Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thêm đối tượng được miễn học phí
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Theo đó, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định trên làm Đơn đề nghị miễn học phí theo mẫu kèm theo Nghị định số 145/2018/NĐ-CP và hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Nghị định nêu rõ, trường hợp trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định tại Nghị định này đồng thời thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em chỉ phải nộp bổ sung Đơn đề nghị miễn học phí.
Trình tự thủ tục xét duyệt hồ sơ, chi trả, cấp bù kinh phí miễn học phí thực hiện theo quy định như đối với các đối tượng được miễn học phí quy định tại Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Nghị định số 145/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2018. Chính sách miễn học phí cho trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi quy định ở trên được thực hiện từ năm học 2018 - 2019 (từ ngày 1/9/2018).
Quy định mới về kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.
Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2011/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ là về điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.
Cụ thể, về điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật; có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
Doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp; có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
Doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đủ điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác theo quy định.
Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trực tiếp hoặc ngày đến ghi trên dấu bưu điện, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế cho doanh nghiệp.
Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp.
Nếu có thay đổi một trong những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trong thời hạn có hiệu lực, người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế phải làm thủ tục theo quy định để đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.
BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đối tượng áp dụng gồm: 1- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2- Người lao động quy định tại điểm 1 không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau: a- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; b- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
3- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
4- Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.
Chế độ bảo hiểm
Theo Nghị định, người lao động quy định tại điểm 1 ở trên thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động quy định tại điểm 1 tính trên thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định.
Trong đó, về chế độ ốm đau, Nghị định quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật bảo hiểm xã hội.
Thời gian hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật bảo hiểm xã hội. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật bảo hiểm xã hội.
Đối với chế độ thai sản, Nghị định quy định lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi được trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội. Mức hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội.
Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật bảo hiểm xã hội.
Về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Nghị định quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật an toàn, vệ sinh lao động. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Mức hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: Trợ cấp một lần thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật An toàn, vệ sinh lao động; trợ cấp hàng tháng thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 6 Điều 49 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật an toàn, vệ sinh lao động và Điều 10 của Nghị định này.
Nghị định quy định rõ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
Nghị định cũng định rõ chế độ hưu trí. Theo quy định, mức lương hưu hàng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật bảo hiểm xã hội.
Các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần gồm: 1- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; 2- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; 3- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam; 4- Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
Tổ chức “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1365/QĐ-TTg về việc tổ chức và hoạt động “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”.
Mục tiêu nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài hướng về biển, đảo Việt Nam nói chung, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 nói riêng; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân trong và ngoài nước về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa “Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu xã hội hoá nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội tham gia nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện hỗ trợ vật chất, tài chính, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
“Quỹ vì biển, đảo Việt Nam” là nguồn kinh phí huy động tự nguyện (không bắt buộc) đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, trong đó ưu tiên tập trung cho các địa bàn trọng điểm, chiến lược, nhất là huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Nguồn hình thành Quỹ: Tiếp nhận toàn bộ số Quỹ còn lại của “Quỹ vì Trường Sa thân yêu” chuyển sang; Huy động tự nguyện ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước.
Quỹ thành lập và hoạt động phi lợi nhuận. Quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền. Việc thực hiện thu, chi Quỹ công khai, minh bạch (về tài chính, tài sản) theo quy định của pháp luật. Quỹ có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.
* Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 1366/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”.
Theo Quyết định, Trưởng Ban chỉ đạo là lãnh đạo Bộ Quốc phòng phụ trách về biển, đảo. Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Phó Trưởng ban là Chính ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng. Mời 01 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng ban.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các phong trào vận động ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ; tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, đề xuất các hình thức ghi công, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực xây dựng Quỹ; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế quản lý, sử dụng Quỹ; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ đúng mục đích và hiệu quả, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chuyển Bến xe khách Vĩnh Long thành công ty cổ phần
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đơn vị sự nghiệp công lập Bến xe khách Vĩnh Long thành công ty cổ phần theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo thực hiện việc rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của đơn vị sự nghiệp công lập trên trước khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
UBND tỉnh Vĩnh Long thực hiện việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo đúng quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015, Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện chuyển thành công ty cổ phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện theo quy định.
Xuất cấp gạo cho 2 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Định.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.113,39 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân do hạn hán năm 2018.
Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 331,965 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Định để hỗ trợ cho người dân bị thiếu đói do cắt nước vụ Mùa năm 2018 phục vụ thi công sửa chữa, khắc phục hậu quả lũ lụt do thiên tai đối với hệ thống kênh tưới Văn Phong, dự án thành phần Kênh N21-Hệ thống kênh tưới Văn Phong.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Định tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Dừng xây dựng tuyến luồng Thọ Quang (Đà Nẵng)
Thủ tướng Chính phủ đồng ý dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng vào Khu bến cảng Thọ Quang, Cảng biển Đà Nẵng (Dự án).
Được biết, Bộ Giao thông vận tải và một số Bộ liên quan vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang, cảng biển Đà Nẵng theo hình thức PPP, loại hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT).
Lý do được Bộ Giao thông vận tải đưa ra là do việc sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải để thanh toán cho nhà đầu tư theo phương án tài chính Dự án là không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Cụ thể, trong thời gian Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 thay thế Thông tư số 119/2010/TT-BTC ngày 10/8/2010 về hướng dẫn quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2017.
Để có cơ sở tiếp tục triển khai dự án theo Thông tư số 14/2017/TT-BTC, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục có văn bản số 2290/BGTVT-ĐTCT ngày 07/3/2018 gửi Bộ Tài chính để thỏa thuận lại về nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư. Ngày 10/4/2018, Bộ Tài chính có văn bản số 4110/BTC-TCDN ngày 10/4/2018, theo đó: “... việc nạo vét để đầu tư, nâng cấp tuyến luồng hàng hải không thuộc danh mục các nhiệm vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định” và “... việc Bộ Giao thông vận tải đề nghị tiếp tục sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải nộp ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng tuyến luồng hàng hải vào khu cảng Thọ Quang, Đà Nẵng theo quy định hiện hành và theo hợp đồng BLT; bố trí vốn này thanh toán trong nguồn sự nghiệp kinh tế hàng hải hàng năm, dự kiến trong 05 năm (từ 2018 đến năm 2023) là chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện”.
Theo quy định mới nêu trên, việc sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải để thanh toán cho nhà đầu tư phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, có trong kế hoạch trung hạn từng kỳ được cấp thẩm quyền thông qua. Tuy nhiên, việc điều chỉnh bổ sung vốn này vào nguồn vốn dự phòng trung hạn 2016 ÷ 2020 là không khả thi; mặt khác, tại thời điểm này không đủ điều kiện để xây dựng, trình cấp thẩm quyền thông qua nguồn vốn trong kế hoạch ngân sách trung hạn 2021 ÷ 2025.
Với lý do trên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng vào Khu bến cảng Thọ Quang, Cảng biển Đà Nẵng như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các Bộ liên quan.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tàu thuyền vào, rời Khu bến cảng Thọ Quang, Cảng biển Đà Nẵng, phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND thành phố Đà Nẵng và các cơ quan nghiên cứu, cân đối và bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật.
Chuyển mục đích sử dụng đất tại 2 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định chuyển mục đích sử dụng 27,3 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 16 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.
Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Trà Vinh
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Trà Vinh đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập và trình phê duyệt Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Trà Vinh đến năm 2030; trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Xây dựng vùng tỉnh Trà Vinh theo quy định của pháp luật.
Được biết, hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Trà Vinh hoàn thiện, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Do đó, để thực hiện các nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh, việc lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Trà Vinh là cần thiết nhằm quản lý xây dựng, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đồng bộ, hiệu quả.
Chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật tố tụng hành chính và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật tố tụng hành chính.
Đồng thời có các giải pháp tăng cường năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xác định trách nhiệm, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật là nguyên nhân phát sinh việc khiếu nại, khởi kiện.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính và thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Phó Thủ tướng biểu dương một số địa phương chấp hành nghiêm túc Luật tố tụng hành chính (Đồng Tháp, Tiền Giang…); yêu cầu một số tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Điện Biên, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu, Hải Dương... có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời việc chưa nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành phải khẩn trương có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo, không để kéo dài.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành Luật tố tụng hành chính, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra công tác thi hành án hành chính, nhất là các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành, có nhiều vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Bộ Tư pháp rà soát, kiểm tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc để tồn đọng 32 bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành; trao đổi với UBND tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành có liên quan có biện pháp giải quyết đối với bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trước ngày 31/12/2018.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng kết, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, đề xuất các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục; rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, đề xuất sửa đổi, bổ sung, khắc phục tình trạng quy định tản mạn ở nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ hồ sơ; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thống nhất trong cả nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm cho thuê đất mương thoát nước
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý các vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính và mương thoát nước Nghĩa Đô, thành phố Hà Nội.
Xét báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm tại dự án cống hóa mương thoát nước Phan Kế Bính trên địa bàn quận Ba Đình và mương thoát nước Nghĩa Đô trên địa bàn quận Cầu Giấy, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, dứt điểm các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng nêu tại Thông báo số 609/TB-VPCP ngày 28/12/2017 của Văn phòng Chính phủ về xử lý các vi phạm liên quan đến việc cho thuê dất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính, mương thoát nước Nghĩa Đô.
Phó Thủ tướng lưu ý phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân có vi phạm và giải quyết các hậu quả, vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo trên trước ngày 1/2/2019.
Giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của Cty Tiến Hưng
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến về xử lý các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty cổ phần Tiến Hưng liên quan đến việc xác minh các Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu AANZ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty cổ phần Tiến Hưng theo đúng quy định của pháp luật, không gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không để khiếu nại nhiều lần, vượt cấp; có văn bản trả lời doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Công khai kết quả rà soát việc đấu giá quyền sử dụng đất trong Khu hành chính tỉnh Hải Dương
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng khu đất 17.045 m2 trong Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đấu giá quyền thuê lô đất 17.045 m2 tại Khu hành chính tập trung, không để thất thoát tài sản của nhà nước; công khai kết quả rà soát việc đấu giá để người dân giám sát việc thực hiện pháp luật về đất đai tại địa phương./.