In bài viết

Xử lý thông minh thách thức BĐKH để phát triển xanh

(Chinhphu.vn) – Biến đổi khí hậu vừa thách thức vừa mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, nếu vấn đề này được xử lý một cách thông minh.

20/04/2012 18:46

Ảnh minh họa

Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “Doanh nghiệp và biến đổi khí hậu” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội.

Theo báo cáo đánh giá lần thứ 4 của  Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các hiện tượng thời tiết “cực đoan” đang có khuynh hướng tăng lên một cách đáng kể về cả cường độ và tần suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo tính toán, mức độ thiệt hại về kinh tế do bão lụt gây ra ở nước ta là rất lớn, mỗi năm hàng tỷ USD.

Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tới năm 2100, các nước Đông Nam Á sẽ bị thiệt hại do biến đổi khí hậu khoảng 6,7% GDP mỗi năm.

Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) Nguyễn Hữu Ninh cho rằng, thách thức của Việt Nam trong ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu đó là sự nhận thức về vấn đề này của cộng đồng dân cư chưa thực sự đầy đủ.

Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến sự phát triển mọi mặt về kinh tế xã hội đã được chứng minh, trong đó doanh nghiệp cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng sấu sắc. Cuộc khảo sát gần đây đối với các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy có tới gần 30% số doanh nghiệp  được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Theo ông Trương Quốc Cần, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), mức độ thiệt hại do thiên tai của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng có nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai nhưng không đủ năng lực về nguồn lực để thực hiện. Hoặc ngược lại, doanh nghiệp có quan tâm nhưng lại chưa có kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai.

Vì vậy, cần có nội dung đào tạo các doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào các vấn đề như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mô hình điển hình, đánh giá rủi ro, lồng ghép xây dựng chính sách cho doanh nghiệp.

Một vấn đề khác là trong bối cảnh Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp trong những thập kỷ tới, việc phát triển nền kinh tế phát thải các bon thấp là một xu thế tất yếu và các doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội này để phát triển các hình thức kinh doanh với công nghệ phù hợp.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt những thông tin cần thiết mà khoa học công nghệ đã đi trước một bước để ứng vào điều kiện Việt Nam. Với những điều kiện tài chính và công nghệ ưu đãi của quốc tế và Chính phủ Việt Nam trong lộ trình phát triển xanh (tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, năng lượng xanh...), doanh nghiệp có thể tận dụng các lợi thế của mình, biến các thách thức thành cơ hội trong một kỷ nguyên phát triển mới.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, việc tuyên truyền để doanh nghiệp nhận thức đúng đắn về biết đổi khí hậu là thật sự cần thiết, từ đó giúp doanh nghiệp có thể thay đổi nhận thức trong quản lý, công nghệ nhằm giảm thiểu các rủi ro của biến đối khí hậu đối với doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu tác hại của hiện tượng này gây ra.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần hình thành một cơ chế chính sách hành động như một vấn đề liên ngành.

Thu Cúc