• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3.

03/03/2016 19:03
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra, tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo tăng trưởng dư nợ tín dụng hợp lý gắn với triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; triển khai đồng bộ, nhất quán các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu thô thế giới, đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do để chủ động đề xuất giải pháp cân đối nguồn thu ngân sách Nhà nước; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm.

Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất phương án khai thác dầu thô phù hợp trong điều kiện giá dầu thô giảm sâu; triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phát triển rừng và bảo vệ rừng, ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng do hạn hán, nắng nóng.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách. Tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, đẩy mạnh kiểm tra điều kiện an toàn của các phương tiện vận tải; phối hợp với các địa phương tiếp tục kiểm soát tải trọng xe cơ giới.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội

Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và  Đào tạo chỉ đạo công tác chuẩn bị kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 bảo đảm trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Bộ Y tế tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở kinh doanh du lịch và tại các lễ hội; tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch bệnh do virus Zika gây ra.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý lễ hội, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chủ động phối hợp với địa phương cung ứng kịp thời nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp; nắm tình hình đời sống nhân dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc và vùng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm ngập mặn trong mùa giáp hạt để có biện pháp cứu trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu đói.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Bộ Công an tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa điểm tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông...

Quyết liệt chống hạn hán và xâm nhập mặn

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Tình hình hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Không để người dân bị thiếu nước

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra, chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và chăm lo ổn định đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, bị đói và bùng phát dịch bệnh.

Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan thông tin kịp thời tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước các hồ thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, trong đó ưu tiên nước uống, nước sinh hoạt cho nhân dân và nước cho chăn nuôi; chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hạn hán trên địa bàn; rà soát xác định các hộ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách để chủ động hỗ trợ kịp thời; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chế độ canh tác phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước; chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn theo quy định.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan rà soát, xác định số kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ theo chính sách, chế độ quy định; tạm ứng 70% kinh phí cho các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình chống hạn, xâm nhập mặn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giao ban với các địa phương vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn; tổ chức, chỉ đạo các địa phương đắp đập tạm, khoanh vùng giữ nước để chống xâm nhập mặn và tích trữ nước ngọt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện các giải pháp sử dụng nước có hiệu quả, hạn chế thất thoát nước; rà soát, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh huy động nguồn lực, cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật Đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách phục vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và sạt lở ven biển, trong đó ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành các công trình, dự án dở dang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi, dự báo, thông tin kịp thời về nguồn nước; đánh giá cụ thể tác động của các dự án làm thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn sông Mekong, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
 
WB hỗ trợ xây cầu dân sinh, cải tạo đường địa phương

Dự án “Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án.

Dự án nhằm thực hiện Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho nông thôn, nhất là các vùng xa xôi có đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, về nâng cấp, cải tạo đường địa phương, sẽ có khoảng 676 km đường được khôi phục, cải tạo và khoảng 61.109 km đường địa phương được bảo dưỡng thường xuyên tại các tỉnh tham gia Dự án.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng khoảng 2.174 cầu trong số 4.145 cầu trong Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020, bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp và Bến Tre.

Dự án được thực hiện từ năm 2016-2021 với tổng mức đầu tư là 408,93 triệu USD, trong đó, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc nhóm WB 385 triệu USD, vốn đối ứng phía Việt Nam tương đương 23,93 triệu USD.

Hoàn thiện Quy chế tài chính Viện KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc


Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy chế tài chính của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST).

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ tham khảo kinh nghiệm quốc tế và chính sách trả lương, phụ cấp của Đại học Việt-Đức, Đại học Việt-Pháp, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán để hoàn thiện Quy chế tài chính của V-KIST, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam theo nguyên tắc: Tiền lương và phụ cấp phải gắn với kết quả công việc, hợp đồng sản phẩm, thời gian ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho Viện; chính sách ưu đãi chủ yếu tập trung cho đối tượng tham gia trực tiếp vào hoạt động khoa học và công nghệ tại Viện.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan báo cáo Chính phủ về Quy chế tài chính của V-KIST tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2016.

Sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu


Thủ tướng Chính phủ vừa có  ý kiến chỉ đạo về Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phối hợp với nhà đầu tư khác thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, Nhà nước nắm giữ phần vốn góp chi phối nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường đối với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm rà soát lựa chọn đối tác tham gia góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, quyết định và chịu trách nhiệm, chỉ đạo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp đối tác tham gia góp vốn cam kết sau khi sắp xếp phải thực hiện theo phương án đã được phê duyệt và sử dụng đất đúng mục đích, giữ và phát triển thương hiệu, bảo đảm quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật của Nhà nước và người dân có liên quan.

Trước khi quyết định sắp xếp lại doanh nghiệp phải rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp; diện tích dự kiến giao cho doanh nghiệp thuê sau sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo doanh nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, khi thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy hoạch được duyệt của tỉnh và quy định của pháp luật.

Đồng thời xây dựng Phương án quản lý đối với diện tích đất doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng bàn giao về địa phương; xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các quy định của pháp luật về đất đai.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại 2 tỉnh


Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND 2 tỉnh Sóc Trăng và Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn 2 tỉnh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ  đồng ý UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định chuyển mục đích sử dụng 600.563 m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để xây dựng Trung tâm điện lực Long Phú do Công ty TATA Power làm chủ đầu tư.

* Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Nghệ An về việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án Trạm nghiền xi măng Sông Lam.

UBND tỉnh Nghệ An thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng 70,69 ha đất rừng phòng hộ để xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và đúng quy định hiện hành.

Cao điểm xử lý vi phạm khai thác cát, sỏi lòng sông

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ động xây dựng kế hoạch triển khai mở các đợt cao điểm tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên phạm vi toàn quốc.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản ở khu vực giáp ranh.

Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên, khoáng sản, nhất là các văn bản quy định về hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất, hiệu quả.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra các mỏ cát, các dự án nạo vét luồng, đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh; kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác cấp sai quy định và giấy phép đã cấp cho các đơn vị nhưng có nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác, nạo vét luồng và các dự án nạo vét hoạt động kém hiệu quả, không đủ năng lực hoạt động./.