Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên - Ảnh minh họa |
Ngày 21/9/2005, bà Lý được công nhận hết thời gian tập sự và bổ nhiệm chính thức vào ngạch viên chức (mã ngạch 15.115).
Năm 2012, đơn vị tính mức phụ cấp thâm niên nhà giáo của bà Lý là 15%. Sau đó bà chuyển công tác đến dạy học ở đơn vị mới. Tháng 8/2013, đơn vị mới tính lại thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho bà với mức hưởng là 8%.
Bà Lý hỏi, theo quy định mức hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của bà bao nhiêu?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Tại Điều 2 Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP như sau:
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo được xác định bằng tổng các thời gian sau:
- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập
- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập)
- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có)
- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên: Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Mức phụ cấp thâm niên được tính như sau: Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP thì thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:
- Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng Lý, nếu sự việc đúng như bà trình bày, căn cứ hướng dẫn tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thì thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của bà Lý được xác định bằng tổng thời gian công tác dạy học có đóng BHXH bắt buộc trong cơ sở giáo dục công lập từ ngày 1/1/1997 đến năm 2012 là 15 năm. Theo đó, đến năm 2012, đơn vị cũ tính mức phụ cấp thâm niên nhà giáo cho bà Lý bằng 15% là có cơ sở.
Về việc đơn vị mới tính lại mức phụ cấp thâm niên nhà giáo đối với bà Lý: Có thể, đơn vị mới căn cứ vào Quyết định ngày 21/9/2005 chính thức bổ nhiệm ngạch viên chức giáo viên mầm non cho bà Lý, làm thời điểm bắt đầu tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Bởi trong quyết định này có ghi “công nhận hết thời gian tập sự”, cho nên đơn vị mới nhận định rằng khoảng thời gian từ tháng 1/1997 đến ngày 21/9/2005 là thời gian bà Lý tập sự, thử việc nên đã áp dụng điểm a, khoản 3, Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP để không tính thời gian đó là thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Đơn vị mới lấy thời điểm ban hành quyết định bổ nhiệm viên chức đối với bà Lý (ngày 21/9/2005) để tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên Nhà giáo, đến tháng 9/2013 sẽ có mức hưởng phụ cấp bằng 8%.
Vào thời điểm UBND huyện ban hành quyết định bổ nhiệm ngạch viên chức cho bà Lý (ngày 21/9/2005), việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức áp dụng quy định tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP. Tại khoản 1, Điều 19 Nghị định này quy định: Người được tuyển dụng vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện chế độ thử việc, trừ những người đã làm việc ở các cơ quan, đơn vị nhà nước có cùng chuyên môn với ngạch được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp.
Theo đó, đáng lẽ trong quyết định bổ nhiệm ngạch viên chức đối với bà Lý, phải ghi “miễn tập sự, thử việc do đã có thời gian làm việc có cùng chuyên môn với ngạch được bổ nhiệm…” thay cho “công nhận hết thời gian tập sự” mới đúng.
Trường hợp của bà Lý, nếu có thời gian tập sự, thử việc thì việc này đã phải thực hiện ngay khi bà Lý được ký kết hợp đồng vào tháng 1/1997 và đã hoàn thành tập sự, thử việc từ tháng 6/1997. Do đó việc đơn vị mới tính lại mức phụ cấp thâm niên nhà giáo 8% là không phù hợp với tổng thời gian công tác dạy học có đóng BHXH của bà Lý.
Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, bà Lý cần có đơn đề nghị người đứng đầu đơn vị mới xem xét lại việc tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên Nhà giáo theo đúng hướng dẫn tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.