Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự cuộc họp có ngài Okabe Daisuke, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện một số cơ quan liên quan.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng khẳng định mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển rất tốt đẹp, đặc biệt là trụ cột vững chắc của mối quan hệ trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư.
Hiện Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất với tổng số vốn ODA khoảng 27 tỷ USD; là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại năm 2018 khoảng 38 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 4.300 dự án có tổng số vốn đăng ký gần 60 tỷ USD. Các dự án đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.
Để phát triển quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Chiến lược Công nghiệp hóa được xây dựng và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều cơ quan Nhật Bản khác trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thị trường cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Chiến lược đã lựa chọn 6 ngành công nghiệp: Chế biến nông, thủy sản; điện tử; ô tô và phụ tùng ô tô; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; đóng tàu; máy nông nghiệp để tập trung ưu tiên phát triển trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam.
Phó Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã tích cực yêu cầu các bộ, ngành hợp tác với phía Nhật Bản xây dựng, hoàn thiện Chiến lược công nghiệp hóa và kế hoạch hành động phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trình Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch hành động phát triển từng ngành cũng như theo dõi, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược.
Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Thu hút đầu tư nước ngoài vào 6 ngành tăng và chiếm trên 27% tổng vốn đăng ký từ năm 2013 đến tháng 3/2019 tập trung ở 3 ngành là điện tử, ô tô và tiết kiệm năng lượng. Các ngành được ưu tiên phát triển đã có đóng góp quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp và kinh tế của đất nước. Ngoại trừ ngành đóng tàu gặp nhiều khó khăn, các ngành còn lại, đặc biệt ngành điện tử, tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu. Sự phát triển của các ngành trong Chiến lược đã thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn ngành điện tử, sản xuất ô tô…, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Về tổ chức thực hiện, các bộ chủ trì đã tích cực triển khai bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo của bộ và ban hành Kế hoạch hành động của cơ quan. Các bộ đã xây dựng các nội dung, tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng hợp tác với đối tác Nhật Bản, đã chủ động làm việc, trao đổi trực tiếp với phía Nhật Bản về lĩnh vực chuyên ngành trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động.
Đại sứ quán Nhật Bản và các cơ quan liên quan của Nhật Bản đã rất tích cực hợp tác, hỗ trợ các bộ, ngành trong toàn bộ quá trình xây dựng Chiến lược và xây dựng dự thảo kế hoạch hành động; đã cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệm tham gia Tổ công tác, phối hợp đóng góp ý kiến cho phía Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chiến lược nói chung và Kế hoạch hành động phát triển 6 ngành vẫn chưa được như mong muốn. Do đó, cuộc họp của Ban Chỉ đạo sẽ tập trung nghiên cứu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Trong đó, cuộc họp Ban Chỉ đạo sẽ rà soát lại các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động; đánh giá kết quả đạt được, những nhiệm vụ chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, bất cập để tìm hướng giải quyết; phân tích tình hình bối cảnh hiện nay để điều chỉnh những nội dung của Kế hoạch hành động; đề xuất về các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thực hiện hiệu quả Chiến lược công nghiệp hóa thời gian tới.
Nhật Bắc