• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/7/2020.

30/07/2020 06:42
Đẩy mạnh tái cơ cấu DN tư nhân thuộc ngành chịu tác động nặng của dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn, đặc biệt đối với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 98/NQ-CP).

Hoàn thiện khung thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 98/NQ-CP và các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư-PPP….; ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật này.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác đối tác công-tư, tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường PPP; tái cơ cấu doanh nghiệp khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn (đặc biệt là vấn đề dịch bệnh COVID-19 vừa qua) theo hướng đa dạng hóa về nguồn hàng, khách hàng và thị trường, đặc biệt đối với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như vận tải, du lịch, nông sản xuất khẩu và các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo phụ thuộc nguồn nguyên, vật liệu từ nước ngoài...

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước về kinh tế kết hợp với giữ vững ổn định, an ninh, an toàn, lành mạnh và lợi ích cho phát triển kinh tế tư nhân.

Tăng cường triển khai Chính phủ điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế tham gia ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả đối với các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh bền vững

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động xem xét, bố trí vốn cho việc triển khai hoạt động, chương trình, kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê duyệt trong năm 2020 và trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Trong đó tập trung phát triển chuỗi giá trị và liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, định hướng xuất khẩu; tăng cường năng lực xuất khẩu hàng hóa Việt vào các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…và mở rộng tìm kiếm các thị trường khác: Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh,…

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; phát triển công nghệ cao; đổi mới công nghệ quốc gia; hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương về khoa học và công nghệ; tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài…

Các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá 3 năm tình hình thực hiện Nghị quyết 98/NQ-CP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ) trước ngày 20/11/2020 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 98/NQ-CP và các giải pháp; định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phát triển khu vực kinh tế tư nhân (trong đó nêu rõ các chỉ tiêu về tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới; số doanh nghiệp quay lại hoạt động; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, số vốn đăng ký, số lao động, đóng góp GDP…); đề xuất các sáng kiến, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ tổng kết, đánh giá 3 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020.

Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI).

Xử lý sớm tồn tại, vướng mắc của ngành đóng tàu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, có giải pháp xử lý sớm các tồn tại, vướng mắc của ngành đóng tàu.

Báo điện tử Tuổi trẻ online ngày 22/7/2020 có bài viết về "Thấy gì từ 40% tàu biển Việt Nam phải ra nước ngoài sửa chữa?", trong đó nêu Đội tàu biển Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapo, Indosesia và Malaysia) và đứng thứ 30 trên thế giới, nhưng khoảng 40% đội tàu biển Việt Nam phải sửa chữa ở các cơ sở công nghiệp tàu thủy nước ngoài...

Về vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, có giải pháp xử lý sớm các tồn tại, vướng mắc của ngành đóng tàu.

Yêu cầu Lâm Đồng xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng trái phép

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xử lý dứt điểm các vi phạm tại "Dự án Điểm du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay" theo đúng quy định của pháp luật.

Xét báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả kiểm tra, xử lý phản ánh của báo chí về việc "Dự án Điểm du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay" trên địa bàn Phường 10, thành phố Đà Lạt xây dựng, kinh doanh không phép trên đất rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xử lý dứt điểm các vi phạm tại "Dự án Điểm du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay" theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về việc các vi phạm không tái diễn, rừng phòng hộ và quy hoạch đất rừng phòng hộ không bị vi phạm.

Huyện Bình Giang (Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định công nhận huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới.

UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Bình Giang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Trước đó, ngày 3/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký quyết định cộng nhận huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về triển khai nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Thông báo kết luận nêu rõ: Điện Biên là vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trong những năm qua, Điện Biên đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Điện Biên với các vùng trong cả nước còn hạn chế, nhất là đường bộ và hàng không.

Cảng hàng không Điện Biên được quy hoạch đến năm 2030 với quy mô cấp 3C, công suất 2 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây lượng hành khách giảm dần. Một trong những nguyên nhân do kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Điện Biên chưa được đầu tư đúng mức; hiện trạng đường cất hạ cánh ngắn nên chỉ khai thác được tàu bay ATR-72 và tương đương. Do đó, việc đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu đảm bảo quốc phòng-an ninh, khai thác tiềm năng, lợi thế của Điện Biên về đất đai, phát triển du lịch và sản xuất, chế biến công nghiệp, nông, lâm sản...

Tại Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 22/8/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai đầu tư; trong đó, làm rõ thuận lợi, khó khăn và phương án triển khai. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm rõ các ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; trong đó, luận cứ cơ sở pháp lý của việc giao ACV đầu tư khu bay (ví dụ như việc đầu tư mới đường cất hạ cánh không ảnh hưởng đến tài sản công thuộc khu bay hiện hữu; pháp luật hiện hành không cấm doanh nghiệp đầu tư mới khu bay;...); đồng thời, cần tính toán hiệu quả đầu tư, khai thác toàn hệ thống các cảng hàng không do ACV đang quản lý. Yêu cầu ACV tính toán, có ý kiến chính thức gửi Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về năng lực đầu tư Cảng hàng không Điện Biên. Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2020.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về các nội dung nêu trên, UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện trình tự lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật./.