In bài viết

10 sự kiện nổi bật ngành Tư pháp

(Chinhphu.vn) - Sáng nay, 31/12/2013, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã công bố 10 sự kiện năm 2013 của ngành.

31/12/2013 11:16
Ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Lễ công bố Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam là ngày 9/11 hằng năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
1. Tổ chức thành công “Ngày Pháp luật” đầu tiên trong cả nước

Ngày Pháp luật 9/11 đầu tiên với chủ  đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ  Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà cao điểm là Lễ công bố Ngày Pháp luật đã được tổ chức thành công.

Sự kiện này đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật. Là thông điệp của Đảng, Nhà nước gửi đến toàn dân về ý thức thượng tôn pháp luật và cam kết xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đối với bạn bè thế giới.

2. Khẳng định công tác tư pháp là nhiệm vụ  của Chính phủ, chính quyền địa phương

Năm 2013 cũng là năm đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp (9/1/2013) với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị đánh giá toàn diện công tác tư pháp đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương với công tác tư pháp.

3. Bước đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt  động quản lý Nhà nước về dân cư

Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/6/2013 đã tạo tiền đề cho công tác đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, gắn với tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Việc ra đời Đề án và công tác triển khai hiệu quả trên thực tế sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí; đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân; phù hợp với điều kiện của nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

4. Đưa Luật Xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống

Trong năm 2013, Chính phủ hoàn thành 50 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, giảm hơn 70 Nghị định so với trước đây. Các Nghị định này đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án “Xây dựng, tổ chức bộ máy biên chế” để triển khai thực hiện hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thống nhất trên toàn quốc.

5. Việt Nam tham gia Liên minh Công chứng Quốc tế

Ngày 9/10/2013 tại thành phố Lima (Peru) trong Đại hội toàn thể của Liên minh Công chứng Quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 84 của Liên minh, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử công chứng Việt Nam, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của công chứng Việt Nam những năm vừa qua.

Đây là cơ hội  để xây dựng, phát triển bền vững ngành Công chứng tại Việt Nam.

6. Công nhận “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” và “Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam”

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận ngày 19/7 hằng năm là “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” và ngày 10/10 hằng năm là “Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam”.

Đây là những dấu mốc nhằm tạo ra những chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự, phát triển bền vững nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp.

7. Ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Năm 2013, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự nhằm bảo đảm sự thống nhất trong công tác chỉ đạo của các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Sự phối hợp ở cả 3 cấp nói trên đã góp phần làm cho kết quả thi hành án dân sự năm 2013 tăng 97.691 việc (24,71%) so với năm 2012.

8. Tăng cường, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp

Theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quản lý Nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp cũng là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, là đại diện cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Nghị định này đã tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Bộ và ngành Tư  pháp, khẳng định sự tin tưởng của Chính phủ đối với ngành trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

9. Quốc hội thông qua Luật Hòa giải cơ sở

Được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2013, Luật Hòa giải cơ sở sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và vật chất để tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở tiếp tục phát triển, làm đậm thêm tính nhân văn, đạo lý dân tộc, phát huy dân chủ trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở.

10. Công tác đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp có bước phát triển quan trọng

Trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.

Bộ Tư pháp kỳ vọng 2 Đề án này sẽ tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đạo tào cán bộ pháp luật, tư pháp, đáp ứng được yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế vào năm 2020.

Thành Chung