![]() |
Điều kiện để doanh nghiệp được ưu tiên hải quan sẽ được nới lỏng hơn |
Tuy nhiên, trong các hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hải quan, thủ tục thuế với lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, nhiều DN đề nghị xem xét lại điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên.
Mới đây, tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2014, nhóm công tác hải quan của Diễn đàn đã nhận xét rằng phương pháp xác định DN ưu tiên hiện quá chặt chẽ. Cụ thể, doanh nghiệp phải là doanh nghiệp xuất nhập khẩu và có doanh thu 150 triệu USD đối với nhập khẩu, 50 triệu USD xuất khẩu.
Theo nhóm công tác, quy định này gây ra sự phân biệt đối xử với các DN nhỏ và vừa, đi ngược lại tinh thần của Hiệp định Xúc tiến Thương mại WTO, là phải triển khai các chương trình theo hướng không tùy tiện phân biệt đối xử giữa các tổ chức kinh tế, không phân biệt đối xử với DN nhỏ và vừa.
Nhóm đề nghị bỏ quy định về doanh thu này hoặc hạ thấp mức ngưỡng. “Những quy định này không phù hợp với mục tiêu quốc gia là khuyến khích DN nhỏ và vừa, vốn chiếm tới 97% tổng số các DN ở Việt Nam”, theo nhóm công tác.
Và theo các điều kiện hiện hành, ngay cả một số DN chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới cũng sẽ không thể đủ điều kiện, và trên thực tế, toàn bộ các đơn vị logistics, đại lý giao nhận… dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế cũng sẽ bị loại.
Sẽ nới tiêu chuẩn
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Lê Thu cho hay Cục này đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn các nội dung về chế độ ưu tiên quy định tại Luật Hải quan 2014 và dự thảo Nghị định hướng dẫn về nội dung này.
Tổng cục Hải quan đã có sự tham khảo việc thực hiện của Hải quan nhiều nước, đặc biệt là những nước có mục tiêu và bối cảnh tương đồng, những khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới và thực tế hoạt động của DN tại Việt Nam để đưa ra những quy định phù hợp nhất.
Cơ quan soạn thảo cũng đang ghi nhận ý kiến của cộng đồng DN để xem xét lại một số quy định về điều kiện để được đánh giá, công nhận DN ưu tiêu để có thể mở rộng đối tượng tham gia. Đặc biệt là tiêu chí về điều kiện kim ngạch XNK.
Theo đó, tổng mức kim ngạch XK và NK đạt tối thiểu 100 triệu USD/năm hoặc riêng kim ngạch XK đạt tối thiểu 40 triệu USD hoặc 30 triệu USD tuỳ loại hình DN, lĩnh vực, ngành hàng. Riêng với đại lí làm thủ tục hải quan thì số tờ khai Đại lí đứng tên làm thủ tục phải đạt tối thiểu 20.000 tờ/năm. “Mức kim ngạch được tính toán, xây dựng với định hướng có khoảng 40% DN đáp ứng điều kiện này”, bà Lê Thu khẳng định.
Về đánh giá tuân thủ pháp luật, cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc quy định về tỉ lệ số lần vi phạm hành chính có mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng là khoảng 1%/tổng số tờ khai hải quan do Đại lí làm thủ tục hải quan đứng tên mỗi năm trong 2 năm xem xét.
Về đối tượng, như đề cập ở trên, ngoài các DN XNK hàng hoá, còn mở rộng áp dụng đối với DN kinh doanh dịch vụ XNK, cụ thể là Đại lí làm thủ tục hải quan.
Theo nhóm công tác hải quan của VBF, những thay đổi nói trên vẫn quá chặt chẽ, khiến nhiều DN vận tải, kho bãi, nhà cung ứng tham gia bảo đảm chuỗi cung ứng không thể đủ điều kiện của DN ưu tiên. Song rõ ràng đây cũng là tin mừng với cộng đồng DN.
Thành Đạt