In bài viết

Thực thi công vụ nghiêm minh – tai nạn sẽ giảm

(Chinhphu.vn) - Ủy ban ATGT quốc gia xác định trách nhiệm của người thực thi công vụ là chủ đề của Năm ATGT 2013. Đây cũng là điều người dân vẫn mong cơ quan chức năng làm tốt.

17/07/2013 10:01

Nói về trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), có hai chủ thể trong vấn đề này, một là người tham gia giao thông và hai là các cơ quan quản lý Nhà nước về ATGT.

Yêu cầu cấp bách

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Đại tá Trần Sơn Hà cho biết sau khi điều tra, phân tích các vụ TNGT, thì 80% nguyên nhân gây ra tai nạn là do người điều khiển phương tiện. Các cấp, ngành đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhưng ý thức đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông của người dân chuyển biến còn chậm.

Vẫn biết để thay đổi nhận thức của số đông là công việc không thể ngày một ngày hai, tuy nhiên, nhiệm vụ giảm thiểu TNGT lại là việc phải làm ngay và có hiệu quả ngay lập tức vì chúng ta không thể thờ ơ với số người thiệt mạng và bị thương do TNGT.

Yêu cầu này là cấp bách đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông.

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đề cập tới một trong những “nguyên nhân sâu sa của TNGT là do công tác quản lý Nhà nước”.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: Nguyên nhân trực tiếp chính là từ người lái xe, nhưng nguyên nhân sâu xa do công tác quản lý Nhà nước. Đó là việc cấp phép cho các doanh nghiệp, các chủ phương tiện kinh doanh vận tải; việc sát hạch cấp giấy phép lái xe; công tác đăng kiểm đảm bảo kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông; công tác tuần tra, giám sát chưa hiệu quả; việc xử lý của các cơ quan Nhà nước, của người thực thi công vụ chưa nghiêm. Do vậy, dẫn đến chuyện “nhờn luật”, có cả dấu hiệu, hiện tượng dung túng, bao che, xử lý không nghiêm, không công bằng. Đó chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Trở lại với nhận định của Đại tá Trần Sơn Hà khi cho rằng 80% nguyên nhân gây tai nạn là do người điều khiển phương tiện, nhưng có lẽ để giảm số vụ TNGT thì trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp phải thuộc về lực lượng CSGT - “chốt chặn” cuối cùng để ngăn chặn, triệt tiêu bất cứ hành vi gây mất ATGT nào trên những cung đường.

Tuy nhiên, trong khi rất cần nêu cao trách nhiệm của người thực thi công vụ thì vẫn thấy những thông tin phản ánh một số hành vi khiến dân chưa hài lòng về lực lượng nòng cốt này.

Tại Tây Ninh, một số nhà xe bức xúc về việc có hiện tượng CSGT liên tục phạt xe của mình mà không phạt các xe cùng loại khác cùng đi trên một tuyến đường. Câu chuyện được gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ và bà Thuỷ đã đề nghị Giám đốc Công an tỉnh điều tra, làm rõ.

“Qua điều tra, tuy chưa phát hiện tiêu cực nhưng các CSGT này nói rằng một số nhà xe mời đi ăn uống và tặng thẻ nạp tiền điện thoại. Chúng tôi đã xử lý nghiêm 21 cán bộ, chiến sỹ vi phạm và điều chuyển công tác qua các bộ phận khác”, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết.

Cũng “lùm xùm” liên quan đến việc ăn nhậu của CSGT với các hãng vận tải, Trung tá Hồ Lưu Luyến, nguyên Đội phó Đội tuần tra kiểm soát Thị xã Cam Ranh vừa bị Công an tỉnh Khánh Hoà kỷ luật, thu hồi thẻ điều tra và biển hiệu, đồng thời điều động về bộ phận công tác khác.

Mặc dù theo kết quả điều tra các sự vụ trên, không có biểu hiện tiêu cực trong việc nhận tiền từ các hãng vận tải để CSGT làm ngơ cho xe của các hãng này “an tâm” lưu thông trên đường, nhưng vẫn không tránh được sự nghi ngờ của dư luận về việc CSGT “bảo kê” cho những xe chịu “chung chi”.

Mới đây, báo chí phản ánh về hiện tượng có những lái xe tải khi qua Quốc lộ 20 (trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai) thì phải đổ xăng ở các cây xăng “định sẵn”, đổi lại, người của các cây xăng này sẽ “lo lót việc lấy lại giấy tờ xe cho lái xe nếu bị CSGT phạt”. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã ngay lập tức đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các vi phạm tại khu vực này. Hiện dư luận vẫn đang chờ đợi kết quả điều tra của Công an các địa phương liên quan.

Cách đây nửa năm, Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã tước danh hiệu CAND với 7 sĩ quan và 1 hạ sỹ quan cảnh sát trật tự của Quận 6 vì hành vi nhận tiền “bảo kê” từ các lái xe tải đi qua địa bàn của quận này…

Vụ việc được xử lý thoả đáng, nhưng dư luận vẫn băn khoăn liệu còn bao nhiêu trường hợp như vậy chưa được đưa ra ánh sáng?

Trong những trường hợp này, trách người đưa tiền một phần, nhưng phải trách người nhận tiền gấp mười lần vì đã đi ngược lại với đạo đức công vụ, và nghiêm trọng hơn là còn trực tiếp tạo ra những “lỗ hổng” thường trực về mất  ATGT.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Nếu người thực thi công vụ gương mẫu, cương quyết sẽ góp phần rất quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Trái lại những cán bộ có sai phạm nếu không xử lý nghiêm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng…”

Trách nhiệm thực thi công vụ - giải pháp hàng đầu

Nói về việc xử lý cán bộ, chiến sỹ CSGT bao che cho các hành vi gây TNGT, Đại tá Trần Sơn Hà cho biết trong thẩm quyền giải quyết của Cục, từ đầu năm đến nay, Cục CSGT đã xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thâm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng hoặc xử lý trước pháp luật.

Bình luận về con số này, một cán bộ của Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết chưa đó phải là tất cả, vì việc xử lý các trường hợp CSGT vi phạm pháp luật giao thông còn có thẩm quyền từ các cơ quan thanh tra của Công an các địa phương, Bộ Công an.

Trách nhiệm thực thi công vụ cần thiết được đặt là giải pháp hàng đầu. Nếu được thực hiện nghiêm minh, công tâm, điều này sẽ góp phần giảm 30% số vụ TNGT, kèm theo đó là giảm số người chết và bị thương như đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Hơn nữa, nó lại có tác dụng lan toả để thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu khác.

Tuy nhiên, trách nhiệm của người thực thi công vụ ở đây không thể hiểu đơn thuần chỉ là không có hành vi tiêu cực mà đi kèm theo đó còn là việc nâng cao năng lực công vụ cho lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông vận tải. Chỉ có hiểu đúng, hiểu đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ giúp cho mỗi cán bộ, chiến sỹ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời phán đoán được những bất cập trong thi hành và tham mưu phương án giải quyết.

Thành Chung