Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Theo quy định, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm:
1- Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
2- Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
3- Giáo viên THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Lộ trình thực hiện
Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, chia làm 2 giai đoạn.
Cụ thể, đối với giáo viên mầm non: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.
Đối với giáo viên tiểu học: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
Đối với giáo viên THCS: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên THCS đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên THCS hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm của các địa phương.
Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu việc đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được xác định bằng mức hỗ trợ tiền đóng học phí đối với sinh viên sư phạm theo quy định hiện hành của pháp luật.
Quy định chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về: Phân cấp quản lý đơn vị dân quân tự vệ; số lượng phó chỉ huy trưởng, tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của ban chỉ huy quân sự cấp xã, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; trang phục, sao mũ, phù hiệu của dân quân tự vệ; mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần dân quân tự vệ; điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, chết.
Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ
Theo Nghị định, phụ cấp chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:
- Chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã; chỉ huy trưởng, chính trị viên, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng.
- Phó chỉ huy trưởng, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã; phó chỉ huy trưởng, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn; hải đoàn trưởng, chính trị viên hải đoàn; hải đội trưởng, chính trị viên hải đội dân quân thường trực; đại đội trưởng, chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng.
- Phó tiểu đoàn trưởng, chính trị viên phó tiểu đoàn; phó hải đoàn trưởng, chính trị viên phó hải đoàn; phó hải đội trưởng, chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; phó đại đội trưởng, chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng.
- Đại đội trưởng, chính trị viên đại đội; hải đội trưởng, chính trị viên hải đội; trung đội trưởng dân quân cơ động, trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng.
- Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng.
- Phó đại đội trưởng, chính trị viên phó đại đội; phó hải đội trưởng, chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng.
- Trung đội trưởng, ttểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng.
- Tiểu đội trưởng, thuyền trưởng, khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.
Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó. Trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.
Trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực
Nghị định cũng quy định rõ định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực. Cụ thể, mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm, tiền ăn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 11 Nghị định này; đối với dân quân thuộc hải đội dân quân thường trực thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.
Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 1 tháng không được trợ cấp; từ 1 tháng đến 6 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1.490.000 đồng; từ 7 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2.980.000 đồng.
Mức trợ cấp đặc thù đi biển theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này.
Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và thay thế Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 5/1/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.
Kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2020/NĐ-CP quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh ra, vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Nghị định này áp dụng đối với:
1- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; người làm việc trong cơ quan, tổ chức thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trong thời gian tập trung huấn luyện; công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ).
2- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, về nguyên tắc, việc kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh phải thực hiện đúng quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, bảo đảm bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Phương tiện chuyên chở cán bộ, chiến sĩ ra, vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh theo đường hàng không, hàng hải, đường thủy, đường bộ, đường sắt và các điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trường hợp khẩn cấp, không thể thực hiện ngay thủ tục kiểm soát xuất nhập cảnh, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm phối hợp với đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh hoàn thiện thủ tục xuất nhập cảnh chậm nhất sau 48 giờ kể từ khi người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh ra, vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Về kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh ra, vào lãnh thổ Việt Nam tham gia tập trận, diễn tập, chậm nhất 48 giờ trước khi xuất cảnh, cơ quan chủ quản thông báo bằng văn bản về kế hoạch, thời gian, địa điểm, số hiệu phương tiện, danh sách và loại giấy tờ xuất nhập cảnh của người đi trên phương tiện ra, vào lãnh thổ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ quan cấp trên của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để chỉ đạo đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh thực hiện.
Nghị định cũng quy định cụ thể kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh ra, vào lãnh thổ Việt Nam để cứu hộ, cứu nạn, truy bắt người phạm tội; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.