In bài viết

Điều kiện công chức tuyển dụng được miễn tập sự

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Văn Sơn (hoangson1609@...) đề nghị hướng dẫn về việc thực hiện chế độ tập sự và tính thời gian công tác khi chuyển công tác từ UBND cấp huyện về Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

20/11/2012 13:22

Ông Sơn công tác tại Văn phòng UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai từ năm 2006 và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2007.

Năm 2008 ông Sơn trúng tuyển kỳ thi công chức và được tuyển dụng vào tháng 3/2009. Tháng 3/2010 ông thực hiện xong chế độ tập sự và được bổ nhiệm công chức.

Tháng 10/2011 ông Sơn xin chuyển công tác về Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và được Viện trưởng ra quyết định tiếp nhận.

Ông Sơn muốn biết, ông có phải thực hiện chế độ tập sự khi chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân không? Hệ số lương có được giữ nguyên không? Thời gian công tác tại UBND huyện ông Sơn là chuyên viên phụ trách nội chính thì thời gian này có được tính là thời gian công tác pháp luật không?

Vấn đề ông Sơn hỏi, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Mục đích của chế độ tập sự công chức là để người được tuyển dụng vào công chức nắm vững quy định của Luật Cán bộ, Công chức về quyền, nghĩa vụ của công chức, về những việc công chức không được làm; để nắm vững cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đang công tác, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan và chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm được tuyển dụng; có thời gian cần thiết trao dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng; tập giải quyết, thực hiện các công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Trường hợp công chức được miễn tập sự

Người được tuyển dụng được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đủ các điều kiện theo hướng dẫn tại Điều 12, Thông tư 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP như sau:

- Đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với ngạch công chức được tuyển dụng.

- Trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự người được tuyển dụng đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng.

Theo hướng dẫn này thì trường hợp người được tuyển dụng vào công chức loại C được miễn tập sự khi đã có thời gian công tác, đóng BHXH, đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức loại C bằng hoặc lớn hơn 12 tháng.

Trường hợp người được tuyển dụng vào công chức loại D được miễn tập sự khi đã có thời gian công tác, đóng BHXH, đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức loại D bằng hoặc lớn hơn 6 tháng.

Người được tuyển dụng nếu không có đủ các điều kiện này thì phải thực hiện chế độ tập sự.

Về việc xếp lương khi chuyển công tác

Điểm a, khoản 1 Điều 11 Thông tư 13/2010/TT-BNV hướng dẫn xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng như sau: Đối với người được tuyển dụng đang được xếp lương theo ngạch, bậc, chức vụ, cấp hàm theo bảng lương do Nhà nước quy định, được bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở xuống thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định xếp ngạch, bậc lương theo thẩm quyền và theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc, chuyển công tác.

Điểm a, điểm c, Mục 3 Phần II Thông tư số 79/2005/TT-BNV quy định nguyên tắc xếp lương đối với công chức thuộc diện xếp lương theo ngạch công chức hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát (gọi chung là ngạch công chức) như sau:

- Làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch công chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức đó.

- Trường hợp chuyển sang làm công việc mới không phù hợp với ngạch công chức đang giữ thì phải chuyển ngạch.

Trường hợp chuyển công tác mà công việc mới phù hợp với ngạch đang giữ, thì cơ quan mới tiếp tục trả lương (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch đang giữ) theo giấy thôi trả lương của cơ quan cũ.

Về các vấn đề ông Nguyễn Văn Sơn hỏi: Trường hợp ông Sơn đã có thời gian làm việc và đóng BHXH từ năm 2007 tại Văn phòng UBND huyện, khi được tuyển dụng vào công chức ngành Kiểm sát có được miễn thời gian tập sự không phải căn cứ vào vị trí tuyển dụng tại Viện Kiểm sát nhân dân.

Nếu công việc ông Sơn đã làm không cùng loại với công việc được tuyển dụng theo yêu cầu công vụ của ngạch công chức, chức danh chuyên môn nghiệp vụ ngành kiểm sát, thì thời gian đã làm việc, đóng BHXH tại Văn phòng UBND huyện không được dùng làm căn cứ để miễn thời gian tập sự tại Viện Kiểm sát nhân dân.

Về việc xếp lương đề nghị ông Sơn đối chiếu cụ thể theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Thông tư 13/2010/TT-BNV và điểm a, điểm c, Mục 3 Phần II Thông tư số 79/2005/TT-BNV nêu trên.

Cách hiểu đối với "thời gian làm công tác pháp luật"

Về khái niệm “thời gian làm công tác pháp luật”: Theo Điều 18 Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân số 03/2002/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi theo khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh số 15/2011/UBTVQH12, người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có trình độ cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện Kiểm sát nhân dân.

Việc giải thích từ ngữ “thời gian làm công tác pháp luật” nêu trong Điều 18 Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thuộc thẩm quyền của cơ quan ban hành Pháp lệnh là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc theo Thông tư hướng dẫn, Quy chế tuyển chọn, bổ nhiệm kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Theo Luật sư, từ ngữ “thời gian làm công tác pháp luật” nêu trong Điều 18 Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân là một trong những điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm kiểm sát viên sơ cấp, mà người được tuyển chọn, bổ nhiệm phải đã có thời gian công tác, làm nghề luật trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp (như cơ quan Công an, Thanh tra Nhà nước, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án…) theo chức danh chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành hoặc chức danh tư pháp phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này. Với cách hiểu của luật sư, thì thời gian ông Sơn công tác tại Văn phòng UBND huyện không được coi là thời gian làm công tác pháp luật.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

Quy định về miễn tập sự trong tuyển dụng công chức

Về chế độ tập sự trong tuyển dụng công chức

Trường hợp không được miễn tập sự khi tuyển dụng vào công chức