In bài viết

Những nhà đại khoa năm Thìn làm rạng danh đất nước

(Chinhphu.vn) - “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nguyên khí thịnh thì nước hưng. Nguyên khí suy thì nước nhược.

24/01/2012 08:37

Hai chữ “hiền tài” được khắc trên bia đá mấy trăm năm trước không chỉ hàm nghĩa người có tài mà còn đòi hỏi ở người tài phải có đức, là hiền nhân quân tử, trung hiếu vẹn toàn. Đấy mới là tinh hoa của dân tộc, sức mạnh của quốc gia.

Trong truyền thống nghìn năm văn hiến của nước ta, đã từng có nhiều nhà đại trí thức làm rạng danh Tổ quốc, uy tín vang dội ra cả nước ngoài.

Chúng ta không thể quên tấm gương của nhà ngoại giao Giang Văn Minh (1573-1638) người xã Mông Phụ, nay là thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm ở ngoại thành Hà Nội.

Ông hai lần đỗ đầu ở kỳ thi Hội và thi Đình, trúng tuyển Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám Hoa) khoa Mậu Thìn (1628). Được cử đi sứ sang Trung Quốc năm 1637. Vua Minh ra câu đối bắt ông họa:

“Đồng trụ dĩ kim, đài dĩ lục”

(Cột đồng trụ đến nay, rêu xanh còn bám)

Gợi chuyện xưa tướng Hán Mã Viện sang đánh Hai Bà Trưng, chôn cột đồng trụ ở biên giới, nhắc chuyện Hai Bà thua tướng Hán để làm nhục nước ta.

Giang Văn Minh đã khảng khái đối lại:

“Đằng Giang tự cổ, huyết do hồng”

(Sông Bạch Đằng tự cổ đến nay, nước vẫn một màu đỏ)

Nhắc để Vua Minh nhớ sông Bạch Đằng ở nước ta vẫn còn sắc đỏ của mấy lần Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Hưng Đạo đánh tan quân xâm lược Nam Hán, Tống, Nguyên.

Sứ giả Giang Văn Minh quả đã là nhà ngoại giao biết bảo vệ quốc thể. Tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của vị sứ giả thật đáng treo gương.

Chúng ta cũng không thể quên nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784), nhà trí thức bách khoa lớn nhất của nước ta thời phong kiến là con của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, nguyên Thượng thư Bộ Hình, được tặng hàm Thái Bảo, tước Hà Quận công. Hai cha còn cũng đỗ Tiến sĩ năm Thìn, cụ Thứ đỗ khoa Giáp Thìn (1724), con Lê Quý Đôn đỗ khoa Nhâm Thìn (1752), là Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn). Khoa ấy không lấy đỗ Trạng Nguyên, nên ông là người đỗ đầu cả khoa. Trải qua 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu, nên được gọi là Tam Nguyên. Ông là nhà bác học bách khoa nổi tiếng với bộ Vân Đài loại ngữ là cuốn bách khoa thư đầu tiên của nước ta, lại là nhà sử học với bộ Đại Việt thông sử, nhà văn học với bộ Toàn Việt thi lục, nhà khảo cứu triết học với các bộ Quần thư khảo biện, kiến văn tiểu lục, nhà địa chí uyên bác với bộ Phủ biên tạp lục để sớm ghi nhận chủ quyền của nước ta với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Năm 1754, được cử giữ chức Hàn lâm viện thị thư, sung Toản tu Quốc sử quán. Năm 1757 được thăng Hàn lâm viện thi giảng.

Ông là người thông minh, cường ký, năm Canh Thìn 1760, được cử làm Phó Sứ sang triều đình nhà Thanh bên Trung Quốc. Học vấn, văn chương được cả người Thanh và sứ thần Triều Tiên nể trọng. Trong sứ đoàn nước ta, ông là người trẻ nhất, mới hơn 30 tuổi, là khá hiếm có trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và Trung Quốc. Bởi lẽ, dưới thời phong kiến, trọng trách ấy thường được giao cho những người đã “tri thiên mệnh” trên 50 tuổi. Tuy nhiên, chức Sứ thần là người có trách nhiệm ngoại giao, tất phải kén người đỗ Tiến sĩ, quan tiền triều là không được dự. Bảng nhãn Lê Quý Đôn tuy chưa thuộc diện nhiều tuổi, nhưng tiếng tăm của Lê Quý Đôn từng viết những tác phẩm nghiên cứu nổi danh, đã khiến các nho thần triều Thanh như Thượng thư Binh Bộ Lương Thì Chính, Thượng thư Công Bộ Quy Hữu Quang cùng nhiều nho thần khác đã đến sứ quán Đại Việt để thăm và cùng đàm đạo.

Cũng trong thời gian này, Lê Quý Đôn đã gặp đoàn sứ bộ Triều Tiên là Trạng nguyên Hồng Khải, cùng nhau xướng họa, rất lấy làm tâm đắc, chứng tỏ các vị sứ thần hai nước đã hiểu khá rõ lịch sử, văn hóa của nước bạn.

Qua cuộc xướng họa thơ giữa các sứ thần hai nước, chúng ta thấy mối tình hữu nghị giữa hai dân tộc cùng hiểu nhau, trân trọng nhau. Lê Quý Đôn có câu:

“Dị bang hợp chí, diệc đồng phương

Học thuật bản tòng tiên tổ vượng”

(Tuy nước khác nhau, nhưng cùng một chí, một hướng.

Về đường học thuật, hai nước cùng theo cội nguồn tiên tổ)

Lê Quý Đôn đã đưa ra một sự so sánh rất hay và tinh tế giữa hai nước Việt- Triều:

Núi Tản Viên nước tôi đẹp như núi Tùng nhạc nước bạn.

Sông Áp lục nước bạn cũng dài như sông Nhị Hà nước tôi.

Sự đồng tình, đồng điệu không kể gì đến xa cách. Học sĩ Lý Huy Trung trong bài Tái ngoại nhân lai họa lại thơ Lê Quý Đôn có câu viết:

Nước các bạn ở tinh phận Sao Đẩu, nước tôi ở Sao Cơ, lối sống khác nhau

Nước tôi chốn Bồng Đảo, nước bạn xứ Lô Giang, cách trở giữa vạn nước, nhưng tình yêu quý nhau biết chừng nào.

Sau bao nhiêu buổi gặp mặt trao đổi thơ từ, kiến văn, tình bạn hữu ngày càng đằm thắm. Lê Quý Đôn lại làm bài xướng Vĩ tài đoan đích, mời các bạn sứ thần Triều Tiên họa, trong đó có câu tự tình:

Yêu thương bạn, cả bốn tuần đều coi trọng tin mai

Nhớ nhau, mới hai tháng, tháng dài như tơ liễu.

Khiến vị chánh sứ Hồng Khải Hy cảm động đáp lại:

Cuộc kỳ ngộ của chúng ta nên kết lại thành sợi tơ bền

Tôi về nước, chứa đầy túi, đều là chữ của Sứ thần Đại Việt.

Thật đúng là người quân tử lấy văn chương, học vấn mà tập hợp bạn bè và nhờ bạn bè góp sức mà làm được điều nhân.

Cái giá của ngoại giao văn hóa thật là quan trọng!

Trần Thái Bình

Nhà nghiên cứu lịch sử