• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

19/06/2018 19:39
Thủ tướng chỉ thị tăng cường chống buôn lậu hàng dược phẩm, mỹ phẩm

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Chỉ thị nêu rõ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.

Thực tế trên đây là đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.

Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài; phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Triệt phá ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng không bảo đảm chất lượng

Cụ thể, Bộ Y tế phải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi phù hợp những văn bản chưa quy định về chuyên môn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Tăng cường quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người; đề xuất thực hiện thống nhất và xã hội hóa công tác giám định, kiểm định; thực hiện kết nối một cửa quốc gia, chủ động chia sẻ thông tin về cấp phép, quản lý đối với sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, phối hợp với các cơ quan liên quan phòng chống hiệu quả buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng thuộc phạm vi quản lý.

Chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ đối với hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp với các cơ quan và các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nói trên.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, tập trung điều tra, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, đặc biệt là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ buôn lậu, kinh doanh, sản xuất hàng giả nghiêm minh theo pháp luật.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới đặc biệt là đường mòn lối mở, khu vực cửa khẩu, các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa ở khu vực biên giới; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa trong đó có dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng tuyên truyền vận động cư dân vùng biên không tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển, chủ động phối hợp các lực lượng chức năng chia sẻ thông tin, phát hiện, bắt giữ các đối tượng buôn lậu trong đó có hàng hóa là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền qua đường biển.  

Tổng kiểm tra toàn quốc

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ  đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên toàn quốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các cơ quan chức năng, các chủ thể quyền, xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm tuân thủ pháp luật, đặc biệt chú ý các lô hàng theo quy định phải bảo đảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho thông quan; chỉ đạo Cơ quan Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào xây dựng cơ chế quản lý đối với các mặt hàng này.

Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình, báo chí trên môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo, thông tin sai quy định trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền; chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Công khai thông tin các tổ chức, cá nhân vi phạm, biểu dương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thẩm định và công bố công khai tiêu chuẩn quốc gia về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; quản lý chặt chẽ hoạt động của đại diện chủ sở hữu công nghiệp, quy định sở hữu công nghiệp và các dịch vụ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan; tăng cường công tác kiểm tra nhà nước về đo lường chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng; phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Các doanh nghiệp phải thông tin đầy đủ về hàng hóa đến các cơ quan quản lý và người tiêu dùng, phải phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, đẩy mạnh liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Điện Biên

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Điện Biên.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Điện Biên có 758.046 ha đất nông nghiệp, chiếm 79,27%; đất phi nông nghiệp là 22.956 ha, chiếm 2,40%; đất đô thị 14.393, chiếm 1,51%.

Đối với các khu chức năng, đến năm 2020, khu sản xuất nông nghiệp có 213.871 ha; khu lâm nghiệp 729.491 ha; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 49.341 ha; khu phát triển công nghiệp 201 ha; khu đô thị có 18.341 ha; khu thương mại - dịch vụ 318 ha; khu dân cư nông thôn có 19.029 ha.

Từ năm 2016-2020, 5.986 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 263.484 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 4 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

UBND tỉnh Điện Biên có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên địa bàn tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê.

UBND tỉnh Điện Biên tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai.

Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên tăng cường điều tra đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai; đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong quản lý đất đai, nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai với mục tiêu nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên cả nước được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão, bảo đảm an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế xã hội; 100% các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo; 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở bảo đảm an toàn;...

Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng

Một trong các giải pháp tổng thể là về cơ sở hạ tầng, đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao, hồ, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án chống ngập úng đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh,…

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trước hết là trung tâm chỉ đạo, điều hành cấp quốc gia, cấp tỉnh, từng bước hiện đại hóa tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.

Đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hoá một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai.

Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hoá, trực tuyến trong quan trắc, giám sát, quản lý, khai thác, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu và vận hành ứng phó theo thời gian thực; ứng dụng vật liệu mới, giải pháp mới trong phòng, chống thiên tai.

Một số giải pháp trọng tâm đối với các vùng miền

Nghị quyết cũng nêu cụ thể một số giải pháp trọng tâm đối với các vùng miền. Theo đó, với vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, bảo đảm sinh kế bền vững phù hợp với tập quán từng khu vực.

Với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, bảo đảm an toàn đê điều, quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất nhất là sử dụng đất bãi sông để bảo vệ không gian thoát lũ. Nâng cao mức bảo đảm an toàn chống lũ cho hệ thống đê sông, hồ chứa nước xung yếu.

Còn với vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, tập trung nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão; xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp cho lưu vực sông; xử lý công trình hạ tầng (vật kiến trúc, đường giao thông) gây cản trở thoát lũ, tăng ngập lụt.

Vùng Tây Nguyên xây dựng công trình cấp nước, trữ nước để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước; tổ chức vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt; đẩy mạnh sử dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chính phủ cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác phòng, chống thiên tai.

Thay đổi thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa ký quyết định 743/QĐ-TTg về việc thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thay thế ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng do yêu cầu nhiệm vụ công tác của Bộ Xây dựng.

Theo Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 28/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ  đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính.

Báo cáo đầu tư xây Khu bến cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Trị chuẩn bị hồ sơ và tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá tác động môi trường của dự án để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện việc thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án. Trên cơ sở kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Cảng biển Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị đã được quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Khu bến Mỹ Thủy là khu bến cảng biển tiềm năng, phát triển có điều kiện với chức năng chính là chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp và tiếp chuyển hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan. Quy mô và tiến trình phát triển phải phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của chủ đầu tư, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng (đặc biệt là luồng vào, đê chắn sóng, ngăn cát...).

Danh sách thành viên BCĐ điều hành giá

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa ký Quyết định ban hành thành viên Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban.

Thành viên Ban chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

Các thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định số690/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 và Quyết định số 60/QĐ-BCĐĐHG ngày 15/9/2014.

Ban Chỉ đạo điều hành giá có nhiệm vụ nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ; thực hiện đồng bộ các chính sách về giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; quyết định các biện pháp điều hành giá cụ thể đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu phù hợp trong từng thời kỳ; thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Ban Chỉ đạo còn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ; xử lý một số vấn đề khác liên quan đến điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thảo luận, hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, hiệp hội các ngành hàng, tổ chức và các cá nhân có liên quan về những chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, điều hành giá khi cần thiết; khảo sát, nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Thành phố Sông Công hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.

Đến nay 4//4 xã của thành phố Sông Công đã được UBND tỉnh Thái nguyên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong những năm qua, thành phố Sông Công đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, tăng trưởng kinh tế luôn giữ ở mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 75,4%; thương mại dịch vụ chiếm 17,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,2%.

Nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, thành phố đã vận động người dân thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại, thúc đẩy giao thương để tăng cường trao đổi hàng hóa, quảng bá tiềm năng để thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung phát triển vùng chè an toàn VietGap ứng dụng công nghệ cao tại các xã Bá Xuyên, Tân Quang; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp...

Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của các xã trên địa bàn thành phố đạt gần 32 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn của thành phố chỉ còn 5,93%./.