Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 (Nghị quyết 50-NQ/TW khóa XII) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là "Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030".
Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII; đánh giá chung xu thế chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ; tác động của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn; tác động suy thoái toàn cầu của đại dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Chương trình hành động để khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ:
1- Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động.
2- Tăng cường ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
3- Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài.
4- Hoàn thiện chể chế, chính sách thu hút đầu tư.
5- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm và hợp tác của nhà đầu tư.
6- Hoàn thiện chể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư.
7- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
8- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định.
Các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, tổng hợp số liệu phân tích đánh giá tình hình công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài theo chuyên ngành; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành do bộ, ngành mình quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài và kịp thời đề xuất điều chỉnh chính sách.
Người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Định kỳ hàng năm (trước ngày 31/3) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; hàng năm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai các nội dung nêu tại Nghị quyết này.
Tập trung chỉ đạo hoàn thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và một số vấn đề kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Thông báo nêu rõ, tỉnh Đồng Nai nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam; là tỉnh có dân số đông, quy mô kinh tế lớn, phát triển đa dạng và phong phú. Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và là một trong hai tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới; một trong những tỉnh có sản lượng nuôi heo lớn nhất trên cả nước. Mặc dù chịu tác động lớn của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Đồng Nai đã có rất nhiều cố gắng, đạt mức tăng trưởng khá cả về GDP và thu ngân sách; đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với giá heo hơi bán ra; tuy số lượng công nhân đông, đến nay tỉnh Đồng Nai mới ghi nhận 1 trường hợp dương tính viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần chủ động để tạo sức bật mới về phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xứng đáng là khu vực kinh tế năng động, trọng điểm của cả nước; tiếp tục tăng cường quản lý giá thịt heo ngay từ khâu thu mua, giết mổ đến bán lẻ tới người tiêu dùng; chủ động trong chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống, điều trị COVID-19 gây ra, sẵn sàng về cơ sở vật chất, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị, thuốc men đáp ứng kịp thời với từng cấp độ dịch COVID-19 khi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt công tác rà soát, cách ly theo hướng dẫn.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp một phần cho sụt giảm ở các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Vì vậy, yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tập trung thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng về cơ bản còn chậm so với yêu cầu như đánh giá của lãnh đạo các Bộ. Yêu cầu tỉnh cần cố gắng hơn nữa, hoàn thành giải ngân số vốn đã được bố trí (17.057 tỷ đồng) trong năm 2020 như cam kết.
Để dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có thể khởi công vào quý I/2021, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ:
UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành công tác xác định giá đất, phê duyệt phương án bồi thường, chi trả bồi thường, hỗ trợ đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã hoàn tất công tác kiểm đếm, thẩm tra nguồn gốc đất; tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các khu tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xã hội… với tinh thần quyết liệt, kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để hoàn thành cơ bản mặt bằng trong năm 2020 để kịp phục vụ khởi công dự án; chủ động đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp, kịp thời hỗ trợ tỉnh để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng dự án. Cụ thể, Bộ Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ định mức xây dựng, định mức chi phí… theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; hướng dẫn UBND tỉnh Đồng Nai và các địa phương xây dựng bộ đơn giá mới để làm cơ sở lập dự toán các công trình; việc lập định mức kinh tế-kỹ thuật theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP đối với các dự án đã đấu thầu, chuẩn bị đấu thầu… Các nội dung này cần hoàn thành trong tháng 5/2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong việc xử lý chênh lệch giữa các khung chính sách và các vấn đề vướng mắc khác.
Bộ Giao thông vận tải kịp thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Hội đồng thẩm định Nhà nước) hoàn thiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi; chỉ đạo triển khai dự án bảo đảm tiến độ. Trước mắt, kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và các dự án giao thông kết nối để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.
Phó Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp Nhà nước
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo doanh nghiệp trực thuộc triển khai đầy đủ, đúng quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa xây dựng chuyên mục riêng và công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện nội dung này trong tháng 6/2020; gửi kết quả về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin trong năm 2019 hoặc trong cả 4 năm 2016-2019, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp theo hướng khiển trách hoặc cảnh cáo và xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP; xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện việc công bố thông tin theo đúng quy định.
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước công khai các nội dung xử lý trách nhiệm trên trang thông tin điện tử của mình và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải trên địa chỉ http://www.business.gov.vn để tăng cường công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của người dân và xã hội đối với việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chỉ đạo người quản lý doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trực thuộc nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác công bố thông tin, xây dựng chính sách hoặc quy định nội bộ về công bố thông tin, xác định trách nhiệm cá nhân tham gia vào việc công bố thông tin trong DNNN.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp, công khai danh sách các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về công bố thông tin theo nội dung nêu trên và việc xử lý vi phạm về công bố thông tin theo quy định; theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thực hiện công bố thông tin và định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2015/NĐ-CP đồng thời với quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Phó Thủ tướng giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thông tin rộng rãi việc công bố thông tin của DNNN để người dân, xã hội và cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện.
Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Sóc Trăng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu lập quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ pháp lý để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh; phấn đấu đến năm 2025 Sóc Trăng phải là một tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Nội dung quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, trong đó cần phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn.
Xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh./.