Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Malaysia tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiếp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, bà Dato’ Shariffah Mustaffa, Thủ tướng chúc mừng Đại sứ đã có khởi đầu tốt đẹp nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, đánh giá cao đóng góp của bà vào thành công chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia năm 2019.
Thủ tướng cho rằng, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, bày tỏ mong muốn đón Thủ tướng Malaysia nhân dịp các Hội nghị cấp cao ASEAN tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên duy trì đều đặn các cơ chế hợp tác, trong đó Ủy ban hỗn hợp lần 6 tại Malaysia và sớm ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020-2025; đề nghị Malaysia hạn chế áp dụng rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản và thực phẩm Halal (dành cho người Hồi giáo).
Đánh giá cao việc hai nước luôn nằm trong tốp 10 đối tác thương mại lớn nhất của nhau, Thủ tướng cho rằng, hai bên cần đạt kim ngạch thương mại cao hơn nữa (năm 2019 đạt 11,1 tỷ USD, tương đương năm 2018); bày tỏ vui mừng trước việc “Chợ Việt Nam” (Viet Nam Market) đầu tiên dự kiến được mở tại Kuala Lumpur vào tháng 3/2020.
Thủ tướng đề nghị Đại sứ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam làm việc, sinh sống hợp pháp tại Malaysia. Malaysia tiếp tục tạo điều kiện mở rộng hợp tác giữa các tập đoàn dầu khí của hai bên trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Về phần mình, Đại sứ Malaysia khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy cơ chế ủy ban hỗn hợp để làm sao có thể tổ chức trong năm nay. Malaysia sẽ hỗ trợ hết sức cho Việt Nam trong năm làm Chủ tịch ASEAN.
Cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Malaysia làm ăn tại Việt Nam, Đại sứ mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, nhất là thực phẩm Halal, lĩnh vực chế tạo ô tô, hàng không. Bà nhất trí cần gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều vì hai nước còn tiềm năng rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ CH Armenia tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiếp Đại sứ CH Armenia, ông Vahram Kazhoyan nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam và Armenia có quan hệ hữu nghị truyền thống, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác với Armenia.
Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu mà Armenia là thành viên đã ký Hiệp định Thương mại tự do, có hiệu lực từ tháng 10/2016, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng cho rằng, kết quả hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Armenia chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, với kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt dưới 10 triệu USD/năm. Hai bên cần tận dụng hiệp định này để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư. Trong khi hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà cả các lĩnh vực khác. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị sớm tiến hành họp Khóa họp lần 2 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Armenia nhằm trao đổi, thống nhất các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng cảm ơn Armenia đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối hợp tác giữa ASEAN với Armenia.
Chúc mừng nhân dịp 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại sứ cho rằng, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao khi Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và làm Chủ tịch ASEAN 2020.
“Ngày nay, Việt Nam và Armenia đều phát triển năng động, chúng ta có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác, bổ trợ cho nhau”, Đại sứ nói và bày tỏ mong muốn hai bên sớm tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp. Đại sứ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Armenia tham dự, qua đó, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Qua Việt Nam, doanh nghiệp Armenia có thể tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn.
Có khoảng 1.000 lưu học sinh Việt Nam từng học tập, nghiên cứu tại Armenia, Đại sứ cho rằng đây là cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước; đề nghị hai bên thúc đẩy giao lưu văn hóa và du lịch, nhất là khi ngày càng có nhiều du khách Armenia tới Việt Nam.
Đức Tuân