In bài viết

Hợp tác công-tư chống quá tải BV - Tìm điểm bắt đầu

(Chinhphu.vn) - Để góp phần chống quá tải bệnh viện (BV), Bộ Y tế đã và đang tìm cách liên kết giữa BV công và BV tư trong khám, chữa bệnh.

13/11/2014 17:56

Liên kết BV công và tư sẽ góp phần giảm quá tải BV. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Mối liên kết này sẽ đem lại hiệu quả thực sự khi các cơ sở y tế tư nhân được coi là bạn đồng hành, "cánh tay nối dài" của y tế Nhà nước.

Đối tượng người bệnh của BV tư nhân hạn chế

Trong một hội thảo về công tác xã hội hóa y tế do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, BV tư nhân ở nước ta hiện nay tuy phát triển nhanh về số lượng (với 170 BV, chiếm 11%  số BV trên cả nước), nhưng lại chậm phát triển về quy mô.

Điển hình là số giường bệnh của khối BV này chỉ chiếm 4,2% tổng số giường bệnh trên toàn quốc, tương đương khoảng 1 giường bệnh/vạn dân, chưa đạt mục tiêu 2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2010.

Bên cạnh đó, đa số các BV tư nhân phân bố chủ yếu ở đô thị (khoảng 50% tỉnh chưa có BV tư nhân), nhất là khu vực gần các BV công và thường tập trung vào các dịch vụ có khả năng sinh lời, nhằm vào đối tượng có khả năng chi trả.

Thực tế này đã dẫn đến tình trạng trên một địa bàn có khi có tới 6-8 BV tư và một số cơ sở khám chữa bệnh cùng hoạt động, trong khi số lượng bệnh nhân có khả năng chi trả cho các dịch vụ tại BV tư không nhiều. Từ đó, một số BV đã rơi vào cảnh thu không đủ bù chi nên đành phải ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam cũng thừa nhận, nhiều người trước khi đầu tư BV chưa lường hết được những khó khăn, thách thức sau đầu tư và tính đặc thù của loại hình hoạt động này, nên đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trong khi kinh phí duy trì hoạt động và tái đầu tư còn khó khăn. Đặc biệt, số lượng, chất lượng đội ngũ bác sĩ ở một số BV tư nhân còn thiếu và yếu, nên chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ phía các BV, ông Nguyễn Văn Đệ cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan từ phía các cơ quan quản lý khiến hệ thống BV tư hiện nay hoạt động không hiệu quả. Đó là công tác quy hoạch và cho phép đầu tư cơ sở y tế tư nhân chưa hợp lý; nhiều chính sách quy định cho khối công lập nhưng lại áp dụng với khối tư nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân y tế tư nhân chưa thu hút được nhiều người bệnh là do quy định chặt chẽ với khối BV này. Trong đó có một số chính sách còn phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa công lập và tư nhân.

Điều này có thể thấy khá rõ là khối BV công được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khoa học kỹ thuật, đào tạo và chi trả chế độ… nhưng khối BV tư nhân phải vay vốn đầu tư, trả lãi suất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, mua tài sản, trang thiết bị không được khấu trừ thuế đầu vào… Trong khi hai loại hình công và tư cùng phục vụ một đối tượng và cùng chi trả giá dịch vụ như nhau. Như vậy, khối BV tư không thể cạnh tranh với khối BV công lập.

Cần xóa bỏ tư tưởng phân biệt đối xử giữa công và tư

Trước nhiều ý kiến cho rằng BV tư hoạt động chưa hiệu quả là do một số quy định chặt chẽ về cơ chế tài chính đối với khối này, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho rằng dù quy định có mở rộng hơn thì cũng chưa chắc các nhà đầu tư sẽ dễ dàng quyết định đầu tư vào BV tư nhân, vì vấn đề cốt lõi là nguồn nhân lực, chứ không phải do cơ chế tài chính.

Hiện nay chỉ có khoảng 28 người hành nghề y tư nhân/100.000 dân và trong số này lại có tới gần 70%  hành nghề theo hình thức phòng khám chuyên khoa ngoài giờ. Vì vậy, nếu BV tư không thu hút được nhân lực thì không thể hoạt động được - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, mặc dù còn những hạn chế, song không thể phủ nhận những mặt tích cực mà hệ thống y tế tư nhân đã đem lại, như bước đầu đã tác động đến các cơ sở công, tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng BV, thái độ chăm sóc và phục vụ người bệnh, nhất là hiện nay nhiều cơ sở y tế tư nhân cũng đã khám chữa bệnh bằng BHYT.

Hiện, cả nước có 424 cơ sở y tế tư nhân khám chữa bệnh bằng BHYT, trong đó có 131 BV, 180 phòng khám đa khoa tư nhân, 113 phòng khám công ty doanh nghiệp. Hàng năm, hệ thống y tế tư nhân đã cấp cứu, chữa bệnh cho khoảng 2 triệu người, phẫu thuật thủ thuật khoảng 50.000 người bệnh/năm, điều trị miễn phí cho hàng người bệnh, ước tính 5 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, để BV tư nhân thực sự trở thành cánh tay nối dài của BV công, góp phần giảm quá tải BV, Thứ trưởng Tuấn thừa nhận, trước tiên cần phải xóa bỏ tư tưởng phân biệt đối xử giữa BV công và tư. Tức là phải coi các cơ sở tư (các đơn vị ngoài công lập) là bạn đồng hành với y tế Nhà nước, trong đó vấn đề nhân lực rất quan trọng.

Theo Thứ trưởng Tuấn, cần mau chóng xây dựng quy chế thu nhận người theo Luật Lao động, với những biện pháp thu hút, biện pháp chế tài, tránh tình trạng giành giật cán bộ giữa các cơ sở công và tư.

Đồng thời, hệ thống y tế Nhà nước có thể thiết lập hệ thống chuyển tuyến với y tế tư nhân; ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện kiểm định chất lượng để có cơ sở tư đạt chuẩn; hỗ  trợ kinh phí đối với các hoạt động, dịch vụ cho tư nhân thực hiện; mở rộng kết hợp công-tư trong một số chương trình, dự án, lĩnh vực y tế…

Thúy Hà