Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Theo đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Ủy ban có nhiệm vụ và quyền hạn tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền: Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh và dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; chiến lược, kế hoạch dài hạn, chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định: Dự thảo thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, tổng hợp, đánh giá tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam; vận động, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước; tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ với trong nước.
Thông tin, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình đất nước cho người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện hợp tác quốc tế liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; thực hiện quản lý đối với các tổ chức xã hội liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức
Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban có 6 đơn vị gồm: 1- Vụ Nghiên cứu tổng hợp; 2- Vụ Thông tin-Văn hóa; 3- Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Pháp chế-Thanh tra; 5- Văn phòng; 6- Tạp chí Quê hương.
Các tổ chức quy định từ (1) đến (5) nêu trên là các tổ chức hành chính giúp Chủ nhiệm Ủy ban thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; Tạp chí Quê hương là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban. Văn phòng được tổ chức 5 phòng.
Ủy ban có Chủ nhiệm và không quá 4 Phó Chủ nhiệm. Chủ nhiệm Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về toàn bộ hoạt động của Ủy ban. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban.
Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban và chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Ủy ban về lĩnh vực công tác được phân công.
Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Học viện Ngoại giao là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại; đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại.
Về nghiên cứu khoa học, Học viện ngoại giao có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, tổng hợp và dự báo chiến lược về tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông, quan hệ quốc tế, các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, luật pháp, văn hóa và chính sách đối ngoại của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng lý luận quan hệ quốc tế của Việt Nam trên cơ sở tổng kết lịch sử ngoại giao Việt Nam và lịch sử, lý luận quan hệ quốc tế; tổ chức nghiên cứu về kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động đối ngoại; hợp tác, trao đổi học thuật với các trường đại học, học viện, viện, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao.
Về đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Ngoại giao có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học về quan hệ quốc tế, luật quốc tế, kinh tế quốc tế, truyền thông quốc tế, ngoại ngữ và các chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật.
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, nghiệp vụ ngoại giao, kỹ năng công tác đối ngoại, ngoại ngữ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức trong ngành ngoại giao và cán bộ làm công tác đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương; tiến hành kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ của các đối tượng liên quan theo quy định và thẩm quyền được giao; liên kết đào tạo đại học và sau đại học, hợp tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao, ngoại ngữ với các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và nước ngoài.
Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, tài liệu giảng dạy về đối ngoại, lịch sử ngoại giao Việt Nam và thế giới, quan hệ quốc tế và các lĩnh vực liên quan.
Cơ cấu tổ chức
Về cơ cấu tổ chức, Học viện Ngoại giao có 15 đơn vị gồm: 1- Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao; 2- Viện Biển Đông; 3- Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; 4- Trung tâm Thông tin, Tư liệu; 5- Văn phòng; 6- Ban Đào tạo; 7- Phòng Quản lý khoa học; 8- Khoa Lý luận chính trị; 9- Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao; 10- Khoa Kinh tế quốc tế; 11- Khoa Luật quốc tế; 12- Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại; 13- Khoa Tiếng Anh; 14- Khoa Tiếng Pháp; 15- Khoa Tiếng Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện Ngoại giao; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị từ (1) đến (6) nêu trên.
Giám đốc Học viện Ngoại giao quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị từ (7) đến (15).
Học viện Ngoại giao có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc.
Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Biên giới quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 10/2019/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Ủy ban Biên giới quốc gia là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Nhiệm vụ của Ủy ban Biên giới quốc gia là tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; dự thảo điều ước quốc tế xác định biên giới quốc gia và các vùng biển Việt Nam; phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng trời, các vùng biển, các đảo, các quần đảo; các phương án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng trời và các vùng biển của Việt Nam với các nước láng giềng; chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia hoặc liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Ủy ban Biên giới quốc gia còn có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định dự thảo thông tư và các văn bản khác về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
Đồng thời xây dựng, đề xuất chủ trương, quan điểm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ; đề xuất chủ trương và xây dựng đề án, hồ sơ pháp lý để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ trước các cơ quan tài phán quốc tế; thực hiện hợp tác quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật; đối thoại về các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan và các đối tác khác; chủ trì, phối hợp quản lý việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về biên giới, lãnh thổ tại Việt Nam...
Cơ cấu tổ chức
Ủy ban Biên giới quốc gia có 5 đơn vị: 1- Vụ Biên giới Việt-Trung; 2- Vụ Biên giới phía Tây; 3- Vụ Biển; 4- Vụ Tuyên truyền, Thông tin và Tư liệu; 5- Văn phòng.
Các tổ chức trên là các tổ chức hành chính giúp Chủ nhiệm Ủy ban thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Văn phòng được tổ chức 4 phòng.
Ủy ban có Chủ nhiệm và không quá 4 Phó Chủ nhiệm. Chủ nhiệm Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về toàn bộ hoạt động của Ủy ban. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban.
Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2019/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo đó, Ban Quản lý có nhiệm vụ xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc phê duyệt kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn đối với Khu Công nghệ cao; cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, huy động nguồn lực, xã hội hóa để xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật; cơ chế thu hút, chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý.
Tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình trong Khu Công nghệ cao sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành; ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, quy định nội bộ theo quy định của pháp luật.
Về quản lý nguồn vốn và kế hoạch phát triển, Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn hợp pháp khác được giao quản lý theo quy định của pháp luật; quyết định đầu tư và thực hiện các thẩm quyền của người quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thuộc nhóm B, C theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về hợp tác và xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá trong nước và nước ngoài để thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu Công nghệ cao; xây dựng và duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, các khu công nghệ cao, các hiệp hội, các khu khoa học trong nước và nước ngoài.
Đồng thời hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực có liên quan để phát triển và quản lý, khai thác Khu Công nghệ cao theo quy định của pháp luật; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
Về quản lý hoạt động của doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý có nhiệm vụ tổng hợp, thống kê, theo dõi, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài; chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện thương mại theo quy định của pháp luật; cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo ủy quyền.
Cơ cấu tổ chức
Về cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý có 7 đơn vị: 1- Văn phòng; 2- Ban Kế hoạch-Tài chính; 3- Ban Hợp tác và Đầu tư; 4- Ban Quy hoạch, Xây dựng và Môi trường; 5- Ban Khoa học và Công nghệ; 6- Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao; 7- Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ.
Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 4 Phó Trưởng ban.
Trưởng ban, Phó Trưởng ban do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật./.