• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

27/05/2019 19:15

Vi phạm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm  hành chính trong lĩnh vực thể thao.

Theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị  định này là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong đó, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao; hình thức phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 1-3 tháng.

Đối với hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng; hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 3-6 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao, thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể thao nêu trên.

Phạt nặng hành vi cố ý gây chấn thương ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác

Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao.

Đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt với vi phạm quy định về cấm gian lận trong hoạt động thể thao. Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi gian lận về tên, tuổi, giới tính, thành tích để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao hoặc tham gia thi đấu thể thao.

Đối với hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận trong hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019.

Lập BCĐTƯ sơ kết thực hiện Nghị quyết TƯ5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Trưởng ban Thường trực là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Các Ủy viên gồm: Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng; ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tiến hành tổng kết, xây dựng báo cáo Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 để trình Ban cán sự Đảng Chính phủ.  
Giúp việc cho Ban Chỉ đạo có Tổ biên tập do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định. 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1/6-30/6/2019 với chủ đề "Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu".

Để hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6); Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (ngày 26/6), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; hậu quả và tác hại của việc sử dụng, sản xuất và buôn bán ma túy đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội; trong đó, tập trung vào các loại ma túy, ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ như: cần sa, ketamin, "ma túy đá", "tem giấy", "cỏ Mỹ", "bóng cười"...

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma tuý; xây dựng và truyền tải thông điệp phòng, chống ma túy trên các trang thông tin, mạng xã hội có nhiều người theo dõi, qua tin nhắn đến các thuê bao di động...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động thể thao, biểu diễn nghệ thuật lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông phòng, chống ma túy trong hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đa dạng hóa các hình thức truyền thông, phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.

Xử lý nghiêm hành vi khuyến khích sử dụng chất gây ảo giác trên mạng xã hội

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy; chỉ đạo các lực lượng tập trung điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán ma túy lớn, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy, các chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng internet, mạng xã hội; tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp lái xe dương tính với các chất ma túy trong quá trình tham gia giao thông.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020; tăng cường quản lý, giám sát người nghiện ma túy, bảo đảm an toàn trong các cơ sở cai nghiện; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy tại các cơ sở cai nghiện.

Tổng cục Hải quan tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy, rà soát lại các khâu thực hiện quy trình thủ tục hải quan, kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất có thể lợi dụng hoạt động.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú; kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại chất hướng thần, tiền chất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để lợi dụng các sự kiện, lễ hội, hội chợ, điểm vui chơi công cộng, các quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn để tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, chất hướng thần trên địa bàn; vận động, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện ký cam kết không mua bán, cất giữ, bảo quản, sử dụng các loại ma túy, chất hướng thần; bảo đảm kinh phí cho công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Sơ kết thực hiện chính sách xã hội 2012-2020

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

Mục đích của Kế hoạch nhằm đánh giá toàn diện về công tác lãnh đạo, chỉ  đạo và kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Phân tích, đánh giá rõ những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và định hướng cho giai đoạn 2021-2030.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong quá trình sơ kết cần đánh giá các mặt quán triệt, triển khai thực hiện, cơ chế, biện pháp tổ chức; nêu bật thành tựu đạt được; nhận rõ những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm.

Xuất phát từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, tập trung làm rõ những nội dung nào/mục tiêu nào chưa phù hợp, thậm chí không đạt được; cần tập trung nhận diện các vấn đề mới xuất hiện chưa được đưa vào nội dung Nghị quyết; đề xuất phương hướng và giải pháp cho năm 2020 và giai đoạn 2021-2030.

Một trong những nội dung của Kế hoạch là công tác tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo triển khai nghị quyết, trong đó đánh giá việc triển khai phổ biến, quán triệt Nghị quyết; những kết quả chuyển biến về nhận thức và hành động; cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết vào kế hoạch, chương trình hành động của bộ, ngành và địa phương; công tác chỉ đạo, đôn đốc; chế độ kiểm tra, giám sát; chế độ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của các bộ, ngành và địa phương.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết, cần tập trung làm rõ nhận thức, trách nhiệm và kết quả thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương đối với các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết, công tác xây dựng và triển khai các văn bản, chính sách pháp luật, kết quả thực hiện.

Theo Kế hoạch, các bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết đến ngày 30/6/2019. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương cuối tháng 9/2019.

Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 630/QĐ-TTg công nhận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.

Thay thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 625/QĐ-TTg thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thay ông Lương Quốc Đoàn.