Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ - Ảnh minh họa |
Theo Điều 6 Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước thì, việc chuyển, xếp lương phải bảo đảm theo nguyên tắc làm công việc gì xếp lương theo công việc đó, giữ chức vụ gì xếp lương theo chức vụ hoặc phụ cấp giữ chức vụ đó trên cơ sở tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; tiêu chuẩn xếp hạng công ty.
Điều 31 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 quy định, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động (HĐLĐ), nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
Người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo ông Phạm Đình Hường phản ánh, ông đang hưởng lương thuyền trưởng, hệ số lương 6,5 (theo quy định tại Mục 2: Tàu vận tải biển theo nhóm tàu, Bảng lương Thuyền viên và công nhân viên tàu vận tải biển, ban hành kèm theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP).
Vừa qua ông Hường được công ty điều động lên bờ và bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Pháp chế, hưởng lương hệ số 3,27. Đối chiếu Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở các công ty Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP, thì ông Hường được công ty xếp lương mới vào bậc 4/8 chức danh chuyên viên, hệ số 3,27.
Căn cứ quy định tại Điều 31 BLLĐ, trường hợp ông Hường đồng ý với quyết định của Công ty điều chuyển làm công việc khác so với HĐLĐ đã ký, thì thời gian điều chuyển làm công việc mới không bị hạn chế.
Lương tháng liền kề sau khi thay đổi công việc, ông Hường được hưởng 100% tiền lương của chức danh thuyền trưởng hệ số 6,5. Từ tháng thứ 2 trở đi, tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ.
Nếu thực hiện đúng quy định này, khi ban hành Quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Pháp chế, công ty phải xếp lương cho ông Hường vào bậc 5/6 chức danh chuyên viên chính hệ số 5,32 (Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở các công ty Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP), cộng với phụ cấp chức vụ trưởng phòng công ty hạng II hệ số 0,4.
Việc công ty xếp lương mới cho ông Hưởng vào bậc 4/8 chức danh chuyên viên, hệ số 3,27 là chưa đúng quy định.
Ông Hưởng có thể đề nghị bằng văn bản gửi giám đốc công ty yêu cầu được xếp lại lương mới theo quy định tại khoản 3 Điều 31 BLLĐ.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.