• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/9.

29/09/2018 09:12
Phát huy vai trò của người đứng đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp hành chính; tổ chức, phân công, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có “kỷ luật sắt” trong tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, chất lượng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban tại Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Thông báo cũng nêu rõ, để đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bắt kịp xu thế đổi mới nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan cũng cần kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phát triển Chính phủ điện tử phải gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm cả sự tham gia, đóng góp của khu vực tư nhân; chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử không làm thay nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đầu mối chỉ huy thống nhất, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử phải bảo đảm an ninh, an toàn, không để lộ lọt thông tin bí mật của các cơ quan nhà nước, các quyết sách thuộc chế độ mật. Các cơ quan và tổ chức nước ngoài có thể hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử nhưng phần mềm, cơ sở dữ liệu phải do Việt Nam làm chủ, quản lý và điều hành.

Khẩn trương xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0)

Xây dựng Chính phủ điện tử cần có một kế hoạch tổng thể, trước mắt các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung thực hiện những nhiệm vụ được giao, trong đó, Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực của Tổ công tác của Chủ tịch Ủy ban, cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông là những hạt nhân quan trọng triển khai Chính phủ điện tử, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt sáng tạo, đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Khẩn trương xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu…, trước hết phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành thử nghiệm trong năm 2018; đẩy mạnh triển khai giải pháp xác thực tập trung cho người dân, doanh nghiệp để tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, Internet hỗ trợ Văn phòng Chính phủ trong việc tăng cường, thúc đẩy xác thực định danh diện tử cho người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoàn thành trong tháng 10 năm 2018.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất sửa đổi, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ, Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 10 năm 2018. Trường hợp cần thiết, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia được giao tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Bộ Công an cần tập trung ưu tiên hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, đây là công việc trọng tâm; công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công tư (PPP), Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích; kinh phí sự nghiệp, nguồn vốn ODA; …) để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đề xuất việc áp dụng chế độ chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin và ban hành kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo. Việc thành lập Ban chỉ đạo trên tinh thần một người chỉ huy, không tổ chức theo kiểu cũ.

Huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trọn gói do các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, huy động nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế như nguồn vốn hỗ trợ phát triển, viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi (ODA).

Đối với dự án xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử mang tính chất nền tảng, yêu cầu cấp bách về triển khai, có cấu phần phức tạp nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xem xét, quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017, tuyệt đối không đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.

Ưu tiên bố trí các nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử

 Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty cổ phần FPT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) phát huy vai trò dẫn dắt trong triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, đi đầu trong đổi mới tư duy, ứng dụng các công nghệ mới phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí các nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp có các thế mạnh khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế của khu vực tư nhân để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ triển khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo mật, an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm gia tăng số lượng hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng.

Tháng 10/2018 ban hành Nghị quyết về giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử

Trên cơ sở ý kiến thống nhất tại phiên họp, việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025 là cần thiết và cần thực hiện khẩn trương. Bên cạnh việc định hướng phát triển Chính phủ điện tử, Nghị quyết phải đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tài chính, cơ chế triển khai một số nhiệm vụ làm nền tảng của Chính phủ điện tử.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đồng chí thành viên Ủy ban, rà soát, bổ sung những vấn đề mới, xác đáng để tạo nên sức sống, tính thực tiễn cao trong tổ chức thực hiện. Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành trong tháng 10 năm 2018.

Tổ công tác giúp việc của Chủ tịch Ủy ban thành lập 4 nhóm công tác: về thể chế, cải cách hành chính; về giải pháp công nghệ, an toàn an ninh thông tin; về nguồn lực, bảo đảm thực thi và về truyền thông. Lãnh đạo Tổ công tác trực tiếp làm Trưởng các nhóm và có thể tham gia nhiều nhóm. Các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn, cử công chức, chuyên gia ưu tú đến làm việc tại Tổ công tác. Tổ công tác là nòng cốt trong việc tham mưu Chủ tịch Ủy ban các giải pháp, định hướng cụ thể để thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử.

Tổ công tác không làm thay các bộ, ngành; điều phối, thúc đẩy, đề xuất thực hiện việc nghiên cứu, phản biện và tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đôn đốc bảo đảm việc triển khai thực thi các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết.

Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo kịp thời trong quá trình thực hiện.

Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.

Mục tiêu của Kế hoạch là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất, nhập, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Toàn bộ các cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, môi trường đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đối với các mặt hàng khác, việc kiểm tra về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy chuyển sang hậu kiểm hoặc dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp, mức độ rủi ro của hàng hóa theo từng thời kỳ và phải dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể; trường hợp không thể ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải có phương pháp kiểm tra công khai, minh bạch.

100% các TTHC thực hiện Cơ chế một cửa thu phí bằng phương thức điện tử

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Các chứng từ điện tử (Giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan.

Thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và các trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Hoàn thiện về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.

Năm 2018 và các năm tiếp theo, tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu xuống dưới 10%.

Năm 2019, tất cả các lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước thông quan phải có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí kiểm tra.

Xử lý thông tin báo nêu về thuế thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý phản ánh của Báo VietnamPlus về khó khăn trong quản lý, thu thuế thương mại điện tử.

Báo VietnamPlus ngày 5/9/2018 có bài phản ánh “Theo đại diện KPMG Việt Nam, khó khăn trong việc quản lý, thu thuế thương mại điện tử một phần do chưa có chính sách thuế cụ thể cho lĩnh vực mới, đặc thù này. Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam nhưng chưa quy định cụ thể đối với thương mại điện tử”.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật thuế hiện hành, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm e, mục 2, phần II Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 12/2/2018 của Văn phòng Chính phủ để nghiên cứu, xử lý vấn đề Báo VietnamPlus nêu trên.

Lập Hội đồng xét tặng NNND, NNƯT lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2.

Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 do ông Nguyễn Ngọc Thiện - TS. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch Hội đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; bà Đặng Thị Bích Liên - TS. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ủy viên Hội đồng gồm: Ông Bùi Trường Giang - TS. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lương Hồng Quang - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước; ông Phan Anh Tuấn - Đại tá. Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an; ông Nguyễn Thế Hùng - TS. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lưu Trần Tiêu - GS.TSKH. Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; ông Trần Hữu Sơn - TS. Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; ông Bùi Hoài Sơn - PGS.TS. Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Chí Bền - GS.TS. Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam; ông Lê Hồng Lý - GS.TS. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội; ông Vũ Nhật Thăng - PGS.TS. Nhà nghiên cứu Âm nhạc; ông Phan Thanh Hải - TS. Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm - PGS.TS. Đại học Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh; ông Bùi Văn Đạo - PGS.TS. Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; bà Nguyễn Thị Bích Vân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; ông Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; ông Đinh Văn Hạnh - TS. Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2.

Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc: Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền. Các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng.

Căn cứ kết luận, kiến nghị của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và tiêu chuẩn đối với từng danh hiệu, Hội đồng tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng cá nhân được đề nghị, lập Danh sách các cá nhân được đề nghị tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và thông báo công khai Danh sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi có kết quả xét tặng của Hội đồng.

Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Quy chế làm việc của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký giúp việc do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

Bảo đảm lộ trình thu phí tự động không dừng

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với nhà đầu tư các dự án BOT và BOO xác định chi phí, doanh thu các dự án BOT, BOO trên cơ sở bảo đảm phương án tài chính và hiệu quả tổng thể các dự án và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải quyết định việc trích doanh thu của các dự án BOT để xác định doanh thu của dự án thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (Dự án ETC), bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư Dự án ETC và người dân; không làm tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với người tham gia giao thông so với các hình thức thu hiện hành.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT tại địa phương) quyết định phương án lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đấu thầu để triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo đảm đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng theo quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/2/2018.

Kế hoạch hành động khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Quyết định ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 11 và tiêu chuẩn bò sữa, bò thịt cao sản được nhập ngoại theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Quyết định rà soát, ban hành tiêu chí dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Quyết định ban hành danh mục sản phẩm công nghệ được ưu tiên phát triển, chuyển giao và danh mục các sản phẩm được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Quyết định ban hành danh mục đề tài nghiên cứu khoa học quy định tại Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Quyết định ban hành danh mục sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ đầu tư theo Điều 11 Nghị định 57/2018/NĐ-CP; văn bản hướng dẫn việc chuyên môn “Hỗ trợ một doanh nghiệp xây dựng và quản lý một trang thông tin điện tử Chợ nông sản quốc gia” theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

Hội đồng nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chủ trì xây dựng 6 Nghị quyết: 1- Rà soát, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, trong đó quy định chính sách tín dụng tại địa phương quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 57/2018/NĐ-CP; 2- Ban hành quy định về vốn cấp bù lãi suất hỗ trợ cho các dự án và mức vốn sử dụng ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp quy định tại Điều 14 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; 3- Ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thẩm quyền và các quy định của pháp luật quy định tại Điều 7 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; 4- Ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; 5- Ban hành định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình phù hợp với các mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; 6- Ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp theo chính sách đặc thù của địa phương (5 sản phẩm).

6 Nghị quyết trên được ban hành vào Quý IV/2018.

Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp với mục tiêu đánh giá thực trạng và mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đề án sẽ lựa chọn các nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển doanh nghiệp hằng năm của cả nước và từng địa phương (phân bổ theo ngành kinh tế, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) bao gồm:

1- Mức độ phát triển về số lượng doanh nghiệp.

2- Mức độ phát triển về lao động.

3- Mức độ thu hút vốn đầu tư và tài chính.

4- Đầu tư và phát triển khoa học công nghệ.

5- Chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tham gia các chương trình hỗ trợ của nhà nước...

6- Bảo vệ môi trường.

7- Kết quả, hiệu quả phát triển doanh nghiệp: Doanh thu, thu nhập của người lao động, giá trị gia tăng, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách nhà nước...

8- Các chỉ tiêu khác: Bổ sung hằng năm phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.

Tiếp theo , Đề án sẽ công bố kết quả đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp đối với các địa phương.

Các giải pháp được Đề án đưa ra là đánh giá đầy đủ tính khả thi về phương pháp luận và nguồn thông tin phục vụ đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước và từng địa phương; xây dựng nguồn thông tin đầu vào phục vụ tổng hợp, biên soạn bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước và từng địa phương; nâng cao năng lực, chất lượng nhân lực và các nguồn lực khác phục vụ tổng hợp, biên soạn bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng bộ chỉ tiêu, phương án thu thập thông tin tính toán và công bố bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước và từng địa phương.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng phương án biên soạn và công bố bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước và từng địa phương.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, cung cấp thông tin theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai các cuộc điều tra thu thập thông tin từ doanh nghiệp phục vụ tổng hợp và biên soạn bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin cho các cơ quan chức năng theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Gỡ vướng trong triển khai các dự án đầu tư phát triển KTXH tỉnh Nghệ An

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

Về đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thủy sản và trạm quan trắc môi trường của tỉnh Nghệ An,

Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Văn bản số 5115/VPCP-KTTH ngày 31/5/2018.

Về xử lý vướng mắc trong thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư làm căn cứ thu hồi đất đối với các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6276/VPCP-CN ngày 4/7/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát lại thời gian thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các Nhà tài trợ nước ngoài, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2018.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xử lý theo quy định đối với đề nghị của tỉnh Nghệ An về Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư của 3 dự án thủy điện có số hộ di dời lớn (Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố); báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vẫn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xem xét, giải quyết kiến nghị của Tỉnh về giải quyết tồn đọng giải phóng mặt bằng thủy điện Bản Vẽ.

Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị của Tỉnh về Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A đoạn Km301 500-Km333 200; đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với kiến nghị về Đường Mường Xén-Ta Đo-Khe Kiền và Dự án Bệnh viện Ung bướu, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,phối hợp với các Bộ liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thí điểm xe 4 bánh chạy điện, xăng chở khách du lịch

Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các Bộ liên quan.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc thí điểm chỉ thực hiện đối với phương tiện đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật trước khi lưu hành.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm quy định về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường được phép hoạt động trên địa bàn; lưu ý việc vận hành các phương tiện nêu trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; định kỳ 6 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thí điểm để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện tiếp theo.

UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty TNHH Phương Hiền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 945/TTg-CN ngày 23/7/2018.

Bộ Giao thông vận tải tổng hợp kết quả hoạt động thí điểm của các địa phương trong thời gian qua; nghiên cứu, đề xuất bổ sung loại phương tiện nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ (không tiếp tục đề xuất hoạt động thí điểm), trình Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ Ninh Thuận phòng, chống dịch bệnh động vật

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định xuất cấp vắc xin, hoá chất sát trùng dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 100.000 liều vắc xin LMLM 2 type (O&A), 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid và 20 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% từ nguồn hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phòng, chống dịch bệnh động vật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời số vắc xin, hoá chất nêu trên theo quy định hiện hành./.