Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1638/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm 1.091,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn và điều chỉnh tăng tương ứng 1.091,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Đồng thời, điều chỉnh tăng 187,14 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách Trung ương tại các địa phương cho các dự án của các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng điều chỉnh giảm 9.318,342 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đồng thời bổ sung 517,142 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho các địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh, bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 được giao, điều chỉnh ở trên, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án theo quy định, gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 25/10/2020; chịu trách nhiệm phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 được bổ sung cho các dự án theo quy định Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn.
Nhiệm vụ, cơ chế hoạt động Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 129/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Trong đó, DATC có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; mua, xử lý các khoản nợ và tài sản trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư tại DATC; ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao.
Ngành nghề kinh doanh chính của DATC là tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản. Cụ thể, tiếp nhận nợ tài sản theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ để xử lý theo quy định tại Nghị định này.
Tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: nợ phải thu và các tài sản (bao gồm cả các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.
Bên cạnh đó, DATC mua, xử lý nợ và tài sản gồm:
Quản lý, sử dụng chủ yếu nguồn lực tài chính của công ty để thực hiện mua, xử lý các khoản nợ và tài sản (bao gồm cả các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác) theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mua, xử lý các khoản nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân không trùng lắp với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Ngoài ra, ngành nghề kinh doanh chính của DATC là tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ.
Nhà nước là chủ sở hữu của DATC. Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với DATC. Bộ Tài chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước theo phân công, phân cấp của Chính phủ.
Hội đồng thành viên DATC thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DATC theo quy định của pháp luật và Điều lệ của DATC.
Tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đồng ý tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể và hợp tác xã năm 2020 tại thành phố Hà Nội vào tuần đầu của tháng 12/2020.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị tổ chức Diễn đàn.
Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Những năm vừa qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nhưng cả nước vẫn thành lập mới 1014 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác. Đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% hợp tác xã), thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện.
Hệ thống Liên minh Hợp tác xã (bao gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh) đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...
Tuy vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực; công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số bất cập…
Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa thống nhất, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn...
Kiểm tra phản ánh về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm
Báo Kinh tế đô thị điện tử ra ngày 20/10/2020 có bài phản ánh về việc "Xã hội hóa trung tâm đăng kiểm: Nảy sinh nhiều mặt trái"; trong đó có nội dung về việc xuất hiện ồ ạt trung tâm đăng kiểm đang bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý. Đáng lo ngại nhất là hiện tượng trung tâm đăng kiểm kém chất lượng, thậm chí tiêu cực. Để công tác đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật kinh tế thị trường, đòi hỏi phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, xử lý và trả lời cho Báo Kinh tế đô thị biết./.