Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Việc chuyển xếp lương
Việc chuyển công tác theo nguyện vọng và được đơn vị sự nghiệp công lập tiếp nhận vào đơn vị đó, là việc tuyển dụng viên chức theo hình thức xét tuyển, hoặc xét tuyển đặc cách.
Theo Điều 20 Luật Viên chức, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tin ông Lưu Bình Dương phản ánh, ông đã có thời gian 11 năm là công chức ở cơ quan nhà nước, có trình độ thạc sĩ, trước khi chuyển công tác ông đã thi đạt yêu cầu và được xếp ngạch chuyên viên chính bậc 3. Tháng 10/2012, khi chuyển đến đơn vị mới là trường đại học công lập theo nguyện vọng cá nhân, ông chỉ được xếp ngạch giảng viên đại học (thang lương viên chức loại A1).
Việc đơn vị mới tiếp nhận và xếp ông vào ngạch giảng viên đại học là căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm cần tuyển dụng, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và quỹ tiền lương của đơn vị. Theo nguyên tắc công tác tổ chức cán bộ, trước khi Nhà trường ban hành quyết định tiếp nhận chuyển công tác (tuyển dụng viên chức theo hình thức xét tuyển hoặc xét tuyển đặc cách), ông Dương đã được Nhà trường thông báo, trao đổi các vấn đề liên quan đến nhu cầu công việc, vị trí việc làm, việc xếp lương sau khi Nhà trường tiếp nhận.
Mặt khác, theo luật sư, việc xếp lương ngạch chuyên viên chính bậc 3 của ông Dương ở cơ quan cũ là không phù hợp với quá trình công tác của ông. Thực hiện đúng quy định về nâng bậc lương, thì diễn biến tiền lương trong 11 năm công tác của ông Dương ở cơ quan cũ như sau:
Do có trình độ thạc sỹ ngay từ khi được tuyển dụng vào công chức, sau khi kết thúc thời gian tập sự 12 tháng, ông được xếp lương bậc 2/9 ngạch chuyên viên.
Khoảng thời gian 10 năm còn lại, ông có 3 lần được nâng bậc lương ở ngạch chuyên viên. Vào thời điểm ông Dương đang hưởng lương bậc 5/9 ngạch chuyên viên (hệ số 3,66), nếu ông Dương dự thi nâng ngạch chuyên viên chính đạt yêu cầu, áp dụng quy định tại điểm a, mục 1 Phần II Thông tư số 02/2007/TT-BNV, căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch chuyên viên (3,66) để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch chuyên viên chính là hệ số 4,0 (bậc 1/8 nhóm A2.2), hoặc hệ số 4,40 (bậc 1/8 nhóm A2.1).
Do đó, nếu có việc cơ quan cũ xếp lương cho ông Dương vào bậc 3/8 ngạch chuyên viên chính (nhóm A2.2) hệ số 4,68, hoặc bậc 3/8 ngạch chuyên viên chính (nhóm A2.1) hệ số 5,08, thì việc xếp lương khi nâng ngạch đó không đúng quy định, vì vậy không thể dùng hệ số lương cơ quan cũ đã xếp không đúng quy định, để xếp lương khi đến đơn vị mới.
Theo quy định tại điểm a, mục 3, phần II Thông tư số 79/2005/TT-BNV, trường hợp công chức, viên chức sau khi chuyển công tác mới, làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức, viên chức đó. Nhà trường xếp lương cho ông Dương ngạch giảng viên đại học là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức.
Thăng hạng viên chức
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì khi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng ngành, lĩnh vực (trước đây gọi là nâng ngạch) phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Điều kiện, tiêu chuẩn dự thi
Hiện nay, một số Trường Đại học công lập ban hành quy định người đăng ký dự thi nâng ngạch giảng viên lên giảng viên chính phải có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
- Đang ở ngạch giảng viên, có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách và nhiệm vụ của ngạch giảng viên chính quy định tại Quyết định số 538/TCCP-BCTL ngày 18/12/1995 của Bộ trưởng Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
- Đang tham gia giảng dạy Đại học, có thời gian giữ ngạch giảng viên và tương đương từ 9 năm trở lên (không tính thời gian tập sự, thử việc) trong đó tối thiểu phải có ít nhất 3 năm ở ngạch giảng viên.
- Có hệ số lương từ 3,66 trở lên.
- Có bằng thạc sĩ trở lên.
- Có đề án hoặc công trình nghiên cứu khoa học theo quy định của ngạch giảng viên chính.
- Được đơn vị sử dụng đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự thi, có phẩm chất đạo đức và ý thức kỷ luật tốt, có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đang xem xét để xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
- Được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý xét duyệt theo tiêu chuẩn được phân bổ và đồng ý cử đi dự thi.
Đề nghị ông Dương đối chiếu quy định cụ thể của Trường Đại học công lập nơi ông công tác để biết điều kiện, tiêu chuẩn dự thi thăng hạng (nâng ngạch) giảng viên chính đại học của Nhà trường.
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.