• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

UBTVQH thảo luận về Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai sửa đổi

(Chinhphu.vn) – Sáng 9/9, Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

09/09/2019 15:37
Toàn cảnh Phiên họp thứ 37 sáng ngày 9/9. Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Cho ý kiến tại phiên họp, các ý kiến về cơ bản đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các đại biểu đánh giá cao báo cáo, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra dự án luật và cho rằng, đây là dự án luật thu hút sự chú ý của cử tri và nhân dân, vì hậu quả của thiên tai ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thật kỹ dự án luật và các luật có liên quan trọng hệ thống pháp luật, nhất là Luật Dân quân tự vệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công… để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo.

Các quy định liên quan tới chính sách đưa ra trong dự luật cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn. Ví dụ như quy định về chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai. Sự cần thiết thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ quốc tế phải nghiên cứu cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời có cơ chế điều hòa từ những nơi có nguồn thu lớn nhưng ít thiên tai về Quỹ Trung ương để phân bổ tới các địa phương xảy ra nhiều thiên tai nhưng có ít nguồn thu cho hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tới việc phải loại bỏ những quy định làm phát sinh thêm giấy phép mới trong dự luật.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị dự luật cần có quy định mang tính nguyên tắc về việc phải có đầu mối huy động nguồn lực, tránh phân tán, lãng phí nguồn lực, tránh lạm thu hoặc thu tùy tiện. Rà soát lại các loại hình thiên tai cho hợp lý. Nghiên cứu về tính khả thi, hiệu quả của các công trình mới bổ sung trong dự luật như công trình chống xâm nhập mặn, công trình chống sét…

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tiếp thu ý kiến của UBTVQH, đồng thời điểm lại những tình huống thời tiết cực đoan đã xảy ra và thực tiễn ứng phó với thiên tai thời gian qua để khẳng định lại sự cần thiết sửa đổi Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai.

Giải thích về đề xuất xây dựng Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu. Vì thế, cộng đồng quốc tế rất muốn ủng hộ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, do chưa có quỹ ở Trung ương nên phải tiếp nhận theo kiểu vốn viện trợ ODA với thủ tục giải ngân rất chậm. Hiện nay, 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập quỹ và đã thu hút được hàng nghìn tỷ đồng. Việc thành lập quỹ ở Trung ương tiếp nhận các nguồn ủng hộ từ quốc tế để phân bổ trực tiếp cho các tỉnh; bộ máy kiêm nhiệm nên không làm phát sinh thêm biên chế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tiếp thu tại Phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Về 3 công trình đề nghị bổ sung trong dự luật, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, công trình chống sét được bổ sung để xây dựng ở những vùng đặc thù có rất nhiều sét để bảo đảm an toàn cho cả vùng dân cư, còn cột thu lôi chỉ là biện pháp cụ thể của từng công trình xây dựng. Công trình chống lũ quét đã được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới. Đó là việc xây dựng các công trình như răng lược ở những vùng có địa chất tốt để chặn đá tảng lăn gây thiệt hại lớn khi có lũ. Công trình chống xâm nhập mặn cũng rất cần thiết trong điều kiện tình hình thực tế như hiện nay…

Kết luận nội dung làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. UBTVQH yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến bước đầu của UBTVQH, cơ quan thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật để cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 khi đủ điều kiện.

Chiều cùng ngày, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Lê Sơn