Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Cuộc tọa đàm diễn ra tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, số 16, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.
Việc sớm tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus ARV sẽ giúp bệnh nhân HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời điều trị ARV kịp thời cho người nhiễm HIV còn là một trong các biện pháp dự phòng làm giảm khả năng lây lan HIV ra cộng đồng. Tại cuộc tọa đàm, các vị khách mời sẽ cung cấp thông tin, làm rõ hơn vai trò của điều trị thuốc ARV cho người nhiễm và làm thế nào để duy trì bền vững nguồn thuốc này ở Việt Nam.
Các vị khách mời tham dự chương trình:
- Ông Bùi Đức Dương – Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
- Ông Lê Văn Khảm – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế
- Ông Michael Cassell – Cố vấn cao cấp về dự phòng HIV/AIDS, USAID
- Ông Phạm Ngọc Chính - Chuyên gia tư vấn Văn phòng Giới sử dụng lao động – PhòngThương mại và Công nghiệp VN.
- Chị Nguyễn Thị Hải - bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV
BTV: Thưa ông Bùi Đức Dương, sau khi xem những hình ảnh trên, ông có thể cho khán giả biết Việt Nam đã bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV từ khi nào và hiệu quả của công tác điều trị tính đến thời điểm này?
![]() |
Ông Bùi Đức Dương - Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Ông Bùi Đức Dương: Thuốc ARV viết tắt của Antiretrovirus, nghĩa là thuốc kháng virus nói chung. Hiện đang có 3 dòng phổ biến là nhóm ức chế men sao chép ngược nucleoside và nucleotide (NRTI), nhóm ức chế men sao chép ngược không phải là nucleoside (NNRTI), nhóm ức chế men protease (PI). Khi sử dụng thuốc bao giờ cũng phối hợp các loại đó với nhau.
Ở Việt Nam, chúng ta đã áp dụng điều trị ARV từ những năm 2000 ở quy mô nhỏ.
Thời điểm đó Việt Nam không có nhiều thuốc nên số lượng được tiếp cận rất ít.
Đến 2005, chúng ta đã mở rộng diện điều trị ARV trên toàn quốc, song cơ sở cho người bệnh tiếp cận trong những năm đầu còn hạn chế.
Từ 2007 trở lại đây, chúng ta mở rộng điểm cung cấp dịch vụ ARV cho bệnh nhân và bệnh nhân cũng có cơ hội tiếp cận ARV.
Chính vì vậy, trong 5 năm qua, số lượng bệnh nhân được điều trị ARV tăng rất nhanh, cho tới nay đã điều trị cho khoảng 74.000 bệnh nhân.
Từ 2007 trở lại đây, hiệu quả điều trị kèm thêm hiệu quả can thiệp khác, tỷ lệ tử vong giảm nhanh. Trước năm 2007, 7.000-8.000 bệnh nhân tử vong/năm. Những năm gần đây, số người chết do HIV giảm còn 1.000-1.500 bệnh nhân tử vong/năm. Có thể nói giai đoạn đầu chúng ta điều trị ARV là có hiệu quả.
BTV: Thưa ông Michael Cassell, ông có thể cho quý khán giả biết tầm quan trọng của việc điều trị ARV kịp thời cho người nhiễm HIV?
![]() |
Ông Michael Cassell - Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Ông Michael Cassell: Các loại thuốc kháng ARV là chìa khóa để biến việc nhiễm HIV từ điều kiện sức khỏe bị xã hội kỳ thị rất nhiều và coi như bản án tử hình thành một căn bệnh mãn tính có thể dự phòng và điều trị được cũng giống như những căn bệnh khác.
Thuốc ARV là một trong những công cụ mạnh nhất chúng ta có được tính đến thời điểm này để ngăn chặn những căn bệnh liên quan đến AIDS.
Người nhiễm HIV tiếp cận ARV càng sớm càng giảm các nguy cơ ốm đau và nhiễm các căn bệnh.
Bằng chứng khoa học cho thấy nếu tiếp cận điều trị bằng ARV sớm bệnh nhân có thể duy trì cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, hữu ích như bất kỳ ai khác.
Bên cạnh đó, ARV có tác dụng dự phòng HIV mạnh mẽ, có thể giảm khả năng truyền HIV từ người nhiễm sang bạn tình tới 96%; giảm khả năng lây nhiễm giữa những người nghiện…
BTV: Thưa ông Bùi Đức Dương, ông có thể cho quý vị khán giả biết những tác dụng chủ yếu của ARV?
Ông Bùi Đức Dương: Như chúng ta đã biết, ARV có tác dụng dự phòng HIV rất hiệu quả. Một số nghiên cứu cho thấy đối với những bà mẹ mang thai nhiễm HIV nếu được điều trị dự phòng ARV sớm, liên tục thì khả năng đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV là dưới 5% trong khi trước đây không có thuốc thì tỉ lệ này tới 30-40%.
BTV: Xin ông cho biết Việt Nam đã chi bao nhiêu ngân sách cho thuốc ARV,những thuận lợi và khó khăn của ngành Y tế trong công tác điều trị cho người nhiễm HIV?
Ông Bùi Đức Dương: Về ngân sách dành cho điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, năm 2012 là 2.245 tỷ đồng, riêng tiền thuốc mua ARV 2012-2013 là 22-23 tỷ đồng, chiếm chưa đến 10% nhu cầu kinh phí để mua thuốc ARV và phần lớn kinh phí mua ARV là dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó PEPFAR là 56% và Quỹ Y tế toàn cầu là 36%...
Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí của các tổ chức quốc tế đang cắt giảm trong khi nhu cầu điều trị tăng, tình hình dịch phức tạp. Hiện kinh phí mua ARV sử dụng tại Việt Nam có tới 95% là từ các tổ chức quốc tế, vì vậy, chúng ta cần tính toán việc đầu tư ngân sách cho mua ARV để thay thế dần nguồn thuốc mua bằng kinh phí hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
BTV: Và những nguy cơ và hậu quả xảy ra khi thiếu thuốc ARV là gì?
Ông Bùi Đức Dương: Việc không có ARV thì trước hết là làm gián đoạn điều trị bệnh nhân HIV, làm bệnh nặng thêm, khả năng kháng thuốc, tỷ lệ tử vong tăng, khả năng bùng phát dịch… Đồng thời tăng chi phí điều trị do tái phát bệnh, kháng thuốc, điều trị nhiễm trùng cơ hội… Còn những bệnh nhân HIV mới phát hiện thì việc thiếu ARV là cơ hội để truyền bệnh sang những người khác.
BTV: Xin cám ơn ông Dương đã chia sẻ những hậu quả nghiêm trọng của việc thiếu thuốc ARV ở góc độ quản lý Chương trình phòng chống HIV/AIDS quốc gia. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những khó khăn này từ góc độ người bệnh.
Chào chị Hải, xin chị chia sẻ thêm những khó khăn trong việc tiếp cận thuốc ARV, khả năng tự chi trả của người bệnh và những tác động khi những người bệnh bị thiếu thuốc hoặc gián đoạn thuốc ARV.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hải - Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Chị Nguyễn Thị Hải: Trong việc tiếp cận ARV, nếu điều trị bị ngắt quãng, không những ảnh hưởng về kinh tế, sức khỏe, mà còn làm lây lan dịch trong cộng đồng lớn. Bởi khi đang điều trị miễn phí, cắt giảm như vậy, kinh phí để mua thuốc ở ngoài rất khó khăn.
Ví dụ trong 1 gia đình, nếu có 3 người nhiễm HIV, đang điều trị thuốc miễn phí, bị cắt giảm, người ta sẽ không có tiền chi trả, ngừng thuốc, lúc đó sức khỏe sẽ giảm sút, hệ miễn dịch suy yếu, sự lây nhiễm cho cộng đồng sẽ cao hơn.
BTV: Thưa ông Bùi Đức Dương, trước những thách thức về nguồn tài chính cho ARV đang bị thu hẹp, và hiện tại tỷ lệ đầu tư cho thuốc ARV từ Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, nhưng ngành Y tế vẫn đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ điều trị cho 105.000 người nhiễm HIV.
Vậy ông có thể cho biết căn cứ vào đâu ngành Y tế đưa ra con số này? Và dự kiến ngân sách cần chi cho mục tiêu này là bao nhiêu?
Ông Bùi Đức Dương: Đến tháng 5/2013 chúng ta đã có 213.000 bệnh nhân HIV/AIDS đã phát hiện và đang còn sống.
Hiện ước tính còn khoảng 150.000 bệnh nhân HIV cần được điều trị bằng ARV. Mục tiêu của chúng ta là phấn đấu cung cấp dịch vụ điều trị bằng ARV cho khoảng 70% số người này, tương đương với khoảng105.000 người.
Một thách thức nữa chúng ta phải đối phó là làm thế nào để số lượng này tiếp cận dễ dàng và điều trị lâu dài bằng ARV, hiện nay Bộ Y tế đang cố gắng tạo điều kiện tăng số bệnh nhân được điều trị.
Về kinh phí mua thuốc, trung bình mỗi năm chúng ta cần khoảng 300 tỷ đồng. Nếu số lượng bệnh nhân có nhu cầu điều trị ARV tăng lên kinh phí cũng sẽ tăng lên.
BTV: Được biết gần đây Bộ Y tế đã cử các cán bộ cấp cao đi tham quan học tập mô hình tài chính bền vững cho thuốc ARV ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia, xin ông chia sẻ cho các vị khách mời và các quý vị khán giả biết các quốc gia này đã làm thế nào để đảm bảo nguồn tài chính khi không có kinh phí tài trợ.
Ông Bùi Đức Dương: Sau khi Chính phủ có chỉ đạo xây dựng đề án huy động nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn chuyên gia đi nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhất là kinh nghiệm tìm kiếm kinh phí mua thuốc ARV… Và thấy rằng 3 quốc gia này đều có cam kết mạnh mẽ về cấp thuốc ARV và hoàn toàn miễn phí. Như Malaysia thì cấp hoàn toàn miễn phí ARV điều trị cấp độ 1, ở cấp độ 2 thì bệnh nhân chi trả một phần. Đối với Indonesia thì 99% kinh phí mua ARV là do Chính phủ hỗ trợ, chỉ có 1% do Quỹ Y tế toàn cầu. Đối với Thái Lan thì cấp miễn phí hoàn toàn ARV cho bệnh nhân HIV, các xét nghiệm liên quan đến HIV.
BTV: Xin ông vui lòng cho biết định hướng chỉ đạo và phương hướng tháo gỡ khó khăn của Nhà nước nói chung và của Bộ Y tế nói riêng đối với vấn đề chi trả cho mua thuốc ARV cho người nhiễm HIV thông qua hình thức bảo hiểm y tế (BHYT) ở Việt Nam như thế nào?
![]() |
Ông Lê Văn Khảm - Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Ông Lê Văn Khảm: Khi nói về BHYT chi trả cho điều trị HIV/AIDS, thứ nhất, chính sách pháp luật về BHYT không phân biệt tình trạng bệnh tật, sức khỏe của người tham gia BHYT, điều đó có nghĩa là quyền lợi về BHYT khi khám chữa bệnh không phụ thuộc vào ai bị nhiễm bệnh gì và điều trị như thế nào. Sự khác biệt chủ yếu dựa vào đặc điểm kinh tế-xã hội của người tham gia BHYT, họ là người nghèo hay dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng khó khăn…
Như vậy, người nhiễm HIV được hưởng quyền lợi về khám, điều trị HIV/AIDS và các bệnh liên quan như các đối tượng tham gia bảo hiểm khác. Luật BHYT và Luật Phòng, chống AIDS cũng quy định rõ điều này.
Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS Chính phủ đã ban hành có 1 chi tiết khẳng định rằng dần dần quỹ BHYT sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong chi trả cho điều trị người nhiễm HIV/AIDS.
Như vậy, với căn cứ pháp lý, với đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cũng như các chiến lược mà Chính phủ đã ban hành, chúng ta có thể thấy, việc quỹ BHYT chi trả cho việc điều trị HIV/AIDS đã có cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ.
Cụ thể, Bộ Y tế cũng ban hành danh mục các thuốc điều trị HIV như ông Bùi Đức Dương đã nói cũng như các thuốc nhiễm trùng cơ hội và các kỹ thuật trong chẩn đoán điều trị HIV/AIDS.
Trong tương lai, khi các nguồn viện trợ giảm dần, việc quỹ BHYT chi trả như thế nào thì đã có cơ sở pháp lý, bây giờ phụ thuộc vào việc hướng dẫn kỹ thuật.
Ở đây cũng phải nói khả năng chi trả của quỹ BHYT đến đâu? Tại thời điểm hiện tại, Quỹ BHYT bảo đảm được cân đối thu-chi khám chữa bệnh BHYT. Hàng năm, tính từ năm nay cho đến 2020, mỗi năm chi phí cho điều trị ARV có thể từ 200-300 tỷ đồng/năm.
Trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ rằng quỹ BHYT có thể cân đối được.
Tuy nhiên, tôi có điều muốn chia sẻ và mong đợi rằng những người nhiễm HIV chưa tham gia BHYT, hãy chủ động tham gia, tôi cũng muốn cộng đồng chung tay giúp người nhiễm HIV/AIDS trong việc tham gia BHYT.
Chúng ta có thể hỗ trợ họ số tiền nào đó để họ có thể tham gia đóng BHYT. Hiện nay, người tham gia BHYT, ngay cả người tự nguyện tham gia, chi phí hàng năm cũng chỉ khoảng 570.000-600.000 đồng. Tôi nghĩ, số tiền không quá lớn với nhiều người, nhưng đối với người nhiễm HIV cũng là khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hải: Sắp tới đây, việc uống thuốc ARV miễn phí bị sẽ bị cắt giảm. Chúng tôi cũng mong được mua thuốc trợ giá với mức thấp nhất, vì nhiều gia đình rất khó khăn, không thể tự chi trả.
Khi mua thuốc với giá cao, có thể họ sẽ ngừng thuốc, sức khỏe giảm sút và vấn đề lây nhiễm cho xã hội và cộng đồng rất lớn.
Qua đây, tôi cũng mong muốn mang tiếng nói của mình tới các nhà tài trợ và Chính phủ làm sao khi sản xuất thuốc, cho chúng tôi được mua thuốc trợ giá với mức thấp nhất, hợp với túi tiền của những người bị nhiễm HIV.
BTV: Thưa các quý vị, Luật Phòng, chống HIV/AIDS có quy định vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ví dụ như tổ chức tuyên truyền giáo dục về phòng chống HIV/AIDS trong doanh nghiệp, bố trí công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của người lao động bị nhiễm…
Trong số các vị khách mời của buổi đối thoại ngày hôm nay, chúng có có một đại diện cho khối các doanh nghiệp – đó là ông Phạm Ngọc Chính - Chuyên gia tư vấn Văn phòng Giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Xin ông vui lòng chia sẻ tình hình thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS trong các doanh nghiệp hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là khả năng đóng góp của doanh nghiệp đối với việc đảm bảo nguồn tài chính cho mua thuốc ARV.
![]() |
Ông Phạm Ngọc Chính - Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Ông Phạm Ngọc Chính: Trước hết, hơn 10 năm nay, VCCI đã triển khai tích cực tuyên truyền về vấn đề này.
Giai đoạn 2005-2010, từ nguồn hỗ trợ của Đan Mạch, chúng tôi đã tuyên truyền hỗ trợ một cách bài bản cho hơn 200 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh nữa VCCI cũng hỗ trợ và phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đào tạo cho cán bộ công đoàn các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, để họ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công nhân lao động.
Các doanh nghiệp cũng tham gia tích cực. Đến hôm nay chúng tôi không còn nhận được thông tin người nhiễm HIV bị sa thải, và chúng tôi phải can thiệp.
Trước đây, năm 2004 chúng tôi phải mời chị Hiện ở Hải Phòng đi dọc đất nước để đào tạo cho các xí nghiệp. Bây giờ đến đâu cũng có thể mời người như thế, thậm chí là công nhân của các doanh nghiệp, điều đó thể hiện doanh nghiệp đã giảm kỳ thị rất nhiều.
Còn đóng góp tài chính, tôi nghĩ bản thân doanh nghiệp đã tham gia tích cực và đóng góp rất nhiều. Trước hết, các doanh nghiệp đóng thuế, để chi cho các chương trình quốc gia trong đó có vấn đề này.
Còn trong chủ đề hôm nay, chúng ta đang bàn việc huy động thêm nguồn tài chính cho vấn đề này. Việc chi thuốc cho người bệnh, tôi nghĩ hiện nay người nhiễm HIV trong doanh nghiệp không nhiều, chủ yếu nằm trong cộng đồng dân cư.
Tôi biết nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thuốc, chi phí tập huấn, điều trị cho công nhân như Haniken, Unilever,… nhiều doanh nghiệp khác cũng tiên phong hỗ trợ vấn đề này. Vậy tại sao các tập đoàn kinh tế bỏ tiền ra cho những việc này? Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp cũng không khó khăn khi hỗ trợ công nhân bị bệnh. Liên quan đến việc này là vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách.
Không phải từ khi có Luật mà từ năm 1995 chúng ta đã có Pháp lệnh Phòng, chống AIDS trong đó đã có yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp cũng đã chấp hành. Nhưng các văn bản hướng dẫn của chúng ta còn chậm.
Từ sau Hội nghị ở Quảng Ninh có thông báo kết luận hội nghị của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lúc bấy giờ, sau đó có Chỉ thị 16 (năm 2012) của Thủ tướng Chính phủ; đến cuối năm 2012 có Thông tư liên bộ 163, nhưng trong Thông tư 163 không có hướng dẫn doanh nghiệp chi kinh phí cho việc này.
Nếu có văn bản hướng dẫn thì doanh nghiệp sẽ thực hiện tốt hơn.
Tôi đã được chứng kiến những tổng công ty, tập đoàn thi công một số công trình ODA của Nhật Bản. Họ mời chúng tôi đến tư vấn cho công nhân về việc này. Bởi chính sách của Nhật Bản yêu cầu phải chi 1% cho vấn đề sức khỏe, trong đó có quy định về đào tạo phòng chống HIV. Nếu chúng ta có chính sách thì doanh nghiệp sẽ hạch toán cụ thể việc chi cho vấn đề này.
Còn về doanh nghiệp, chúng tôi khẳng định cộng đồng doanh nghiệp luôn có ý thức và tích cực trong vấn đề này.
BTV: Thưa ông Michael Cassell, với tư cách là cố vấn cao cấp cho chương trình HIV/AIDS của USAID, xin ông chia sẻ một số khuyến nghị đối với việc đảm bảo nguồn tài chính cho mua thuốc ARV?
Ông Michael Cassell: Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam, và tôi xin chia sẻ nếu chúng ta đầu tư thích đáng các nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân HIV thì chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều hơn các chi phí điều trị trong tương lai.
Về việc đảm bảo nguồn tài chính cho mua thuốc ARV, thì thứ nhất, khi chương trình PEPFAR toàn cầu mới bắt đầu hỗ trợ mua sắm thuốc ARV 10 năm trước đây, chúng tôi đã hình thành các cơ chế mua sắm tập trung, tập hợp nhiều đơn hàng nhỏ về cùng một chỗ để mua chung và đạt được mức giá thấp hơn thông qua việc mua những đơn hàng số lượng lớn.
Với việc thiết lập một đơn vị mua sắm tập trung ở Trung ương, Việt Nam có thể áp dụng bài học tương tự để mua được nhiều thuốc hơn với giá thấp hơn.
Chi phí cho thuốc ARV trong nước theo đầu bệnh nhân mỗi năm bằng nguồn ngân sách quốc gia trung bình cao hơn 4 lần so với giá được mua trên thị trường quốc tế bằng nguồn tài chính của các nhà tài trợ. Cấp ngân sách mua sắm tập trung ngay tại Trung ương và tận dụng các cơ chế mua sắm quốc thế sẵn có với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ có thể tăng sức mua hiện nay lên 4 lần.
BTV: Chúng ta sẽ tìm hiểu về các kế hoạch và định hướng của Bộ Y tế để đảm bảo nguồn tài chính cho mua thuốc ARV?
Ông Bùi Đức Dương: Đối với Bộ Y tế, là cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ giao quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để triển khai vấn đề này.
Như ông Michael vừa đề cập, mục tiêu cơ bản trước mắt và lâu dài là làm sao loại trừ HIV ra khỏi cộng đồng. Chúng tôi nghĩ rằng, với lợi ích điều trị ARV, một trong những vấn đề then chốt để khống chế tình trạng lây nhiễm HIV cũng như tác động lâu dài của nó thì lợi ích cho người bệnh là phát hiện và điều trị sớm.
Theo các nghiên cứu của Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các tổ chức quốc tế thì thấy rằng, nếu phát hiện sớm cộng với thông qua việc giám sát các nhóm nguy cơ và tác động thêm nữa với việc dự phòng như trước chúng ta đã làm, có thể rút ngắn thời gian khống chế HIV.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ mắc HIV mới sẽ giảm tới mức tối thiểu vào 15 năm nữa. Nếu điều trị tăng cường ARV, sẽ giảm chi phí dành cho công cuộc chống HIV trong tương lai, mặc dù trước mắt cần một khoản kinh phí nhất định để mở rộng diện tiếp cận, phát hiện sớm và điều trị sớm cho các đối tượng này.
Cuối cùng việc chúng ta cần làm trong tương lai là làm thế nào để phát triển dịch vụ dự phòng chăm sóc điều trị sẵn có tại cơ sở và tìm nguồn lực phục vụ cho việc này, đặc biệt cho thuốc ARV.
Đó là những việc mà chúng tôi đã và đang làm.
BTV: Trong nghiên cứu vừa rồi của Bộ Y tế, có bao giờ chúng ta tính tới nguồn lực từ phía xã hội?
Ông Bùi Đức Dương: Có 5 nguồn lực khác nhau.
Thứ nhất, vẫn phải dựa trên cơ sở ngân sách nhà nước. Chúng tôi nghĩ rằng, HIV là bệnh nhiễm trùng do virus HIV gây ra, là bệnh lây truyền mãn tính và việc mắc bệnh, tử vong rất cao. Chúng ta biết rằng, ở châu Phi, tỷ lệ nhiễm và tử vong do HIV cao, thì ảnh hưởng cả tới vấn đề giống nòi, tác động cả đến kinh tế-xã hội đất nước, là vấn đề mang tính xã hội. Chính vì vậy, một trong những nguồn đầu tư lúc này vẫn là ngân sách. Làm thế nào để có đủ ngân sách nhà nước để đầu tư.
Thứ hai là đóng góp của người dân thông qua BHXH và BHYT.
Thứ ba là các chi phí người bệnh tự chi trả.
Thứ tư, kêu gọi sự đầu tư các tổ chức xã hội trong và ngoài nước để tiếp tục có nguồn kinh phí nhất định trong mua thuốc cũng như các hoạt động dịch vụ khác liên quan tới thuốc ARV và các nguồn khác, đặc biệt thông qua các phí, lệ phí mà có thể thu qua lệ phí máy bay, thuốc lá giống như quỹ thuốc lá mà chương trình phòng chống tác hại thuốc lá đã làm. Thông qua các nguồn như thế, có thể sẽ hỗ trợ kinh phí cho mua thuốc ARV trong thời gian tới.
BTV: Vậy để có nguồn kinh phí cho ARV và phòng, chống AIDS, theo ông chúng ta cần đánh thuế vào ngành công nghiệp nào?
Ông Bùi Đức Dương: Chúng tôi cho rằng, đây là căn bệnh tác động tới nhiều yếu tố xã hội, cho nên cần nhiều nguồn kinh phí khác nhau trong đó có thuế, có sự đóng góp của toàn dân, hỗ trợ của các doanh nghiệp và những loại phí, lệ phí khác như tôi vừa đề xuất. Các khoản phí đó có thể chi cho phòng chống tác hại của bia, rượu, thuốc lá, trong đó có hỗ trợ mua thuốc ARV.
BTV: Những kế hoạch, hành động đang được Chính phủ quan tâm, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ đạt được tầm nhìn mà Liên Hợp Quốc hướng đến: Không còn người nhiễm mới HIV. Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn những ý kiến, những đóng góp của các vị khách mời trong buổi toạ đàm ngày hôm nay. Xin cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị và các bạn.
Báo Điện tử Chính phủ