• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/1/2020.

21/01/2020 09:30
Làm cho số liệu thống kê Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ‘biết nói’

Tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, biên soạn và xuất bản các báo cáo chuyên đề, chuyên sâu, phân tích và đánh giá chi tiết làm cho số liệu thống kê “biết nói” và có giá trị gia tăng không những cho cán bộ lãnh đạo các cấp mà còn cho chính người dân.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ-Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tại Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Thông báo nêu rõ, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và đã được thực hiện rất thành công. Cuộc tổng điều tra đã điều tra 96,2 triệu người, 26,9 triệu hộ trên phạm vi toàn quốc, trải trên 11.160 xã/phường/thị trấn, 713 huyện/quận/thị xã, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Công nghệ thông tin đã được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu của quá trình tổng điều tra, góp phần nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn thời gian xử lý, công bố sớm kết quả tổng điều tra và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực của cơ quan thường trực là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), ngành thống kê từ Trung ương đến địa phương, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ban, ngành, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương; sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; sự tham gia tích cực của các giám sát viên, tổ trưởng điều tra và điều tra viên thống kê; sự ủng hộ, hợp tác của toàn thể nhân dân đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) giữ gìn và bảo quản an toàn, quản lý chặt, có giải pháp dự phòng cho Cơ sở dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Trên cơ sở dữ liệu này, tổ chức biên soạn, cung cấp số liệu đến các cơ quan Đảng, Nhà nước để phục vụ việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và các chính sách ngành và lĩnh vực; chủ trì, tổng hợp dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 để cung cấp số liệu chính thức, cập nhật và chính xác cho các tiểu ban chuẩn bị tài liệu Đại hội Đảng bộ các cấp, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào áp dụng phương thức cập nhật số liệu dân số hàng năm từ Cơ sở dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và các nguồn dữ liệu của các bộ, ngành liên quan, bảo đảm cung cấp dữ liệu về dân số hàng năm để năm 2029 không phải tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở quy mô lớn như năm 2019; có thể tổ chức tổng điều tra 10 năm tới nhưng với quy mô và phương thức phù hợp, bảo đảm có thông tin đầy đủ về tình hình dân số và nhà ở của đất nước.

Tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, biên soạn và xuất bản các báo cáo chuyên đề, chuyên sâu, phân tích và đánh giá chi tiết làm cho số liệu thống kê “biết nói” và có giá trị gia tăng không những cho cán bộ lãnh đạo các cấp mà còn cho chính người dân.

Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 68,0%. Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Yếu tố dân số có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước. Tổng cục Thống kê cần phân tích kỹ các nét đặc trưng, các điểm lợi thế để tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, phát triển bứt phá, vượt qua bẫy “thu nhập trung bình” lên mức “thu nhập trung bình cao” và “thu nhập cao”, khắc phục tình trạng “chưa giàu đã già”.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thông tin truyền thông rộng rãi kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đến đông đảo người dùng tin trong xã hội, nhất là công chúng và người dân, sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, ban hành những quyết định đúng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; giúp nâng cao nhận thức của người dân trong thực tiễn, thực hiện quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê Nhà nước; truyền thông mục đích cũng như ý nghĩa chính xác của các thông tin thống kê trong các quyết sách để điều hành, quản lý đất nước.

Hoàn thiện Đề án xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến về Đề án "Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xác định các nhiệm vụ tại Đề án bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh chồng chéo với các Đề án, nhiệm vụ đã, đang được giao thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ các nhiệm vụ về triển khai các ứng dụng, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL cho người dân, doanh nghiệp; tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan đã đóng góp, hoàn thiện Đề án gửi Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) liên ngành vùng ĐBSCL sẽ được xây dựng trên cơ sở tổng hợp CSDL vĩ mô cấp vùng của các bộ, ngành tại Trung ương, CSDL chi tiết của các địa phương và dữ liệu các tổ chức trong nước và quốc tế. Đây là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương trong vùng; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đề án có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, CSDL liên ngành về ĐBSCL phải được tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực để xử lý đồng bộ, tổng thể với một tầm nhìn dài hạn với sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế-xã hội bằng những công cụ hiện đại, mang tính kết nối cao phục vụ quản lý, điều hành để giải quyết và ứng phó kịp thời với sự tác động của BĐKH mang tính liên vùng, liên khu vực và quốc tế.

Triển khai Đề án này cũng phục vụ đắc lực cho xây dựng, triển khai, phát triển Chính phủ điện tử; cung cấp hạ tầng dữ liệu cho tỉnh; phát triển đô thị thông minh, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu. Kế hoạch nhằm bảo đảm cho việc phòng ngừa hạn chế tối đa sự cố tràn dầu xảy ra, sẵn sàng ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu, giảm thiệt hại thấp nhất về kinh tế, xã hội và môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.

Giải pháp thực hiện Kế hoạch là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; tăng cường nguồn lực cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả do ô nhiễm dầu;...

Kế hoạch nêu rõ dự kiến một số tình huống sự cố tràn dầu: Tràn dầu tàu chở dầu, tàu vận tải xảy ra do các dự cố; tràn dầu kho chứa, bục, hỏng đường ống dẫn dầu trên đất liền; tràn dầu trong khoan thăm dò, khai thác dầu trên biển; tràn dầu tại bến cảng xuất, nhập khẩu xăng dầu; tràn dầu tại nhà máy lọc dầu do các sự cố; tràn dầu tại các cơ sở hoạt động xăng dầu; tràn dầu không rõ nguyên nhân trên vùng biển Việt Nam.

Về công tác ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp nhận thông tin và xác minh thông tin; sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của sự cố tràn dầu; triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với sự cố tình huống; thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về biện pháp, phương án phối hợp ứng phó khẩn cấp, ký kết quyết định các hoạt động triển khai ứng phó.

Bên cạnh đó, tổ chức thành lập sở chỉ huy phía trước thành phần gồm: Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có liên quan chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó sự cố tràn dầu cấp quốc gia; chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các địa phương, các cơ sở hoạt động xăng dầu tập trung ứng phó sự cố tràn dầu.

Chỉ đạo việc điều tra, xác minh sự cố tràn dầu khi có đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, chủ cơ sở hoạt động xăng dầu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và cơ quan Nhà nước có liên quan về biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng, phương tiện, trang bị trong và ngoài quân đội tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu, lực lượng Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung, các quân khu, quân đoàn, hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển phối hợp tham gia ứng phó sự cố tràn dầu; chỉ đạo hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng phối hợp với công an tổ chức lực lượng, phương tiện và huy động tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy nổ khi có tình huống tàu bị cháy và người gặp nạn, tổ chức chốt chặn bảo vệ hiện trường, phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung tham gia quây chặn thu gom dầu;...

Bộ Công Thương chỉ đạo cho các cơ sở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, các lực lượng của địa phương triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả môi trường.

Quyết định cũng phân công cụ thể công tác ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả đối với Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an; các bộ và cơ quan ngang bộ có liên quan; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định.

Dự án nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai.

Bên cạnh đó, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển Nam Định nói riêng, của tỉnh Nam Định và vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung; bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão.

Tổng chiều dài tuyến 65,8 km, trong đó, đầu tư xây mới 38,43 km, cải tạo nâng cấp 13,9 km, tận dụng hoặc đi trùng dự án khác 14,28 km. Điểm đầu dự án Km0 00 tại đê hữu sông Hồng, đê biển Giao Thủy, xóm 29, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; điểm cuối dự án Km65 800 tại bờ tả đông Đáy, đê biển Nghĩa Hưng, xóm Ngọc Hùng, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Toàn tuyến đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; thiết kế đồng bộ các công trình trên tuyến (xây dựng mới, tận dụng, cải tạo, nâng cấp) bảo đảm phù hợp với quy mô cấp đường; thiết kế hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành.

Tổng mức đầu tư dự án là 2.791,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 1000 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật), ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác 1.791,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2024.

UBND tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trình cấp có có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu; không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo đúng quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Nam Định cân đối, bố trí đủ vốn theo kế hoạch để triển khai Dự án theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai Dự án./.