Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khi ông Cường lên UBND xã Thụy An, huyện Ba Vì làm thủ tục khai sinh cho con ông, cán bộ hành chính xã giải thích, do thời gian nhập khẩu của người mẹ muộn hơn thời gian chứng sinh của con, trong thời gian đó có thể con ông đã được khai sinh ở Tuyên Quang nên cần phải có xác nhận con ông chưa khai sinh ở Tuyên Quang.
Sau khi gia đình về TP Tuyên Quang hỏi về giấy xác nhận như yêu cầu phía UBND xã Thuỵ An thì được trả lời do không có giấy chứng sinh và vợ ông đã cắt hộ khẩu ở TP Tuyên Quang nên không có căn cứ để xác nhận chưa khai sinh.
Hiện tại con ông Cường đã được 1 tháng tuổi nhưng chưa được khai sinh nên con ông sẽ không được hưởng các chương trình uống vitamin hoặc Tiêm chủng mở rộng và các chế độ khác. Ông Cường đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, trong tình huống này gia đình ông cần làm thủ tục gì để khai sinh cho con?
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời ông Cường như sau:
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: UBND xã, phường, thị trấn, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em được hiểu là UBND xã, nơi cư trú tại thời điểm làm thủ tục đăng ký khai sinh. Hiện nay, vợ ông Cường đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, vì vậy, UBND xã Thuỵ An là cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con của vợ chồng ông.
Về thủ tục đăng ký khai sinh, khoản 4 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012 của Chính phủ quy định, người đi đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
Liên quan đến phản ánh của ông Cường, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp đã có công văn số 4691/HTQTCT-HT ngày 22/9/2014 yêu cầu Sở Tư pháp TP Hà Nội kiểm tra, xác minh, làm rõ các thông tin mà ông Cường nêu. Nếu sự việc đúng như ông Cường phản ánh thì chỉ đạo UBND xã Thuỵ An, huyện Ba Vì thực hiện việc đăng ký khai sinh cho cháu bé theo quy định của pháp luật.
Chinhphu.vn