Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường đối với việc xử lý kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến vụ buôn lậu tại huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn).
Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, các đơn vị nghiệp vụ và Công an tỉnh Lạng Sơn khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới xảy ra tại huyện Cao Lộc; truy bắt đối tượng cầm đầu, chủ mưu đang bỏ trốn để đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát địa bàn; thực hiện nghiêm túc việc điều chuyển, luân chuyển người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chức năng, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Công văn số 284/TB-VPCP ngày 8/8/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra khai thác cát, sỏi trái phép
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoàn Bình về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Xét báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam về kết quả kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí nêu tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định của pháp luật; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan liên quan để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.
Cao Bằng phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng bền vững
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực tăng trưởng, góp phần quan trọng thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cao Bằng cần phát huy truyền thống tốt đẹp, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.
Phó Thủ tướng yêu cầu Cao Bằng tập trung phát triển hạ tầng du lịch trong đó trọng tâm là xây dựng chiến lược, quy hoạch, du lịch, xây dựng môi trường, sản phẩm du lịch phong phú đa dạng. Phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng bền vững, lấy màu xanh của thiên nhiên, các cảnh quan kỳ vĩ còn được bảo tồn nguyên vẹn, lấy các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống cách mạng là giá trị cốt lõi, là yếu tố khác biệt để định vị các sản phẩm du lịch mà không có địa phương nào có được. Xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh.
Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, sinh kế bền vững từ nông nghiệp cho người dân, thực hiện mô hình kết hợp du lịch xanh, nông nghiệp xanh. Tập trung quy hoạch, định hướng liên kết vùng để từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu.
Phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Khẩn trương triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP. Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số... Đối với xây dựng nông thôn mới, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương nhất là Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Cao Bằng khai thác và phát huy tối đa các lợi thế của tỉnh; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, biên mậu, chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu (đầu tư nâng cấp cửa khẩu, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang). Đặc biệt có chính sách đối tác công tư (PPP) xã hội hóa mạnh các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm (trước mắt là đầu tư hoàn thành tuyến đường cao tốc từ Tân Thanh (Lạng Sơn)-thành phố Cao Bằng trong giai đoạn 2019-2022 để tạo động lực phát triển kinh tế), phát triển dịch vụ hậu cần, logistics khu kinh tế cửa khẩu...
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 407/QĐ-TTg công nhận thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.
Triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 415/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ.
Theo đó, năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đo đạc và bản đồ thông qua các chuyên mục, chương trình tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia gồm số liệu mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trạm định vụ vệ tinh quốc gia; công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia.
Về xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn; xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập bản đồ địa hình quốc gia khu vực đảo, quần đảo, bán đảo, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn.
UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và tỷ lệ 1:5.000 đối với phần đất liền, khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển thuộc phạm vi quản lý.
Thời gian hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia từ năm 2019 đến hết năm 2022. Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đối với khu vực đã có cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia thực hiện từ năm 2019.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia, thành lập bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính.
Về xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức triển khai chiến lược phát triển, kế hoạch thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tích hợp dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai xây dựng dữ liệu chuyên ngành của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, pháp luật khác có liên quan. Tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển dữ liệu không gian địa lý theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2019 đến hết năm 2021 thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng Cổng Thông tin không gian địa lý Việt Nam; xây dựng, tích hợp dữ liệu khung và một số dữ liệu chuyên ngành. Từ năm 2022 và các năm tiếp theo hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoàn thiện Cổng Thông tin không gian địa lý Việt Nam, tích hợp dữ liệu không gian địa lý theo kế hoạch; bổ sung dữ liệu và cập nhật thường xuyên theo quy định./.