Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phối hợp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung phối hợp công tác với các cấp Tổng Liên đoàn trong việc thực hiện một số nội dung:
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo nhiều việc làm cho xã hội.
Xây dựng đội ngũ công nhân, người lao động có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, đặc biệt về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; kịp thời kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, xử lý vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Phổ biến chính sách pháp luật, chủ động cung cấp thông tin liên quan cho người lao động nhằm đẩy lùi thông tin tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của người lao động vào Đảng và Nhà nước, vào sự quản lý, điều hành của Chính phủ.
Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, khích lệ, động viên người lao động hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả chung của đơn vị và của đất nước.
Tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công nhân, người lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tổ chức gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và đại biểu tham dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ chủ chốt Công ty CP Xà phòng Hà Nội và Công ty CP nông nghiệp Hùng Hậu.
Trước đó, một số cán bộ chủ chốt của Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiều lần gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc bổ nhiệm ông Lê Hải Sơn, Kế toán trưởng làm Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội.
Về việc này, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ chủ chốt của Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2017.
* Công ty cổ phần nông nghiệp Hùng Hậu có thư đề ngày 5/6/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh việc Công ty gặp nhiều hạn chế trong thực hiện các cơ hội kinh doanh do chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Phú Trung, chủ đầu tư Khu công nghiệp Sa Đéc chưa nộp đủ tiền thuê đất.
Về việc này, Phó Thủ tướng giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra thông tin Công ty cổ phần nông nghiệp Hùng Hậu phản ánh nêu trên. Nếu đúng, khẩn trương chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có văn bản thông báo cho Công ty cổ phần nông nghiệp Hùng Hậu kết quả xử lý.
Rà soát các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xem xét bổ sung huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Thông báo kết luận nêu rõ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách giảm nghèo bền vững nói riêng là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, chính sách giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách cần được tập trung thực hiện trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Thời gian qua, việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số chính sách đầu tư còn dàn trải, phân tán; một bộ phận dân cư, chính quyền địa phương còn ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách cấp trên; kinh phí đối với các huyện nghèo, huyện hưởng cơ chế, chính sách theo huyện nghèo còn tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến tạo sinh kế cho người dân; chưa khuyến khích và đánh giá cao người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Giai đoạn 2017-2020, trên cơ sở quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg ngày 7/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 30a và các văn bản liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2017-2020.
Các địa phương rà soát, báo cáo lại các tiêu chí quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo.
Thành lập Hội đồng thẩm định gồm thành viên là đại diện các bộ, cơ quan nêu trên, mời Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia để rà soát, đánh giá, đề xuất các huyện tiếp tục được thực hiện, các huyện đưa ra khỏi danh sách thực hiện Nghị quyết 30a; các huyện được hưởng một số cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2017 bảo đảm nguyên tắc phù hợp với quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg, có tính đến đặc thù vùng miền; công khai, minh bạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hơn vào hỗ trợ tạo sinh kế cho nhân dân; phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, huyện hưởng một số cơ chế, chính sách theo huyện nghèo giai đoạn 2017-2020.
Bố trí phương tiện kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin hỏi-đáp về an toàn thực phẩm; đồng thời, có văn bản chỉ đạo thực hiện việc bố trí phương tiện kiểm tra nhanh thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị, trong tháng 7/2017 trình Chính phủ ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cho các bộ ngành thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ trong tháng 7/2017 trình Chính phủ có văn bản chỉ đạo việc bố trí cán bộ xã theo dõi công tác an toàn thực phẩm.
Về vấn đề công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị số 38/2012/NĐ-CP, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để hoàn chỉnh Dự thảo theo hướng chuyển sang hậu kiểm, quy định cụ thể tại Nghị định việc công bố của doanh nghiệp, hạn chế tối đa các hướng dẫn của các bộ về vấn đề này; thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cơ chế đặc thù cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về quản lý các lò mổ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thống nhất phương án kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả; trong đó phải đổi mới cách thức làm việc, nhất là đối với bộ phận tổng hợp giúp việc Ban Chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.
Được biết, 6 tháng đầu năm, cả nước đã thành lập 23.441 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%.
Lực lượng cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 3.163 vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với 433 tổ chức, 2.586 cá nhân; khởi tố 4 vụ, 3 bị can; ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 2.587 vụ với tổng số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác xử lý 245 vụ với 193 đối tượng; đang điều tra 136 vụ với 36 đối tượng...
Giải pháp chống ngập dọc Quốc lộ 1A đoạn qua Bạc Liêu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về giải pháp xử lý chống ngập dọc Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải lựa chọn những đoạn tuyến, điểm xung yếu nhất thường xuyên bị ngập lụt trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, đề xuất sử dụng nguồn vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo nguyên tắc của Quốc hội tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3198/VPCP-QHĐP ngày 3/4/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, cập nhật quy hoạch giao thông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có xét đến tình hình ngập lụt, úng, triều cường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu theo Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Chương trình đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang theo quy định tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng với kịch bản mới được cập nhật và điều kiện thực tế để có giải pháp tổng thể giải quyết tình trạng ngập lụt, úng, triều cường một cách đồng bộ cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và đời sống của nhân dân trong Vùng./.