![]() |
Cuộc hội ngộ bóng đá 2 miền Nam Bắc trên sân Thống Nhất ngày 7/11/1976. Ảnh tư liệu |
Với nhiệm vụ đặc biệt “tiếp quản thể thao miền Nam”, chỉ chưa đầy 2 tháng sau ngày 30/4/1975 lịch sử, Tổng cục TDTT đã thành lập đoàn cán bộ gồm 42 người. Trẻ, có chuyên môn và nhiệt huyết, các cán bộ này có nhiệm vụ tiếp quản và gây dựng lại thể thao các tỉnh miền Nam.
Theo lời kể của ông Lê Bửu, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM và Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đúng 3 giờ sáng 24/6/1975, 42 cán bộ TDTT sau 20 ngày dự lớp bồi dưỡng tổ chức tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội) đã lên đường vào Nam.
Sau khi qua cầu Hiền Lương, đoàn bắt đầu cuộc “rải quân” tiếp quản các cơ sở TDTT tại Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa… và đúng 18 giờ chiều 29/6/1975 có mặt tại Sài Gòn. 16 cán bộ đầu tiên nhận nhiệm vụ tiếp quản thể thao TP HCM.
Tháng 10/1975, Sở TDTT TPHCM chính thức thành lập, do ông Trương Tấn Bửu làm Giám đốc, ông Lê Bửu làm Phó Giám đốc. Và có một dấu mốc lớn nữa vào thời điểm này đó là việc đổi tên SVĐ Cộng Hòa thành SVĐ Thống Nhất và Lễ công bố đã diễn ra vào đúng ngày Quốc khánh - 2/9/1975.
2. Trận cầu đoàn tụ
Đất nước hoàn toàn thống nhất, tuy nhiên, do hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, phải hơn 1 năm sau, thể thao hai miền Nam - Bắc mới thực sự hội ngộ trong trận cầu lịch sử, trận cầu của ngày đoàn tụ.
Vào cuối năm 1976, đội bóng đá Tổng cục Đường sắt đại diện cho lực lượng công nhân lao động được cử vào thi đấu giao hữu tại khu vực phía Nam. Và ngày 7/11/1976, sân Thống Nhất với sức chứa 2,5 vạn người chật kín khán giả chứng kiến trận đấu giữa Cảng Sài Gòn - Tổng cục Đường sắt.
Cảng Sài Gòn lúc đó là đội bóng mạnh nhất của phía Nam, còn Tổng cục Đường sắt khi ấy có những danh thủ như Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải... Tỷ số chung cuộc là 2-1 nghiêng về đại diện của bóng đá miền Bắc, nhưng vượt lên tất cả trận cầu đã đi vào lịch sử khi vượt lên trên hết là niềm vui ngày đoàn tụ.
3. Bài ca thống nhất
Cuộc tranh tài thể thao lớn đầu tiên mang tính chất toàn quốc được tổ chức sớm hơn- Cuộc đua vượt sông truyền thống Bạch Đằng lần thứ 5 được tổ chức trên sông Hương của thành phố Huế vào ngày 11/6/1976.
Tham dự cuộc đua có 152 VĐV (64 nữ), đại diện cho 20 tỉnh, thành và 4 ngành tranh tài sôi nổi mà báo chí lúc bấy giờ đã gọi giải là "Bài ca thống nhất của các dòng sông".
Các tay bơi TP.HCM đã giành ngôi á quân toàn đoàn, sau đoàn Thái Bình và xếp trên đoàn Hà Nội. Trên đường đua xanh, những ngôi đầu thuộc về các gương mặt nổi bật như: Phạm Thị Điệp, Vũ Thị Men (nữ); Bá Tính, Văn Thành, Văn Đối (nam)...
4. Giải vô địch quốc gia đầu tiên
Sau giải vượt sông truyền thống Bạch Đằng và sau chuyến du đấu của đội Đường sắt và 1 số đội bóng đá miền Bắc khác. Đến năm 1978, giải vô địch quốc gia đầu tiên, đó là giải bóng bàn toàn quốc được tổ chứctừ ngày 22 đến 26.3 tại thành phố biển Quy Nhơn.
Khi đó 2 miền đều sở hữu nhiều cây vợt xuất sắc, đặc biệt là nam và trận chung kết đơn nam là cuộc gặp gỡ của 2 số 1 lúc bấy giờ. Đó là tuyển thủ Nguyễn Ngọc Phan của Trường Đại học TTDTT Từ Sơn, người từng 7 lần vô địch miền Bắc và bên kia là tuyển thủ Vương Chính Học (TP.HCM) - đương kim vô địch miền Nam, HCB đơn nam SEA Games 1973 tại Singapore.
Cuối cùng, tay vợt Hải Dương Nguyễn Ngọc Phan đã giành thắng lợi chung cuộc ở tỷ số 3-1 và ở giải đơn nữ, cây vợt Nguyễn Thị Mai của Hà Nội cũng thắng đối thủ Trần Việt Hoa 3-0.
5. Giải bóng đá toàn quốc đầu tiên
Sau các giải khu vực mang tên Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long được tổ chức tại 3 miền, tới năm 1980 giải bóng đá vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức với tên gọi - Giải bóng đá A1 toàn quốc lần thứ nhất.
Giải có sự tham dự của 18 đội bóng (8 miền Bắc, 10 ở miền Nam). Tuy nhiên, do đội CLB Quân Đội xin rút nên chỉ còn 17 đội. 17 đội được chia làm 3 bảng, đấu vòng tròn 2 lượt chọn 3 đội đứng đầu mỗi bảng vào vòng chung kết (đấu vòng tròn 1 lượt chọn đội vô địch).
Diễn ra từ 3/2- 1/5/1980, kết quả đội Tổng cục Đường sắt giành chức vô địch, thứ Nhì là đội Công an Hà Nội và thứ Ba là đội Hải Quan.
Hoàng Hà