến ra các cảng biển lớn.

Đồng thời, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế. Đường bộ cao tốc được thiết lập tách biệt nhưng phải đảm bảo liên kết được với mạng đường bộ hiện có, bảo đảm môi trường và cảnh quan; góp phần giải quyết ách tắc giao thông, trước hết tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tuyến đường cao tốc trong Quy hoạch được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn, nhưng phải tiến hành quản lý quỹ đất để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 của đất nước; định hướng phát triển kinh tế của 4 vùng kinh tế trọng điểm; chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.

Cụ thể, Tuyến cao tốc Bắc - Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368 km. Trong đó có Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, dài 143 km; Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dài 105 km; Tuyến cao tốc Hà Nội - Việt Trì (Phú Thọ) - Lào Cai, dài 264 km; Tuyến cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hạ Long (Quảng Ninh), dài 176 km; Tuyến cao tốc Hạ Long (Quảng Ninh) - Móng Cái (Quảng Ninh), dài 128 km; Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, dài 160 km; Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), dài 144 km...

Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 03 tuyến với tổng chiều dài 264 km. Cụ thể, Tuyến cao tốc Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km; Tuyến cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km; Tuyến cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai), dài 160 km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983 km. Cụ thể, Tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200 km; Tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, dài 225 km; Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dài 150 km...
 
Gỡ vướng trong thực thi pháp luật về xử lý VPHC

Thủ tướng Chính phủ vừa có  ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đặc biệt là các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chưa rà soát, đề xuất phương án cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền, phải khẩn trương thực hiện và gửi kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 1/5/2016 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý sự trùng lặp, chồng chéo, trình Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 1/7/2016 đối với Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Nghị định định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính đối với những những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ cho ý kiến tháng 7/2017; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, ban hành tháng 8/2016.

Đối với những vấn đề quy định chưa rõ trong Luật xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng ngay yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự  an toàn xã hội, Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất kịp thời phương án sửa đổi, bổ sung các quy định tại các nghị định quy định chi tiết Luật xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
 
Tín dụng đối với HSSV Y khoa sau khi tốt nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Đối tượng được vay vốn là học sinh, sinh viên Y khoa có hoàn cảnh khó khăn sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành y được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sinh viên sau khi tốt nghiệp), gồm:

1- Sinh viên sau khi tốt nghiệp mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

Các đối tượng này được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đóng trụ sở mà sinh viên sau khi tốt nghiệp thực hành.

2- Sinh viên sau khi tốt nghiệp là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3- Sinh viên sau khi tốt nghiệp mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian thực hành có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Hai đối tượng sinh viên 2, 3 được vay vốn thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều kiện vay, mức vốn vay

Sinh viên sau khi tốt nghiệp được xem xét vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Sinh viên sau khi tốt nghiệp (nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp) và: Có đủ các tiêu chuẩn tại (1) nêu trên; hoặc là thành viên và đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay, có đủ các tiêu chuẩn tại (2), (3) nêu trên.

- Phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về: Thời gian thực hành, chi phí thực hành; chưa có hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian thực hành.

Mức vốn cho vay tối đa bằng mức vốn cho vay tối đa theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên hoặc các văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg (nếu có) theo từng thời kỳ (hiện nay mức cho vay tối đa đối với HSSV 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV).

Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp căn cứ vào mức chi phí thực hành của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sinh hoạt phí nhưng không vượt quá mức cho vay quy định.

Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hiện hành đối với chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

* Theo Bộ Tài chính, dự kiến tổng số sinh viên thuộc đối tượng vay vốn của Chương trình trong giai đoạn 2015-2019 là 74.023 sinh viên. Tổng nguồn vốn cần bố trí trong 5 năm (2015-2019) khoảng 1.583 tỷ đồng; bình quân 1 năm là 317 tỷ đồng.
 
Thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển do Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Quyết định trên áp dụng đối với tàu, thuyền Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh; tàu, thuyền, thuyền viên nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng (bao gồm cả các tàu thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí hoạt động ngoài khơi; tàu biển nước ngoài được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép vận tải nội địa; tàu, thuyền thuộc sở hữu của Việt Nam mang cờ quốc tịch nước ngoài); tàu, thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc tàu, thuyền vận chuyển chất phóng xạ; tàu, thuyền nước ngoài đến cảng thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển, văn hóa, thể thao, xây dựng công trình biển, khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác về môi trường trong vùng biển Việt Nam sau khi có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tàu, thuyền đến cảng.

Quy trình thực hiện

Quyết định nêu rõ, thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày. Khi Cổng thông tin được kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, người làm thủ tục thực hiện khai báo các bản khai điện tử và gửi hồ sơ điện tử cho Biên phòng cửa khẩu cảng, tiếp nhận xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử cảng biển thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo các quy định về thủ tục điện tử đối với tàu, thuyền vào rời cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Trường hợp Cổng thông tin một cửa quốc gia có sự cố (thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu, đường truyền kết nối tại hệ thống xử lý dữ liệu điện tử biên phòng cảng biển bị hỏng, bị lỗi), người làm thủ tục thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển qua Cổng thông tin.

Sau khi hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử, người làm thủ tục phải nộp và xuất trình các loại giấy tờ theo thời hạn quy định. Cụ thể, đối với tàu, thuyền nhập cảnh phải nộp (1 bản chính) gồm: Bản khai chung; Danh sách thuyền viên; Danh sách hành khách (nếu có); Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có); Bản khai người trốn trên tàu (nếu có). Giấy tờ phải xuất trình (bản chính) gồm: Sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của thuyền viên; hộ chiếu của hành khách (nếu có).

Đối với tàu, thuyền xuất cảnh phải nộp (1 bản chính) gồm: Bản khai chung; danh sách thuyền viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh); danh sách hành khách (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh); bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh). Giấy tờ phải xuất trình (bản chính) gồm: Sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của thuyền viên; hộ chiếu của hành khách (nếu có).

Đối với tàu, thuyền quá cảnh thì tại cửa khẩu cảng nhập cảnh thực hiện các thủ tục quy định như tàu, thuyền nhập cảnh. Còn tại cửa khẩu cảng xuất cảnh thực hiện theo quy định như đối với tàu, thuyền xuất cảnh.

Sau khi hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử, tàu, thuyền xuất cảnh, chuyển cảng đi tiếp tục được thực hiện các hoạt động phục vụ xếp, dỡ hàng hóa và các hoạt động khác theo chương trình, kế hoạch cho đến khi rời cảng. Trường hợp có sự thay đổi về thuyền bộ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam phải xử lý thì phải làm lại thủ tục biên phòng. Tàu, thuyền chỉ được phép rời cảng khi mọi vấn đề liên quan đến con tàu, thuyền viên, hành khách, hàng hóa đã được xử lý, giải quyết xong.

Quyết định nêu rõ, trường hợp người làm thủ tục phát hiện sai sót hoặc cập nhật được thông tin cần khai báo bổ sung, thông tin phải khai báo theo quy định nhưng phát sinh sau thời điểm đã nhận được xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử, người làm thủ tục được phép sửa chữa, bổ sung nội dung khai báo trong hồ sơ điện tử theo thời hạn quy định tại Quyết định này nhưng phải được sự chấp thuận của Biên phòng cửa khẩu cảng.
 
Tổ chức các cơ quan chuyên môn trên địa bàn TP.HCM

Thủ tướng Chính phủ vừa có  ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các các cơ quan chuyên môn thuộc quận, huyện.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố vào cơ cấu tổ chức Sở Giao thông vận tải, bảo đảm không tăng số lượng đầu mối tổ chức của Sở.

Về số lượng Phó Giám đốc Sở và số lượng cấp Phó của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; con dấu, tài khoản cơ quan chuyên môn cấp huyện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Về chuyển đổi Văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS thành Trung tâm Phòng chống AIDS thuộc Sở Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức lại Ban quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc Thành phố, Ban quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố và Ban quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành các đơn vị sự nghiệp phù hợp với Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sắp xếp lại Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp theo hướng là tổ chức phối hợp liên ngành, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Về chức năng, nhiệm vụ của các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, đánh giá việc triển khai quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn trên địa bàn Thành phố, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
 
Sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Thủ tướng Chính phủ vừa có  ý kiến chỉ đạo về Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước không nắm giữ cổ phần đối với Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi.

Phối hợp với các nhà đầu tư khác thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường đối với các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Tuyên Bình, Sơn Dương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm thực hiện việc sắp xếp các Công ty nêu trên theo các quy định hiện hành; rà soát lựa chọn đối tác tham gia góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, quyết định và chịu trách nhiệm, chỉ đạo thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.

UBND tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp đối tác tham gia góp vốn cam kết sau khi sắp xếp phải thực hiện theo phương án đã được phê duyệt và sử dụng đất đúng mục đích, giữ và phát triển thương hiệu, bảo đảm quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật của Nhà nước và người dân có liên quan; không chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trước khi quyết định sắp xếp lại doanh nghiệp phải rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp; diện tích dự kiến giao cho doanh nghiệp thuê sau sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Chỉ đạo doanh nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, khi thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy hoạch được duyệt của tỉnh và quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Tuyên Quang khẩn trương hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp theo các quy định của pháp luật; tính toán đầy đủ giá trị rừng trồng, vườn cây, tài sản theo cơ chế thị trường; giá trị thương quyền và giá trị lợi thế đất đai theo quy định hiện hành của Nhà nước để xác định giá trị và quyền sử dụng đất đai của các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp khi tham gia để thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Đồng thời xây dựng Phương án quản lý đối với diện tích đất doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng bàn giao về địa phương; xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các quy định của pháp luật về đất đai.
 
Sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thủ tướng Chính phủ vừa có  ý kiến chỉ đạo về Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2017.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tái cơ cấu, duy trì Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Nam Hòa và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong.

Chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần đối với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Phong Điền.

Giải thể Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Phú Lộc. Sau khi giải thể, chuyển 1.697,77 ha đất rừng tự nhiên và rừng trồng cho Công ty TNHH một thành viên Nam Hòa để quản lý.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ của công ty sau sắp xếp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Chỉ đạo công ty lâm nghiệp sử dụng đất đúng mục đích, khi thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy hoạch được duyệt của tỉnh và quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Phương án quản lý, sử dụng đất đai, quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích đất đơn vị giải thể, diện tích đất các công ty không có nhu cầu sử dụng bàn giao về địa phương; xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các quy định của pháp luật về đất đai.
 
Thí điểm thành lập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm thành lập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Theo đó, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung là tổ chức liên kết giữa Công viên phần mềm Quang Trung với các khu công nghệ thông tin tập trung, khu phần mềm, trung tâm công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung có các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.

Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung được thành lập với 2 thành viên ban đầu bao gồm: Công viên phần mềm Quang Trung và Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ITP) liên kết với nhau nhằm kế thừa, phát huy thương hiệu Công viên phần mềm Quang Trung, tạo hạ tầng đồng bộ, thống nhất, nâng cao năng lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Trong quá trình hoạt động, Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung được kết nạp thành viên là các khu công nghệ thông tin tập trung, khu phần mềm, trung tâm công nghệ thông tin và các khu khác có hoạt động phù hợp chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung trên cơ sở tự nguyện tham gia. Tổ chức quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đề xuất, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kết nạp thành viên Chuỗi.

Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung được áp dụng các chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ thông tin tập trung quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung và được hưởng các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của pháp luật.

Ngân sách nhà nước (của Trung ương và địa phương) hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các phân khu chức năng của thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo quy định của pháp luật.

Tổ chức quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng nhiệm vụ: Quản lý các hoạt động của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo quy định của pháp luật; định hướng chiến lược phát triển của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá hình ảnh Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung trong nước và nước ngoài để thu hút các nguồn lực đầu tư vào Chuỗi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia vào hoạt động tại Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung; thúc đẩy, nâng tầm hoạt động của các đơn vị thành viên; nghiên cứu phát triển, hợp tác chia sẻ thương hiệu, kinh nghiệm quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo cho các đơn vị thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả 2 vụ TNGT tại Hà Nội, Hà Giang

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện yêu cầu Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Giang chỉ đạo khắc phục hậu quả tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại 2 tỉnh, thành phố này.

Ngày 29/2/2016 tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Giang đã xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn giao thông làm chết 7 người, bị thương 3 người. Đây đều là những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người lái xe ô tô, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngay sau khi nhận được thông tin các vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương; biểu dương lãnh đạo Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Giang đã trực tiếp thăm hỏi, chia buồn với gia đình các nạn nhân bị tử vong, chỉ đạo các cơ quan y tế tập trung cứu chữa nạn nhân bị thương để giảm thiểu thiệt hại về người, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân và xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật; đồng thời đề nghị đồng chí Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Giang chỉ đạo:

1. Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện các thủ tục có liên quan để xác minh nguyên nhân hai vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân gây ra hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này; chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông như: người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ cho phép, đi sai phần đường, làn đường, dừng đỗ xe trái quy định gây cản trở giao thông...

2. Các cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, Ban An toàn giao thông các quận, huyện, các đoàn thể chính trị - xã hội của hai địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông, các quy tắc tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là thực hiện “đã uống rượu bia- không lái xe”, “đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”, “không phóng nhanh, vượt ẩu”, “không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và hành lang an toàn giao thông”./.