Có thể kể ra ít nhất 4 di sản như vậy: hát Xoan Phú Thọ, Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Hát Xoan – hát xuân
![]() |
Điệu hát múa "Trống quân Đức Bác". - Ảnh: VNA |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Vũ Kim Biên, một trong những hội viên Hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) đi sâu sưu tầm, nghiên cứu về hát Xoan từ những năm 1971, tên chính thức của điệu múa hát này là hát Xuân, vì nó chỉ biểu diễn trong mùa xuân ở các hội làng. Các mùa hạ, thu, đông nhất thiết không hoạt động.
Đến thế kỷ XIII, hát Xuân đổi tên thành hát Xoan do phải kiêng tên bà Lê Thị Lan Xuân, người đã giúp đỡ phường Xuân thành phường hội. Bà cũng có công giúp đỡ các phường gắn kết các câu hát rời rạc thành bài bản, dựng chương trình đưa lên đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh hát lễ ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch và các đình làng lân cận. Bà rất yêu thích hát Xoan nên đã đổi tên làng Hương Nộn là Kẻ Xoan.
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên cũng khẳng định hát Xoan có từ thời Hùng Vương và có yếu tố phồn thực, như làm Nõ Nường (sinh thực khí) trước khi vào cuộc hát.
Lời lẽ của hát Xoan chỉ còn một số từ cổ gắn với địa danh, đồ vật, thổ ngữ địa phương còn phần lớn đã được hai danh sĩ thế kỷ XV là Đỗ Nhuận và Thân Nhân Trung sửa gọt cho lời ca câu hát của Xoan bóng bẩy, trơn tru, hấp dẫn. Hát Xoan là dân ca giao duyên duy nhất của Việt Nam có kèm theo múa, mỗi bài hát lại có một điệu múa riêng, rất bài bản.
Trước cách mạng Tháng 8/1945, Phú Thọ có 4 phường Xoan là Phù Đức, Thét, Kim Đơi và An Thái ( nay là Phù Đức, Thét, Kim Đơi thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu, thuộc thành phố Việt Trì).
Các phường Xoan phục vụ từ đầu tháng Giêng ở 16 cửa đình, mồng 10 tháng Ba đến hội Đền Hùng hát hầu vua. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng mà phường Xoan phục vụ một, hai hay ba đêm. Nếu là ba đêm, sẽ trình diễn đủ chương trình gồm các vũ điệu và gần hai nghìn câu hát.
Cùng với quan họ Bắc Ninh, hát Xoan là tượng đài nghệ thuật chân chính, khỏe khoắn, đẹp tươi và lành mạnh, gợi lại bức tranh lịch sử thời xa xưa của tổ tiên người Việt.
Lễ hội mùa xuân – nơi bảo tồn Quan họ
![]() |
Theo các nhà nghiên cứu, chủ nhân của dân ca quan họ Bắc Ninh là người Việt (Kinh) cư trú ở hai tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hiện nay, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và nghề thủ công.
Đến đầu thế kỉ XX, dân ca quan họ Bắc Ninh được thực hành ở 49 làng mà cộng đồng xác định là làng quan họ cổ. Hiện 44 làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh và 13 làng của tỉnh Bắc Giang, nằm hai bên bờ sông Cầu, cách Thủ đô Hà Nội về phía bắc khoảng 30km. Các làng này quy tụ gần nhau trong một không gian với diện tích khoảng 60km2.
Dân ca quan họ Bắc Ninh là hát đối đáp nam nữ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.
Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về thời điểm ra đời của dân ca quan họ trong lịch sử. Đối chiếu lời của các bài quan họ trong sự phát triển của Tiếng Việt, có thể nghĩ rằng dân ca quan họ phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỉ XVIII.
Một trong những đặc điểm của quan họ là gắn liền với lễ hội. Lễ hội là nơi thể hiện tài năng, sự sáng tạo của quan họ đồng thời cũng là nơi bảo lưu, gìn giữ và phát triển nét văn hoá độc đáo này. Vì thế, 44 làng quan họ gốc của Bắc Ninh đều có lễ hội mùa xuân. Tổ chức sớm nhất là lễ hội làng quan họ gốc Hữu Chấp, còn gọi là hội kéo co, vào ngày mồng 4 tháng Giêng và muộn nhất là làng Đào Xá vào ngày rằm tháng Hai.
Trong số các lễ hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào 13 tháng Giêng âm lịch, là hội lớn nhất, nổi tiếng nhất.
Mỗi hội làng quan họ gốc đều có một sắc thái riêng, làm phong phú nét văn hoá chung của hội làng, tạo nên sự hấp dẫn để mọi người náo nức trảy hội mùa xuân.
Hội Gióng – Bảo tàng văn hóa Việt Nam
![]() |
Là lễ hội duy nhất trong tổng số gần 8.000 lễ hội truyền thống của Việt Nam được UNESCO công nhận, hội Gióng miêu tả cuộc chiến đấu chống giặc Ân của người anh hùng huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương mà nhân dân ta gọi là Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội diễn ra ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, nhưng theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở Sóc Sơn (nơi Thánh Gióng bay về trời) ngày mùng 6 tháng Giêng và hội Gióng ở xã Phù Đổng (nơi sinh ra Thánh Gióng) ngày 8 và 9 tháng Tư âm lịch có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác. Do đó, hai lễ này được lựa chọn làm căn cứ xây dựng hồ sơ Lễ hội Gióng trình UNESCO.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, hội Gióng được ví như "một bảo tàng văn hóa, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa- tín ngưỡng". Cái lõi ban đầu của hội Gióng là lễ hội nông nghiệp, được tổ chức khi mưa xuống để bắt đầu một vụ mùa mới, trồng cấy, thu hoạch. Trong lễ hội, quân của Thánh Gióng là nam, quân của giặc Ân là nữ, là sự đối lập mang tính âm - dương. Nhiều nghi lễ, nhiều tục trong Hội Gióng mang tính phồn thực của một lễ hội nông nghiệp.
Bắt đầu từ thời Lý, Trần trở đi, hội Gióng bắt đầu thay đổi và trở thành một biểu tượng quan trọng: tinh thần cố kết chống ngoại xâm. Rất ít dân tộc sáng tạo ra một hình tượng nói về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm như Thánh Gióng.
Hội Gióng có diễn xướng dân gian, liên quan đến múa hát ải lao, múa hồ…, trong đó hiếm có và tiêu biểu nhất là diễn xướng 3 trận đánh giặc Ân. Không có lễ hội nào có được sự phong phú và độc đáo về hình thức diễn xướng dân gian như Hội Gióng.
Hồ sơ trình UNESCO nêu rõ, Hội Gióng đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng Hội làng Việt Nam. Hội Gióng chứa đựng những khát vọng nhân bản ngàn đời: Đất nước thái bình, cá nhân có trách nhiệm với quốc gia và gia đình, khiến cho các cá nhân và cộng đồng tăng cường khả năng đối thoại, thông qua những thông điệp lịch sử mà các thế hệ tiền nhân đã gửi gắm trong diễn xướng của Hội Gióng.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
![]() |
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên.
Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.
Tại Tây Nguyên, tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... hay trong một buổi nghe khan… đều phải có tiếng cồng.
Tuy nhiên, để thưởng thức đầy đủ và trọn vẹn nhất không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, du khách có thể đến vùng đất này vào mùa xuân.
Hội Xuân Tây Nguyên kéo dài chừng 2 đến 3 tháng, từ ngày đưa lúa vào kho đến ngày sấm ran đầu mùa, tổ chức sau mùa gặt hái, đón năm mới. Đó là thời gian tạm dừng việc sản xuất để tham gia hội hè, thăm bạn bè… Buôn làng được sửa sang khang trang, các buôn, sóc tiếp nhau mở hội đâm trâu.
Hội đua voi thường được tổ chức hàng năm vào tháng 3 tại Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Đến với những lễ hội này, du khách có dịp hòa mình với không khí của hội lễ, với những trò vui dân gian, được tham dự những điệu múa, lời ca quyện với tiếng cồng, chiêng hào hùng, của những cư dân nơi xứ núi.
Đào Mai