Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật giao dịch điện tử; quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan.
Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc thủ tục hành chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử
Nghị định quy định: Chứng từ điện tử phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Hình thức thể hiện, việc khởi tạo, gửi, nhận chứng từ điện tử và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật giao dịch điện tử.
Chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau:
- Chứng từ điện tử được ký số bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn chứng từ điện tử trong quá trình truyền gửi, nhận, lưu trữ trên hệ thống; ghi nhận cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan đã tham gia xử lý chứng từ điện tử và áp dụng một trong các biện pháp sau để xác thực cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan tham gia xử lý chứng từ điện tử: xác thực bằng chứng thư số, xác thực bằng sinh trắc học, xác thực từ hai yếu tổ trở lên trong đó có yếu tố là mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên.
- Biện pháp khác mà các bên tham gia giao dịch thống nhất lựa chọn, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật giao dịch điện tử.
Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy
Nghị định quy định cụ thể việc chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. Theo đó, về phương thức chuyển đổi, chứng từ giấy được chuyển thành điện tử bằng hình thức sao chụp và chuyển thành tệp tin trên hệ thống thông tin, hoặc nội dung của chứng từ giấy được chuyển thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin.
Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy phải đáp ứng các điều kiện: Phản ánh đầy đủ nội dung của chứng từ giấy; cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức thực hiện (hoặc chịu trách nhiệm) việc chuyển đổi chứng từ giấy thành chứng từ điện tử ký số trên chứng từ điện tử sau khi được chuyển đổi từ chứng từ giấy hoặc được xác thực bằng một trong các biện pháp xác thực quy định nêu trên.
Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Nghị định cũng quy định chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy. Trong đó, chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử có giá trị như chứng từ điện tử trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 10/2/2018.
Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 164/2018/NĐ-CP về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.
Trong đó, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội bao gồm việc kết hợp mọi hoạt động về quốc phòng với hoạt động xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Còn kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng bao gồm việc kết hợp trong xây dựng, tham gia thẩm định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; kết hợp trong phát triển vùng, lãnh thổ; kết hợp trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế.
Nghị định quy định cụ thể kết hợp trong việc lấy ý kiến xây dựng các chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, cơ quan chủ trì lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng.
Bộ, ngành, địa phương khi xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia phải gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật.
Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tham gia của Bộ Quốc phòng về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; trường hợp có ý kiến khác phải có văn bản kiến nghị với Bộ Quốc phòng hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Nghị định cũng quy định kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong thẩm định các chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến quốc phòng. Theo đó, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tham gia trong các Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, lãnh thổ, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đô thị, nông thôn có liên quan đến quốc phòng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định kết hợp trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu như kết hợp trong: công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông, xây dựng, đầu tư, quản lý kinh tế,...
Nghị định có hiệu lực từ 10/2/2019.
Ông Trần Công Thuật giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1779/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Bình.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả bỏ phiếu, ông Trần Công Thuật nhận được 46/47 phiếu tín nhiệm, trúng cử chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Trần Công Thuật sinh ngày 26/6/1961 (57 tuổi). Quê quán: Xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Trình độ học vấn: Cử nhân Sư phạm Sinh, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Hiện ông là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ông là đại biểu Quốc hội khóa 11 nhiệm kỳ 1999-2004, đại biểu Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021.
* Tại Quyết định số 1778/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Hữu Hoài, để nghỉ hưu theo quy định.
Việt Nam - Thái Lan đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ
Chính phủ phê duyệt "Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về Hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phía Việt Nam và phía Thái Lan tổ chức triển khai Hiệp định.
Năm 2017, Việt Nam và Thái Lan ký Hiệp định về Hợp tác Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Hiệp định đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai các chương trình hợp tác khoa học và công nghệ cụ thể giữa hai nước, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ điện tử và máy tính, khoa học vật liệu và công nghệ nano, lương thực - nước và an ninh năng lượng, khoa học nông nghiệp, khoa học môi trường, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hợp tác phát triển các công nghệ phù hợp với xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời góp phần mở rộng và thúc đẩy các mối quan hệ giữa các tổ chức khoa học - công nghệ của hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và góp phần tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan.
Triển khai kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 29
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 29, Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Cụ thể, về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến UBTVQH, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh, trình UBTVQH xem xét, thông qua trong tháng 12/2018; trong đó việc sửa đổi tên gọi của Pháp lệnh là Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch để thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Về chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung hơn cho công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp bảo đảm chất lượng, tiến độ; đồng thời, lưu ý bổ sung các dự án luật theo Nghị quyết của UBTVQH về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Tiếp tục rà soát các luật có liên quan cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cải tiến việc chuẩn bị tờ trình, báo cáo tóm tắt trình bày tại hội trường, trong đó chỉ nêu những vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn ý kiến khác nhau để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.
Quy chế hoạt động của Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (Khu Công nghệ cao).
Việc hình thành Khu công nghệ cao với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm công nghệ sinh học có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Nâng cao năng lực nghiên cứu-phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Đồng thời xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học để nhân rộng ra các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao công nghệ sinh học trong và ngoài tỉnh.
Quy chế quy định hoạt động Khu Công nghệ cao gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp; thu hút nguồn vốn, nhân lực công nghệ cao, các dự án đầu tư; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Cụ thể, Khu Công nghệ cao thực hiện hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất ứng dụng; nghiên cứu thích nghi, cải tiến, sáng tạo công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất sản phẩm sạch và bền vững; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào nghiên cứu-phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Khu công nghệ cao.
Chủ trì, hợp tác, liên kết hướng dẫn, dạy nghề đào tạo và huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên theo nhu cầu phát triển của Khu Công nghệ cao cũng như của địa phương; tham gia hỗ trợ đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học theo quy định của pháp luật; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao công nghệ sinh học tại Khu Công nghệ cao.
Ngoài ra, Khu Công nghệ cao còn có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm và cung cấp dịch vụ công nghệ cao lĩnh vực công nghệ sinh học; thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ sinh học; xây dựng, kinh doanh và phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghệ cao.
Quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao phải dành diện tích thích hợp cho xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ sinh học; thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, cung ứng dịch vụ công nghệ sinh học.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định thành lập, giúp UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động của Khu Công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
Bổ sung Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa vào Quy hoạch TP Hà Nội
Tại Quyết định số 1823/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung "Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa" vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, bổ sung, điều chỉnh tại khoản V Điều 1 về Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư trong Phụ lục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư của thành phố Hà Nội: "Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa)".
Cũng theo Quyết định số 1823/QĐ-TTg, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho công trình thể dục thể thao gắn với các hoạt động khai thác dịch vụ, du lịch chất lượng cao; đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để phát triển lĩnh vực thể thao - văn hóa, vui chơi giải trí./.