In bài viết

Phấn đấu cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành cổ phần hóa DNNN

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành.

06/02/2015 16:16

Ảnh minh họa

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện từ đầu những năm 1990 như: sáp nhập, hợp nhất, giao, bán, khoán, cho thuê, giải thể, phá sản và cổ phần hóa. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm đáng kể, từ hơn 12 nghìn doanh nghiệp năm 1990 xuống còn trên 5.600 doanh nghiệp năm 2000, còn hơn 1.350 doanh nghiệp năm 2010 và còn 949 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vào cuối năm 2013. Dự kiến đến cuối năm 2014 còn dưới 800 doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh thành các Công ty nông lâm nghiệp, đến nay đã sắp xếp 185 nông trường thành 138 công ty; 256 lâm trường thành 151 công ty và 91 Ban quản lý rừng phòng hộ.

Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) tháng 10 năm 2011 đã khẳng định tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Tập trung nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý. Công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, nhất là việc xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; quy định cụ thể lĩnh vực doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn; phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa; quy định về xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thực hiện công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 20/20 Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Các Bộ ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã rà soát, điều chỉnh và phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa được cải thiện đáng kể. Tổng hợp số liệu báo cáo của 2.400 doanh nghiệp, sau một năm cổ phần hóa, vốn điều lệ tăng bình quân 68%; doanh thu tăng 34%; lợi nhuận sau thuế tăng 99,9%; nộp ngân sách tăng 47%; thu nhập bình quân đầu người tăng 76,9%.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, nhất là cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn, xử lý công nợ, phá sản, giải quyết lao động dôi dư, công tác cán bộ, cơ chế tiền lương và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường.

Đề cao trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là người đứng đầu để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo phương án được phê duyệt và khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược.

Đồng thời rà soát, bố trí cán bộ phù hợp và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động và việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu của doanh nghiệp nhà nước. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó khẩn trương sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp. Thực hiện cổ phần hóa, giải thể, giao, bán các công ty hoạt động thua lỗ theo Đề án đã phê duyệt. Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nông lâm nghiệp kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Ban quản lý rừng hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu. Kiên quyết điều chỉnh phù hợp quy hoạch sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc giao rừng tự nhiên gắn với giao đất cho người dân địa phương. Bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành. Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục tái cơ cấu, trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả công ty nông lâm nghiệp. Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối (trên 50%) ở những lĩnh vực then chốt, đặc biệt quan trọng. Tăng mạnh số thu từ cổ phần hóa và sử dụng số tiền này để tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước và đầu tư một số dự án quan trọng, cấp thiết cho phát triển kinh tế xã hội. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Cùng với việc cổ phần hóa và giảm mạnh số Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sớm nghiên cứu để có thể hình thành cơ quan quản lý phù hợp của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Phan Hiển