In bài viết

Lá chắn Chernobyl dang dở vì khủng hoảng Ukraine

(Chinhphu.vn) - Lá chắn chống nhiễm xạ tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl có thể bị trì hoãn bởi tình hình chính trị rối ren tại Ukraine.

25/04/2014 09:51

Thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraine (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô Viết) bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử thế giới.

Theo một báo cáo gần đây của Cơ  quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngoài 56 người bị cướp sinh mạng ngay tại thời điểm xảy ra vụ nổ, khoảng 9.000 người, trong đó có 1.800 trường hợp là trẻ em, đã chết vì ung thư sau thời điểm đó. Tuy nhiên, Tổ chức Hòa bình cho rằng tổng số người chết liên quan đến thảm họa Chernobyl đã lên tới khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay. Khoảng 800.000 binh lính, nhân viên cứu hộ và người dân Liên Xô đã trực tiếp tham gia khắc phục sự cố Chernobyl, trong đó đa số đã bị nhiễm xạ và cho tới nay vẫn còn hàng trăm nghìn người phải điều trị thường xuyên. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng có đến 600.000 người nhiễm xạ nặng và hơn 4.000 người chết vì bệnh ung thư liên quan đến vụ nổ này.

Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về  ung thư của LHQ cũng cho biết có hơn 16.000 người tử vong từ vụ Chernobyl, trong khi Viện Khoa học Nga lại thông báo tối thiểu 140.000 người ở Ukraine và Belarus đã chết, ở Nga là 60.000 người. Còn Ủy ban Phóng xạ quốc gia Ukraine lại cho biết con số thực có thể cao hơn 500.000.

Số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở những quốc gia lân cận lần lượt là hơn 3 triệu người ở Ukraine, 2,6 triệu người ở Nga và 1,4 triệu người ở Belarus.

Vụ nổ đã phát thải lượng phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Tại Ukraine, diện tích bị nhiễm xạ lên tới 50.000km2 tại 12 tỉnh và hiện vẫn còn 3,2 triệu người bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Ở Nga, 19 khu vực bị nhiễm xạ trên diện tích gần 60.000km2 với dân số 2,6 triệu người. Tại Belarus, 46.500km2, chiếm 23% lãnh thổ nước này, cũng bị ô nhiễm phóng xạ.

Thiệt hại về kinh tế do thảm họa Chernobyl gây ra uớc tính là 235 tỷ USD trong 30 năm tính từ sau vụ nổ. Thảm họa Chernobyl ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp của Belarus. Do tác hại của chất phóng xạ, Belarus đã mất đi một phần năm tổng diện tích đất nông nghiệp của nước này. Khoảng một phần tư diện tích rừng, 132 mỏ khoáng chất và gần 350 cơ sở công nghiệp của Belarus cũng bị phơi nhiễm chất phóng xạ. Chính quyền Belarus đã chi gần 19,4 tỷ USD và trong giai đoạn 2011-2015 chi thêm 2,3 tỷ USD để khắc phục hậu quả thảm họa Chernobyl.

Về khía cạnh sức khỏe, số ca mắc ung thư tăng mạnh sau thảm họa này, trong đó hầu hết là ung thư tuyến giáp. Số ca ung thư tuyến giáp ở trẻ em tăng 40 lần kể từ sau vụ nổ và con số này ở người trưởng thành là 2,5 – 7 lần.

Người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng về mặt tâm sinh lý và xã hội do phải thay đổi nơi cư trú và sự  suy giảm sức khỏe, nhiều người đã phải bất đắc dĩ thay đổi lối sống của họ và thích ứng với thực tại.

Đó là chưa tính những nguy hiểm luôn rình rập với hàng trăm công nhân, vẫn hàng ngày thay nhau làm việc gần chiếc "quan tài bê tông", lớp vỏ được xây dựng bao quanh lò phản ứng bị nổ để ngăn 190 tấn bụi phóng xạ tiếp tục phát tán ra môi trường.

Vụ nổ kéo theo hỏa hoạn làm một lượng lớn phóng xạ bị thải ra ngoài môi trường khắp châu Âu làm hơn 350.000 người khu vực xung quanh nhà máy phải di tản và do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô Viết, Đông và Tây Âu,  Scandinavia, Anh và miền đông nước Mỹ.

Ngày 5/12/2000, Nhà máy Chernobyl đã ngừng hoạt động và tổ máy số 4 của nhà máy này đã được bao kín bởi một vỏ bọc rất dày. Tuy nhiên, hiện vỏ bọc này đang bị hủy hoại bởi phóng xạ và thời gian, đòi hỏi phải xây một vỏ bọc mới trước năm 2015. Theo kế hoạch của chính quyền Ukraine, vỏ bọc mới bằng thép, hình mái vòm có chiều cao 105m, dài 150m và rộng 260m, có thời hạn khoảng 100 năm với kinh phí xây dựng dự kiến lên tới gần 1,3 tỷ euro. Vỏ bọc còn gọi là "quan tài đá", đã bắt đầu được làm từ năm 2010.

Công việc xây dựng lá chắn này đáng ra phải hoàn thành vào tháng 10/2015. Đây là lá chắn lớn nhất thế giới ở hạng mục này. Tuy nhiên, tình hình chính trị rối ren tại Ukraine đã ảnh hưởng tới tiến độ của dự án.

Theo nhiều chuyên gia, dự án có thể bị trì hoãn thêm hai năm và nhấn mạnh rằng điều then chốt là cộng đồng quốc tế cần hiểu rằng việc trì hoãn này gây ra những nguy cơ như thế nào./.

Nguyễn Chiến