• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/10.

07/10/2017 09:30

Thủ tướng quyết định nhân sự 3 đơn vị

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định nhân sự 3 đơn vị: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 1498/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Vũ Hải Quân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức vụ Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Quyết định 1499/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cử ông Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ kiêm nhiệm Ủy viên Thư ký Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 (thay ông Đặng Xuân Hoan thôi làm Ủy viên Thư ký Hội đồng do đã chuyển công tác khác).

Tại Quyết định 1500/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Vũ Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam để chuyển công tác về Văn phòng Quốc hội nhận nhiệm vụ khác.

Tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Nghị định này quy định về chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.

Nguyên tắc trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe là bảo đảm sự an toàn, tôn trọng và giữ bí mật thông tin cho người sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở thực hành; lấy người học thực hành làm trung tâm, được đào tạo để đạt các phẩm chất, năng lực đã được xác định trong chương trình đào tạo thực hành theo chuẩn năng lực nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong xây dựng chương trình, kế hoạch, hợp đồng, tổ chức đào tạo thực hành, lượng giá và đánh giá kết quả thực hành; bảo đảm sự thống nhất, tương đồng về quyền và trách nhiệm giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong tổ chức đào tạo thực hành.

Yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành

Nghị định quy định rõ yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành, trong đó, yêu cầu chung đối với người dạy thực hành gồm: Có văn bằng, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn tối thiểu 12 tháng liên tục đến thời điểm giảng dạy thực hành phù hợp với trình độ, ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành; trình độ của người giảng dạy thực hành không được thấp hơn trình độ đang được đào tạo của người học thực hành; có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn hành nghề phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo thực hành trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề.

Có 4 yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh:

1- Đáp ứng các yêu cầu chung đối với người giảng dạy thực hành nêu trên.

2- Đã có đủ thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi có chứng chỉ hành nghề liên tục ở ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành đến thời điểm giảng dạy thực hành ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học, 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp.

3- Tại cùng một thời điểm, một người giảng dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 5 người học thực hành đối với đào tạo trình độ sau đại học, không quá 10 người học thực hành đối với đào tạo trình độ đại học, không quá 15 người học thực hành đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

4- Đã được bồi dưỡng phương pháp dạy - học lâm sàng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, trừ trường hợp người giảng dạy thực hành đã có chứng chỉ phương pháp dạy - học mà trong chương trình đào tạo đã có nội dung về phương pháp dạy - học lâm sàng.

Yêu cầu đối với cơ sở thực hành

Ngoài yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành, Nghị định cũng quy định yêu cầu đối với cơ sở thực hành, trong đó, yêu cầu chung đối với cơ sở thực hành gồm: Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo thực hành (a); có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành theo yêu cầu của chương trình đào tạo thực hành (b) ; có người giảng dạy thực hành đáp ứng các yêu cầu chung đối với người giảng dạy thực hành nêu trên và có đủ thời gian hoạt động chuyên môn liên tục ở ngành/chuyên ngành hướng dẫn thực hành ít nhất là 12 tháng.

Yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Có đủ các yêu cầu quy định tại (a), (b) nêu trên; có phòng học, phòng giao ban, phòng trực dành cho người học thực hành và người giảng dạy thực hành; có người giảng dạy thực hành đáp ứng yêu cầu quy định; tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 3 người học thực hành trên 1 giường bệnh hoặc 1 ghế răng; tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành, trừ trường hợp quy định tại (c) dưới đây.

Cơ sở thực hành là cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm: Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành thuộc trường hợp cơ sở giáo dục có ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh phải ký hợp đồng hoặc có 1 cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ít nhất 50% thời lượng của chương trình thực hành của không quá 2 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 1 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng (c).

Nghị định cũng quy định yêu cầu đối với cơ sở giáo dục; công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ; chi phí đào tạo thực hành.

Nghị định có hiệu lực từ 20/11/2017.

Hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2017/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo Nghị định, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội gồm: Các cơ quan thanh tra nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Cơ quan thanh tra nhà nước gồm: Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ); Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thanh tra Sở).

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động.

Theo quy định, Thanh tra Bộ là cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện thanh tra hành chính, thanh chuyên ngành; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Sở là cơ quan của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giúp Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 10 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: 1- Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục, Cục; 2- Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý với Thanh tra Bộ; 3- Tham gia với Thanh tra Bộ hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục, Cục; 4- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật thuộc phạm quản lý nhà nước theo quy định; 5- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định rõ hoạt động thanh tra hành chính do Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở thực hiện theo quy định của pháp luật. Nội dung thanh tra hành chính gồm: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành do các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Nghị định này thực hiện. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định từ Điều 51 đến Điều 56 Luật thanh tra, từ Điều 14 đến Điều 32 Nghị định số 7/2012/NĐ-CP.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ các nội dung thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn vệ sinh lao động; nội dung thanh tra chuyên ngành về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nội dung thanh tra chuyên ngành về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nội dung thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp; nội dung thanh tra chuyên ngành về người có công; nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực trẻ em và các chính sách xã hội khác.

Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 4 địa phương

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin, hóa chất sát trùng thuộc hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 4 địa phương phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Cụ thể, tỉnh Sơn La: 42.880 liều vắc xin Lở mồm long móng (LMLM) trâu bò type O; 21.440 liều vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò và 11.500 liều vắc xin Dịch tả lợn.

Tỉnh Yên Bái: 30.000 liều vắc xin LMLM 2 type (O,A); 5.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid và 5.000 lít hóa chất sát trùng Han-Iodine.

Tỉnh Nghệ An: 20.000 liều vắc xin LMLM 2 type (O,A); 20.000 liều vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò; 25.000 liều vắc xin Dịch tả lợn và 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid.

Tỉnh Thừa Thiên Huế: 50.000 liều vắc xin LMLM type O và 5.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND 4 tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hoá chất nêu trên theo đúng quy định.

Xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành đô thị đại học

Nhà nước sẽ có cơ chế đặc thù cho đầu tư phát triển để xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trở thành đô thị đại học tại Hòa Lạc với một hệ thống các trường thành viên trong một chỉnh thể đồng bộ, thống nhất, hiện đại, thực sự trở thành nơi ươm tạo tài năng và khởi nghiệp, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các trường đại học.

Nội dung trên được nêu tại Thông báo số 464/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với ĐHQGHN.

Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã có nhiều đổi mới và phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, được trong nước và quốc tế đánh giá cao.

ĐHQGHN đã quy tụ được đội ngũ nhân tài, các giáo sư, phó giáo sư và chuyên gia đầu ngành; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và của nền kinh tế; tiếp tục phát huy thế mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản, đồng thời chú trọng các nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm khoa học gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đất nước. Vị trí xếp hạng của ĐHQGHN được nâng cao (tăng từ vị trí số 250 năm 2010 lên 139 các trường đại học hàng đầu châu Á năm 2016, trong đó có một số lĩnh vực nằm ở tốp 100).

ĐHQGHN đã tập trung kiến tạo, phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp vươn lên trong sinh viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học thúc đẩy phát triển thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đã chú trọng đầu tư và phát triển các công trình, sản phẩm có tính thực tiễn cao phục vụ đời sống; có số lượng các nhà khởi nghiệp đứng đầu trong các trường đại học cả nước.

ĐHQGHN đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo của nước nhà, nhất là trong việc dẫn dắt hệ thống đại học đổi mới, hội nhập; từng bước khẳng định vị thế trung tâm đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao mang thương hiệu quốc gia, phát triển đúng hướng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ĐHQGHN còn một số khó khăn, hạn chế: sản phẩm khoa học và đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc thu hút cán bộ, nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học còn thấp; số lượng các nhà sáng lập khởi nghiệp đông đảo nhưng việc thương mại hóa sản phẩm còn hạn chế; cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, đặc biệt tiến độ Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc chậm dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu so với yêu cầu đặt ra.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN, Thủ tướng đồng ý chuyển giao Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc về ĐHQGHN và giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với ĐHQGHN hoàn thiện các thủ tục bàn giao nguyên trạng, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định. Sau khi hoàn thành việc chuyển giao, ĐHQGHN quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của ĐHQGHN theo tinh thần: Xây dựng một khu đô thị đại học hiện đại, không chỉ gồm các đơn vị thành viên hiện tại của ĐHQGHN; có quỹ đất dự phòng để một số trường đại học có uy tín có thể có cơ sở trong khu đô thị đại học. Thủ tướng yêu cầu việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết ĐHQGHN 1/500 phải thực hiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm mục tiêu phát triển, cấu trúc khu đô thị đại học chất lượng cao của quốc gia.

Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các dự án, công trình triển khai, chống lấn chiếm và xây dựng trái phép; xây dựng và thực hiện cơ chế đặc thù để tập trung giải phóng mặt bằng với một lộ trình cụ thể, đặc biệt là xây dựng các dự án tái định cư trên cơ sở dự án điều chỉnh được duyệt; hoàn thành thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ĐHQGHN.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và ĐHQGHN đề xuất bổ sung vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng các công trình thiết yếu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Thủ tướng Chính phủ sẽ làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng để xử lý cụ thể việc này sớm...

TP Thái Nguyên hoàn thành xây dựng nông thôn mới 2016

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa quyết định công nhận thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016.

Thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nông thủy sản các tháng cuối năm 2017 và thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai theo thẩm quyền các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường các mặt hàng nông thủy sản; trong đó chú trọng phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, nhất là tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, thị trường, tiến trình tháo gỡ rào cản và đàm phán mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để định hướng thị trường, định hướng sản xuất và ngăn ngừa các thông tin không chính xác, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu; đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.