![]() |
Ảnh minh họa: vtc.vn |
Xóa bỏ trào lưu “học trước”
Đặc biệt, đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học; không được so sánh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Quy định không chấm điểm học sinh lớp 1 bắt đầu được áp dụng trong năm học này sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, vì giáo viên chấm điểm học sinh ngay khi vào lớp 1, so sánh giữa các học sinh biết đọc, biết viết trước với những học sinh chưa biết đọc, biết viết khiến phụ huynh bị áp lực, phải cho con "đi học trước".
Nhiều phụ huynh, giáo viên ủng hộ và hy vọng phương pháp mới sẽ góp phần quan trọng giảm áp lực học hành đối với học sinh lớp 1. Quan trọng hơn, phương pháp mới này sẽ bắt buộc các phụ huynh phải quan tâm nhiều hơn tới con em mình để biết các cháu đang “đứng ở đâu”.
Hơn thế nữa, việc xếp hạng học sinh sẽ phần nào tránh được sự chênh lệch, khác biệt về năng lực quá xa giữa các em tốp đầu và tốp cuối. Không có những bảng điểm cao chót vót, nhưng cũng không có bảng điểm quá thấp dưới trung bình. Chính sự thay đổi này sẽ giải quyết tâm lý so sánh, gây tự ti hoặc tự tin quá mức cho các em và chính các bậc phụ huynh.
“Học tập là một quá trình và điểm của 3, 4 kỳ thi không thể hiện được tất cả năng lực của các em bởi thi cử bao giờ cũng có tính may rủi”, cô Vũ Thị Lệ (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) nói.
Đồng thời, tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về những nội dung học sinh đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời.
Cần giải quyết cái gốc của dạy thêm
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định nghiêm cấm việc tổ chức thi tuyển vào lớp 1 tại các trường công lập, nhưng một số trường ngoài công lập vẫn tổ chức tuyển sinh đầu vào dưới dạng sơ tuyển, nên đã tạo sức ép với phụ huynh và các em ngay từ khi chưa bước chân vào lớp 1, đặc biệt là những trường có thương hiệu ở địa bàn Hà Nội như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn hay một số trường quốc tế. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn lý giải, do trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao nên việc kiểm tra đầu vào để sàng lọc học sinh rất quan trọng. Đối với những em nhận thức chậm hoặc có những biểu hiện của chứng tăng động, giảm trí nhớ thì trường thường động viên nên theo học trường công đúng tuyến. |
Một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, chia sẻ: “Sáng học ở lớp, chiều cô dẫn về lớp học thêm cô thuê ở gần trường, học đến 18 giờ, bố mẹ đến đón. Hầu như bé nào cũng học. Không học thì cô chê lên chê xuống, thậm chí đánh vào tay nếu bé viết chậm, viết xấu”.
Bên cạnh đó mặc dù không chấm điểm nhưng các phụ huynh vẫn lo lắng nếu con mình không đi học thêm tại nhà cô chủ nhiệm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả đánh giá, xếp hạng học lực của con vào cuối năm.
Thực tế cho thấy, dù không chấm điểm nhưng cuối năm học giáo viên vẫn nhận xét về học lực của các em, và dù những nhận xét này không phải là tiêu chí để xếp lớp hay xét lên lớp song vẫn là một dấu ấn đầu tiên, quan trọng trong cả cuộc đời học tập.
Việc không áp dụng chấm điểm học sinh lớp 1 sẽ giảm bớt đáng kể sức ép trên lớp cho các em, tuy nhiên, từ đây sẽ hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng học thêm lại là câu chuyện khác.
Chừng nào cha mẹ phụ huynh vẫn còn tồn tại tâm lý ưa chuộng thành tích, cho con mình đi học thêm để theo kịp các bạn, các thầy cô giáo vẫn muốn được dạy thêm để tăng nguồn thu thì tình trạng dạy, học thêm sẽ chưa thể chấm dứt.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cần tiếp tục phải nghiên cứu thêm nhiều chính sách đồng bộ và triệt để hơn nữa để giải quyết tận gốc câu chuyện học thêm của học sinh lớp 1.
Nguyệt Hà