In bài viết

Quan hệ Việt Nam-EU hướng tới thực chất và hiệu quả

(Chinhphu.vn) - Cùng với Đông Á và Mỹ, Liên minh châu Âu đang định hình trật tự thế giới mới. Tăng cường quan hệ với châu Âu thể hiện sự nhất quán trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế, mà Liên minh châu Âu là một trọng điểm.

20/10/2014 06:30
Thủ tướng hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đức, Bỉ, Ý, Tòa thánh Vatican, Liên minh châu Âu, và dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), từ ngày 12-18/10, đã tạo ra những điểm nhấn quan trọng trong các quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). ASEM là một sân chơi lớn quốc tế, góp phần định hình trật tự thế giới trong thế kỷ này.

Thúc đẩy các quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư là điểm nhấn quan trọng nhất

Trong các cuộc tiếp xúc song phương tại các nước Đức, Bỉ, Ý, các nhà lãnh đạo chính quyền, chính giới các nước đã cùng với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định lại mong muốn thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo.

Năm 2013, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU-28 tiếp tục tăng cao, đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm trước đó. EU là thị trường nước ngoài lớn nhất cho các mặt hàng của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại kỷ lục là 15,2 tỷ USD với EU, tương đương 17 lần mức thặng dư thương mại toàn cầu của Việt Nam. Lượng hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng 4,2%, ở mức 9,2 tỷ USD. Liên minh châu Âu đang ra khỏi khủng hoảng và từng bước phục hồi kinh tế. Điều này sẽ tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế thương mại giữa EU-28 và Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Đức, Bỉ, Ý, cũng như với các nhà lãnh đạo EU, đã cùng với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn sớm hoàn tất Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) và cho rằng việc ký kết thỏa thuận này đáp ứng các thách thức kinh tế trước mắt và trong tương lai. Cùng với việc ký kết EVFTA, Liên minh châu Âu sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các đối tác kinh tế quan trọng khác, trước hết là Mỹ.

Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Tại diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu tổ chức tại Milan (Italy), với sự tham dự của 800 đại diện các tập đoàn kinh tế ở hai châu lục, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã giới thiệu các nỗ lực đổi mới và tái cơ cấu kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đang tích cực thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ nhằm tạo động lực cho đầu tư phát triển, tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điểm sáng nổi bật ở châu Á hiện nay là Ấn Độ, với các chương trình kinh tế của Thủ tướng Modi đang tạo nên sức hấp dẫn đối với giới đầu tư. Tại Indonesia, Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo nhậm chức được kỳ vọng sẽ tạo ra những cải cách sâu rộng cho đất nước này. Ngay trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, Tổng thống đắc cử Indonesia đã trình làng chương trình kinh tế mang tên“Jokowinomics”.

Những cam kết của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng có thể có thêm sức hấp dẫn “kép” trước việc Việt Nam là một thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN-2015 và là một trong 12 nước thành viên đàm phán thỏa thuận Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết trong một tương lai không xa. Để những cam kết cấp cao tại châu Âu và các cơ hội thuận lợi của nước ta được hiện thực hóa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, rõ ràng phần lớn các “quả bóng” đang nằm trên sân phía Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với EU-28, cùng với các nền kinh tế quan trọng hàng đầu khác – Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản – tạo ra “tứ giác chiến lược” của quan hệ kinh tế đối ngoại nòng cốt của Việt Nam cho giai đoạn phát triển mới. Trên cơ sở này, xây dựng mô hình tăng trưởng mới vừa có chiều rộng, vừa đi vào chiều sâu chất lượng, gắn liền với phân công lao động mới của nền kinh tế nước ta.

Toàn cảnh hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hợp tác để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định cấp bách hơn bao giờ

Một điểm nhấn quan trọng khác của chuyến thăm và làm việc tại châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là làm nổi bật những mối quan tâm và lập trường của Việt Nam về các thách thức an ninh, chính trị, đối ngoại đối với châu Á và vấn đề Biển Đông. Châu Á, đặc biệt là các vùng biển Đông Á, trong đó có Biển Đông, đang trở thành điểm nóng của thế giới và mối quan tâm quốc tế.

Chân lý tự nó không tỏa sáng. Cần phải có những nỗ lực chính trị, ngoại giao không mệt mỏi để làm cho thế giới quan tâm đến những vấn đề thuộc lợi ích quan trọng đối với khu vực và cốt lõi đối với Việt Nam. Những thông điệp cấp cao bao giờ cũng phát huy sức mạnh vượt trội.

Do tác động tích cực của Việt Nam, đặc biệt là với chuyến thăm Vương quốc Bỉ, Liên minh Châu Âu (EU), Đức và Italy của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi đến Milan, vấn đề Biển Đông đã được đề cập tại các diễn đàn song phương và đa phương. Phát biểu tại phiên họp ASEM-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong năm 2014 bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, các hành động khủng bố và tranh chấp lãnh thổ … diễn biến rất phức tạp và quy mô lan rộng. Các điểm nóng khu vực căng thẳng hơn. Lòng tin giữa nhiều quốc gia bị suy giảm. Các nước vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về an ninh và phát triển. Nhu cầu hợp tác để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.

Ngày 15/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel sau buổi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Berlin đã khẳng định trong cuộc họp báo chung rằng, bên cạnh các vấn đề quốc tế quan trọng khác, theo quan điểm của Berlin, tự do hàng hải cũng là “lợi ích chiến lược của Đức”. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso cũng xác nhận quan điểm của EU “chia sẻ với Việt Nam các quan ngại về diễn biến tình hình Biển Đông” và “khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế - đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ quan tâm giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hay đe đọa sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế; luật biển Liên Hợp Quốc; thực hiện đầy đủ DOC và cần thiết sớm đạt COC, coi đó là phương thức hiệu quả để giải quyết cuộc xung đột tại vùng biển quan trọng này của thế giới.

Những quan điểm nêu trên đã trở thành khuôn khổ đa phương cho cuộc đấu tranh quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Quan hệ Việt Nam-EU bước vào giai đoạn trưởng thành. Cần tiến lên  tầm cao mới theo hướng thực chất và hiệu quả.

TS. Nguyễn Ngọc Trường
(Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế)