In bài viết

Quan hệ Nga - Mỹ sau sự kiện USAID chấm dứt hoạt động tại Nga

(Chinhphu.vn) - Mối quan hệ "thăng trầm" giữa Nga và Mỹ lại vừa có thêm những sóng gió mới khi ngày 18/9/2012, Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động trên lãnh thổ Nga theo yêu cầu từ phía Mátxcơva.

21/09/2012 09:44

Chính quyền Mỹ “lấy làm tiếc” về quyết định trên của Chính phủ Nga. Trong khi đó, báo chí Mỹ cho rằng việc chấm dứt hoạt động của USAID tại Nga sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

Ngày 19/9/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố, quyết định đóng cửa USAID được đưa ra do những hoạt động của cơ quan này gây ảnh hưởng tới các tiến trình chính trị, các thiết chế xã hội dân sự và các cuộc bầu cử ở các cấp khác nhau thông qua việc phân bổ các khoản tiền viện trợ.

Cơ quan đại diện USAID tại Nga đã không tuân thủ những mục tiêu đề ra là góp phần phát triển hợp tác nhân đạo giữa hai nước. Việc USAID hoạt động năng nổ tại các khu vực của Nga, trong đó có khu vực Cápcadơ, đang gây ra sự lo ngại sâu sắc và chính quyền Nga đã nhiều lần cảnh báo USAID về tình trạng này.

Xã hội Nga đã phát triển chín muồi và không cần tới "sự lãnh đạo từ bên ngoài". Tuy nhiên, Mátxcơva vẫn sẵn sàng hợp tác với USAID tại các nước thứ ba trên cơ sở nghiêm chỉnh tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lợi ích và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Thời gian gần đây Nga đã nhiều lần chỉ trích một số tổ chức nước ngoài lén lút tài trợ  cho phe đối lập trong nước, kích động bạo lực. Tháng 7/2012, nước này đã thông qua đạo luật áp dụng quy chế đại diện của nước ngoài đối với các tổ chức phi thương mại ở Nga hoạt động trong lĩnh vực chính trị và nhận tiền tài trợ từ nước ngoài.

Đạo luật này được áp dụng đối với các tổ chức phi thương mại của Nga nhận tiền và tài sản từ các chính phủ và các cơ quan chính phủ, các tổ chức ở nước ngoài và tổ chức quốc tế, các công dân nước ngoài hay những người được các tổ chức nêu trên ủy quyền, và từ các pháp nhân của Nga nhận tiền và tài sản từ những nguồn đã nêu, tham gia các hoạt động chính trị trên lãnh thổ LB Nga.

Phản ứng trước quyết định trên của Chính phủ Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ "lấy làm tiếc" về việc Mátxcơva chấm dứt các hoạt động của USAID tại Nga. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, việc Nga trục xuất USAID là một quyết định "đáng tiếc", đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng cách ủng hộ của Mỹ đối với xã hội dân sự, dân chủ, nhân quyền là hành động can thiệp vào các cuộc bầu cử.

USAID được Chính phủ Mỹ thành lập vào năm 1961. Cơ quan này phụ trách vấn đề viện trợ dân sự nước ngoài, nhằm hỗ trợ phát triển dân chủ, kinh tế, y tế, cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và ngăn ngừa xung đột ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. USAID mở văn phòng tại Mátxcơva từ năm 1992. Cơ quan này đã chi khoảng 2,7 tỷ USD viện trợ tại Nga và ngân sách của cơ quan này cho Nga trong năm tài khóa 2012 là khoảng 50 triệu USD. Tại Mátxcơva, USAID hiện có 60 người Nga và 13 người Mỹ đang làm việc.

Tuy Washington khẳng định việc đóng cửa USAID tại xứ Bạch dương không phải là dấu chấm hết cho quá trình "cài đặt" lại quan hệ Nga - Mỹ, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, nỗ lực tái thiết lập quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới suốt 4 năm qua đang đứng trước nguy cơ rơi vào băng giá.

  Một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, quyết định đóng cửa văn phòng USAID chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới 13 người Mỹ và 60 nhân viên địa phương. Ngoài ra, những nhóm hoạt động ở Nga bị ảnh hưởng nhất chỉ có tổ chức GOLOs chuyên giám sát hoạt động bầu cử và tổ chức Memorial theo dõi về nhân quyền.

Tuy nhiên, động thái trên của Mátxcơva cũng đủ  để châm ngòi cho một làn sóng phản ứng từ giới truyền thông và chính giới Mỹ. Hàng loạt tờ  báo lớn, hãng tin của Mỹ cho rằng quyết định ngừng hoạt động của USAID tại Nga là một bước lùi trong quan hệ Nga - Mỹ.

Hãng tin AP cho rằng, quyết định của chính quyền Tổng thống Putin đã thổi bay nỗ lực tái khởi động quan hệ hai nước của Tổng thống Obama. Trong khi, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng, quyết định của Chính phủ Nga nhằm chấm dứt hoạt động của USAID tại nước này là hành động xúc phạm Mỹ và là một gáo nước lạnh dội vào chính quyền Obama.

Theo một số nhà phân tích, quyết định đóng cửa USAID ở Nga không phải là một điều gì  quá bất ngờ của Điện Kremlin. Ngay từ khi vận động tranh cử Tổng thống Nga, ông Putin đã khẳng định sẽ tập trung đẩy lùi nguy cơ bất ổn bắt nguồn từ phong trào phản kháng của các phe đối lập trong nước mà ông cho là có sự "hà hơi, tiếp sức" từ bên ngoài qua các tổ chức phi chính phủ (NGOs).

Vì vậy, ngay từ khi nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, cùng với việc tăng cường các biện pháp cải cách chính trị, sẵn sàng đối thoại với phe đối lập, Tổng thống V.Putin đã nhanh chóng thông qua các đạo luật mới về biểu tình, tăng cường kiểm soát hoạt động của NGOs, buộc các tổ chức này phải thực hiện "nghĩa vụ chính trị" là đăng ký với Bộ Tư pháp và phải nộp báo cáo hàng quý về hoạt động cho các cơ quan chức năng Nga.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, không phải  đến lúc này, đất nước có diện tích lớn nhất thế giới mới gặp "vấn đề" với các nhóm bảo trợ từ nước ngoài. Nhìn lại những năm 80 của thế kỷ trước, khi Mikhail Gorbachev triển khai cuộc cải tổ ở Nga, các tổ chức phi chính phủ cũng đua nhau nở rộ và trở thành tuyến đầu của cái gọi là "phong trào dân chủ" dẫn tới sự cáo chung của Liên bang Xôviết.

Trong thời gian gần đây, không ít lần, Tổng thống V.Putin đã cáo buộc NGOs chi hàng tỷ USD để bảo trợ và kích động, nhằm tạo ra sự đảo lộn chính trị tại Nga.

Thậm chí, ông Putin còn không ngần ngại nêu đích danh Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã bật đèn xanh, xúi giục các cuộc biểu tình rầm rộ chống Chính phủ Nga vào cuối năm ngoái - thời điểm đảng Nước Nga thống nhất giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện và cựu điệp viên Cơ quan An ninh Nga (KGB) đang chuẩn bị cho chặng đua nước rút vào Điện Kremlin nhiệm kỳ thứ 3.

Trong bối cảnh bất đồng giữa Nga và Mỹ  về cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân Iran và hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ… vẫn chưa tìm được lốt thoát, mâu thuẫn mới liên quan tới USAID và những biện pháp đáp trả giữa hai bên trong thời gian qua là những dấu hiệu cho thấy quan hệ Nga - Mỹ đang đứng trước một thời kỳ không thể nói là hoàn toàn tốt đẹp.

Mai Linh