Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Tuyển muốn được biết, việc công ty giải quyết chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) như vậy có đúng quy định không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp trường hợp chị ông Tuyển như sau:
Tiền trợ cấp do BHXH chi trả
Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 và Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ TNLĐ: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Người lao động bị chết do TNLĐ hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần do BHXH chi trả bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.
Căn cứ điểm c, khoản 1; điểm a khoản 2 Điều 64 và khoản 1 Điều 65 Luật BHXH, người lao động chết do TNLĐ thì thân nhân là con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học; con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.
Bồi thường do doanh nghiệp trả
Điều 145 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ TNLĐ theo quy định của Luật BHXH. Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà doanh nghiệp chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được doanh nghiệp trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ theo quy định của Luật BHXH.
Đối với trường hợp người lao động chết do TNLĐ mà không do lỗi của người đó, thì doanh nghiệp phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương theo HĐLĐ cho thân nhân người lao động bị chết.
Trường hợp do lỗi của người lao động thì thân nhân cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% của 30 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Khi người lao động bị TNLĐ chết, bên cạnh nghĩa vụ trợ cấp của cơ quan BHXH và trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động theo quy định của Luật BHXH và Bộ luật lao động (gọi là trách nhiệm trong hợp đồng), pháp luật còn có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người xâm hại đến tính mạng người khác. Theo quy định tại Điều 604, Điều 610 Bộ luật Dân sự, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng thì phải bồi thường, bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Trường hợp chị gái ông Đặng Văn Tuyển trên đường đi làm bị chết do xe ô tô gây tai nạn. Đây là một trong các trường hợp được xác định là TNLĐ. Đối chiếu các quy định của Luật BHXH và Bộ Luật lao động nêu trên, thân nhân chị gái ông Tuyển cần yêu cầu doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung và chế độ trợ cấp tuất hàng tháng cho 2 người con chưa thành niên.
Trường hợp doanh nghiệp chưa đóng BHXH cho chị gái ông Tuyển, thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trả các khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ theo quy định của Luật BHXH.
Cùng với các chế độ do BHXH chi trả, nếu TNLĐ không phải do lỗi của chị ông Tuyển gây ra thì doanh nghiệp phải bồi thường ít nhất 30 tháng lương tối thiểu chung cho thân nhân chị gái ông. Trường hợp tai nạn do lỗi của chị gái ông Tuyển gây ra, thì thân nhân cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh việc người lái xe ô tô khi tham gia giao thông có lỗi gây tai nạn làm cho chị gái ông Tuyển chết, thì người lái xe ô tô đó phải có trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 604 và 610 Bộ luật dân sự.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Bồi thường do bị tai nạn lao động
- Chế độ đối với người bị tai nạn lao động
- Chế độ với người lao động bị tai nạn trên đường đi làm