Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Hậu Giang có vị trí chiến lược rất quan trọng - là cửa ngõ của Căn cứ địa cách mạng U Minh, nằm trên tuyến huyết mạch vận chuyển quân lương từ căn cứ U Minh đến các địa phương vùng sông Tiền, sông Hậu; là địa bàn tranh chấp, giằng co ác liệt, quyết liệt đối đầu giữa ta và địch.
Mỹ-Ngụy từng coi Hậu Giang là địa bàn trọng điểm để tiến hành đánh phá và thử nghiệm các kế hoạch bình định, đàn áp cách mạng. Chúng đã xây dựng Khu trù mật Vị Thanh-Hỏa Lựu, rồi sau đó chuyển thành Tiểu khu Chương Thiện (gồm vùng đất Vị Thanh, Long Mỹ, Gò Quao,Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Hồng Dân) để thực hiện mưu đồ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, triển khai các chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, “Bình định nông thôn”, “Nhổ cỏ U Minh” hết sức ác liệt, dã man, tàn bạo.
Với truyền thống yêu nước và ý chí quật cường, quân dân Hậu Giang nói riêng và Khu 9 nói chung đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, huy động sức người, sức của, bằng cả tính mạng và xương máu của mình, anh dũng chiến đấu, tiến công và nổi dậy, đánh bại các âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng miền Nam và cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ.
Ngay khi Hiệp định Paris được ký kết, trên mảnh đất Hậu Giang anh hùng, trận chiến vẫn tiếp diễn với cường độ ác liệt hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hậu Giang và Khu 9 đã anh dũng chiến đấu, lần lượt đánh bại các kế hoạch hành quân lấn chiếm của địch, bẻ gãy 75 lượt tiểu đoàn địch tấn công, bảo vệ căn cứ của Khu ủy, Tỉnh ủy, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế bị động, làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền Tây Nam bộ.
Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang cần tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường liên kết hợp tác, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng.
Cùng với phát triển kinh tế, cần chú ý phát triển y tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo nghề; chủ động giám sát, phát hiện, phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, các chính sách xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh Hậu Giang cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết, tính năng động và sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
“Hôm nay chúng ta phấn khởi, tự hào, cùng nhau ôn lại Chiến thắng lịch sử hào hùng 30/4 và những kết quả nhiều mặt trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển của Hậu Giang nói riêng và cả nước nói chung. Đảng bộ, dân và quân Hậu Giang hãy đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, quán triệt sâu sắc và năng động, sáng tạo trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh; huy động mọi nguồn lực, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp thiết thực, xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh./.