Hiện tượng sạt lở bờ biển ngày càng khốc liệt. Sóng biển đã "nuốt" nhiều bãi tắm đẹp. Ảnh VGP/Thế Phong |
Cửa biển Cửa Đại là nơi các dòng sông Thu Bồn, Trường Giang đổ ra biển, gắn liền với Đô thi- thương cảng Hội An. Khu vực Cửa Đại ngày nay được phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ, thủy sản, hàng hải...
Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết: Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu mạnh nên vùng bờ biển Hội An bị sạt lở nhanh chóng, đặc biệt là khu vực bãi biển Cửa Đại dài hơn 3km, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng lớn của TP Hội An. Nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang xây dựng và hoạt động tại đây bị uy hiếp, một số dự án xây dựng dang dở phải bỏ hoang.
Cùng với đó, con dường ven biển của Hội An là đường Âu Cơ, trước đây bãi biển cách đường hơn 200m thì nay tình trạng sạt lở đã tiến sát chỉ còn cách đường vài chục mét, sóng biển cũng đã “nuốt” nhiều bãi tắm đẹp dọc con đường này.
Thời gian qua, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực xây kè, gia cố bờ sông, bờ biển Cửa Đại (Hội An), tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, các công trình này cũng đã bị triều cường phá vỡ, cuốn trôi xuống biển.
TS. Lê Đình Mầu, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng: Tại Quảng Nam, hiện tượng sói lở bờ biển đang diễn ra khốc liệt. “Nguyên nhân chính của những bất cập trên là do công tác qui hoạch, thiết kế khi xây dựng công trình chắn sóng, chưa đánh giá đầy đủ cở sở khoa học về các điều kiện thủy thạch động lực tại khu vực, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết tiêu cực như bão và áp thấp nhiệt đới”, TS Mầu nhận định.
Để ngăn chặn tình trạng này, TS. Lê Đình Mầu cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là thiết kế, xây dựng hệ thống kè phá sóng xa bờ tại bờ Bắc Cửa Đại với mục tiêu bảo vệ bờ và tạo bãi tắm; xây dựng hệ thống kè kiên cố (tường biển) dọc bờ Nam Cửa Đại nhằm bảo vệ và hình thành đường giao thông hoặc xây dựng hệ thống kè chắn sóng xa bờ tương tự ở bờ Bắc Cửa Đại.
Giải pháp này được các chuyên gia, nhà quản lý đánh gia có tính khả thi rất cao, tuy nhiên khó khăn lớn là cần rất nhiều kinh phí và phải tính toán kỹ trước khi đầu tư. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia này cũng đề xuất cần trồng thêm rừng phòng hộ tại bờ biển.
Phân tích nguyên nhân sói lở bờ biển Hội An, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng, vấn đề thiếu hụt bùn cát tại bãi biển Hội An không thể giải quyết được do các đập thủy điện tại thượng nguồn sông Thu Bồn không có thiết bị xả cát.
Vì vậy để hạn chế xói lở tại bờ biển Hội An cần tiến tới ổn định bãi biển. Theo đó, địa phương cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển tỉnh Quảng Nam; sử dụng kè lát mái với độ dốc 1:3 hoặc 1:4 có mấu phá sóng để bảo vệ khu vực tắm Cửa Đại; nghiên cứu sử dụng công trình bảo vệ mặt của Nhật Bản…
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Vũ Thanh Ca, khi chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc chống sạt lở, GS.TS Hitoshi TANAKA, đến từ Đại học Tohuku (Nhật Bản) cho rằng nên có giải pháp làm tăng lại hàm lượng cát ở lưu vực sông Thu Bồn đổ ra khu vực Cửa Đại, đồng thời, nuôi bãi làm sóng lặn, xây dựng các công trình kè, đập…chắn sóng. Qua đó, tạo ra bãi biển để phục vụ du lịch và phát triển bền vững khu vực biển Hội An.