Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Cụ thể, lĩnh vực văn hóa có 27 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, lĩnh vực gia đình có 3 dịch vụ, lĩnh vực thể dục, thể thao có 7 dịch vụ, lĩnh vực du lịch có 3 dịch vụ và 13 dịch vụ khác thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Trong đó, ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện các dịch vụ: Bảo tồn, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp truyền thống, tiêu biểu, đặc thù; tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, quân dân biên giới, hải đảo; cung cấp các sản phẩm truyền thông về giáo dục đời sống, đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; đào tạo, huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao...
Ngân sách Nhà nước bảo đảm phần chi phí thực hiện dịch vụ chưa tính vào giá theo lộ trình tính giá đối với các dịch vụ như: Tổ chức liên hoan phim, tuần phim và các sự kiện quảng bá điện ảnh trong nước và quốc tế phục vụ nhiệm vụ chính trị; tổ chức các sự kiện của Việt Nam và quốc tế liên quan đến lĩnh vực gia đình; tổ chức các đại hội thể thao, các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai; bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, thể thao đặc thù...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế-kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành khung giá và giá các loại hình dịch vụ để áp dụng cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; xem xét, quyết định việc giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ cho các cơ sở văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ngoài công lập theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương ngoài danh mục dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Quyết định này.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm đủ ngân sách để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Quyết định này theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT).
Trong đó, danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác gồm: 3 dịch vụ về đất đai; 3 dịch vụ về tài nguyên nước; 3 dịch vụ về địa chất và khoáng sản; 3 dịch vụ về môi trường; 3 dịch vụ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; 3 dịch vụ về khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; 5 dịch vụ về đo đạc bản đồ và viễn thám; 6 dịch vụ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; 4 dịch vụ thông tin, truyền thông về TNMT.
Dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo gồm: Đào tạo cao đẳng; đào tạo liên thông cao đẳng-đại học; đào tạo đại học; đào tạo sau đại học (các ngành học đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển ngành TNMT, gồm: Khoa học môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Quản lý TNMT; Luật môi trường; Quản lý đất đai; Khoa học đất; Kỹ thuật Trắc địa bản đồ; Kỹ thuật thông tin địa không gian; Công nghệ kỹ thuật trắc địa; Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững; Quản lý biển; Khí tượng-Thủy văn biển; Khí trượng học; Thủy văn học; Kỹ thuật địa chất khoáng sản; Công nghệ kỹ thuật địa chất; Quản lý tài nguyên nước; Kỹ thuật tài nguyên nước; Công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước); đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của Bộ TNMT.
Lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ có các dịch vụ sự nghiệp công: Hoạt động nghiên cứu cơ bản khoa học và công nghệ thuộc trách nhiệm của Bộ TNMT; hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao thuộc trách nhiệm của Bộ TNMT; hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ TNMT và hoạt động khoa học và công nghệ khác (thông tin, hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ).
Lĩnh vực y tế có các dịch vụ sự nghiệp công: Thực hiện đánh giá, giám sát các yếu tố có nguy cơ và phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người lao động trong ngành TNMT; lập hồ sơ theo dõi, quản lý, phân loại sức khỏe cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TNMT cần được điều dưỡng, phục hồi chắc năng; tổ chức khám, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng lao động cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị thuộc bộ; tổ chức triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống bệnh sốt rét thuộc phạm vi của bộ; đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định về y tế, chăm sóc sức khỏe, bệnh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức, người lao động ngành TNMT.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ TNMT quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế-kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công trên quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Ngoài các danh mục dịch vụ sự nghiệp công quy định trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Bảo tồn, tôn tạo di tích khảo cổ hang Con Moong (Thanh Hóa)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch là 977,568 ha, trong đó khu vực bảo vệ di tích, có diện tích khoảng 499,818 ha, bao gồm: Hang Con Moong 483,9861 ha; Hang Lai 2,3518 ha; Hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, đất đắp núi Đầu Voi 6,8529 ha; Hang Diêm (hang Dơi) 4,1372 ha; hang và mái đá Mộc Long 2,49 ha; khu vực phát huy giá trị di tích có diện tích khoảng 477,75 ha.
Phạm vi ranh giới khu vực nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm diện tích đất thuộc địa phận các xã Thành Yên và Thành Minh.
Mục tiêu lập quy hoạch là nhận diện rõ hơn giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận; bảo vệ di tích và cảnh quan, môi trường di tích gắn với phát huy bản sắc văn hóa địa phương; kết nối di tích với các khu vực cảnh quan sinh thái vườn quốc gia Cúc Phương, hình thành các sản phẩm di lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đồng thời xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích. Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích; định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Tính chất quy hoạch là di tích khảo cổ, di tích quốc gia đặc biệt, là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng.
Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu là nghiên cứu, khảo sát di tích; khảo cứu số liệu, tài liệu nghiên cứu về di tích (lịch sử, khảo cổ học, văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường, hệ động thực vật, địa hình, thủy văn và cảnh quan của khu vực di tích); khảo sát, đo vẽ, đánh giá hiện trạng di tích và bổ sung tư liệu về di tích. Nghiên cứu phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư xung quanh di tích.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, khảo sát hiện trạng xây dựng, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật. Xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc cảnh quan khu vực di tích, khu dân cư và vùng lân cận; tình hình kinh tế, xã hội và hoạt động du lịch; các chương trình, quy hoạch, dự án đã và đang thực hiện tại địa phương có tác động đến hệ thống di tích; đánh giá kết quả tình hình huy động vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư; các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân.
Xác định giá trị và đặc điểm của di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận giá trị về cảnh quan, môi trường gắn với di tích; xác định tình trạng và nguyên nhân gây xuống cấp di tích, nhận diện các tác động tiêu cực đến di tích và cảnh quan di tích; xác định các yếu tố cần bảo tồn; xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị điều chỉnh mở rộng các khu vực bảo vệ di tích, xác định các khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới.
Các dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khu vực: dự báo tăng trưởng kinh tế xã hội; dự báo quá trình đô thị hóa; dự báo phát triển du lịch; dự báo tác động môi trường và biến đổi khí hậu và dự báo các chỉ tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch.
Ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý. Cụ thể, lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý phối hợp kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về điều kiện kinh doanh, chấp hành chế độ thuế, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.
Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng tập trung phối hợp kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại tại địa bàn cửa khẩu, đường mòn, lối mở, kênh, sông,... khu vực biên giới; có biện pháp rà soát, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh qua tuyến hàng không, cửa khẩu đường bộ, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, bảo đảm không gây khó khăn cho các hành khách chấp hành tốt pháp luật.
Lực lượng Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng và các cấp chính quyền địa phương trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thượng mại mặt hàng xăng dầu, khoáng sản trên các vùng biển, trọng điểm là vùng biển Đông Bắc và vùng biển Tây Nam.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng ở cả Trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Quy chế cung cấp thông tin ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-BCĐ 389 ngày 25/1/2017.
Kiểm tra phản ánh xây công trình chợ ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên)
Ngày 6/11/2017 Báo mới.com điện tử đăng thông tin về "Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu", tỉnh Hưng Yên.
Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo kiểm tra nội dung phản ánh, nếu phát hiện có sai phạm, yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2018.
Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1993/QĐ-TTg công nhận thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.
Đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm (thành phố Đà Nẵng).
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai việc đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật./.