Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, tổ chức chính phủ được chính phủ nước ngoài ủy quyền (nhà tài trợ nước ngoài) cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam.
Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Chương trình, dự án, phi dự án, hỗ trợ ngân sách.
Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định của pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về vốn ODA
Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý Nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, mua sắm ô tô (trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định), vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành khi dự án hoàn thành; chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí hoạt động của ban quản lý dự án.
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Công bố thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn).
Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/5/2020.
Kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 701/QĐ-TTg kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban.
Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Phó Chủ tịch thường trực); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ủy viên Ủy ban gồm: Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử có chức năng, nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Đồng thời, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.
Ủy ban còn có nhiệm vụ cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.
Thành lập Tổ công tác giúp việc Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng và có Tổ phó gồm Thứ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Xây dựng, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bộ Thông tin và Truyền thông làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác.
Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Kiện toàn BCĐ Trung ương về giảm nghèo bền vững
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định kiện toàn BCĐ Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở BCĐ Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 được thành lập theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 10/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng BCĐ.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng BCĐ.
5 Ủy viên thường trực là: Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính và ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Các Ủy viên BCĐ gồm: Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, mời 7 Ủy viên gồm: Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cụ thể: Nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện mục tiêu giảm nghèo; chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan và tập trung nguồn lực cho các địa bàn đặc biệt khó khăn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng thêm nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách giảm nghèo; đề xuất cơ chế, giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.
Nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh sân bay Phú Bài
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường lăn nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường lăn nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác, an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.