![]() |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các ĐBQH. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Phạm Vũ Luận cho biết theo cách thức thi tuyển trước đây, thi đại học có 3 kỳ thi, cộng thêm kỳ thi tốt nghiệp là 4 kỳ thi với tổng cộng là 12 môn. Còn nay (sau khi tích hợp thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học) thì học sinh thi tối đa là 8 môn. Như vậy ngành giáo dục sẽ tiết kiệm được chi phí, công sức cho các việc ra đề thi, coi thi, chấm thi và thi theo cụm nên học sinh không phải đi về cách thành phố lớn.
“Tổ chức thi mới cùng với thay đổi cách ra đề thi và chấm thi theo hướng không chấm “máy móc” làm cho việc luyện thi của các trường đại học rất phổ biến trong những năm trước đã giảm gần như tuyệt đối năm vừa rồi. Các cháu thi những năm trước thì "phao thi" trắng sân trường, nay đã giảm hẳn - góp phần thay đổi động cơ học tập, tinh thần của các cháu và góp phần thay đổi cách dạy học”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Cơ sở đi đến kết luận trên, ông Luận cho biết là nhờ tổng kết, làm việc với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học trên cả nước, hiệp hội các trường đại học...
Không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thái Học chất vấn lại: “Nói thi ít đi, đi lại ít hơn hay từ các ý kiến phát biểu tại các hội thảo thì không thuyết phục. Vì ít kỳ thi nhưng học sinh vẫn phải đi thi tốt nghiệp tại các địa phương khác và bố mẹ các cháu cũng phải đi theo. Rồi sau đó nộp hồ sơ xét tuyển đại học ở các trường thì học sinh và bố mẹ cũng phải đi theo... Báo chí nói phụ huynh cho biết họ hồi hộp lắm, xét tuyển đại học mà như chơi chứng khoán”.
Tiếp tục trả lời đại biểu, người đứng đầu ngành giáo dục nói: “Giảm tốn kém là chúng tôi đã khẳng định rồi. Thi tốt nghiệp là thi tại cụm địa phương chứ không phải đi thi ở thành phố khác. Đại biểu có đề cập báo chí phản ánh là căng thẳng thì chúng tôi có số liệu thống kê là những bất cập chỉ ảnh hưởng tới khoảng 8% tổng số học sinh dự thi, chỉ diễn ra ở 30 trường đại học nhóm đầu ở TPHCM và Hà Nội, chứ không phải là phổ biến”.
Không tích hợp môn Lịch sử nếu làm nhẹ ý nghĩa của môn học
Đại biểu Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) băn khoăn về chủ trương đổi mới giảng dạy môn Lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi không thấy tên của môn này trong Chương trình giáo dục mới.
Ông Phạm Vũ Luận cho biết: "Lịch sử không bị coi nhẹ mà được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành. Hiện các cháu đang học 1,5 tiết/tuần. Trong dự thảo thì các cháu không học chuyên xã hội thì học bình quân 2,5 tiết/tuần. Còn vào phân ban thì 4 tiết/tuần bắt buộc. Nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên”.
Về việc tích hợp Lịch sử với các môn học khác, Bộ trưởng cho biết "trong Luật Giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, quốc phòng nên anh em dự kiến đưa vào đó để tránh trùng lắp. Ngoài các nội dung lịch sử được giảng trong môn Giáo dục công dân với Tổ quốc thì các môn khác cũng có giảng dạy Lịch sử, ví dụ văn học gắn với lịch sử, địa lý cũng gắn với lịch sử. Địa lý không chỉ có tên đất, tên đảo mà gắn với lịch sử vùng đó. Giáo dục âm nhạc, mỹ thuật cũng hỗ trợ cho lịch sử. Nói tóm lại, trong dự thảo đang lấy ý kiến không có ý là không bắt buộc phải học lịch sử. Vấn đề cần thảo luận ở chỗ là cần để riêng môn Lịch sử hay để Lịch sử gắn bó với các môn khác".
"Dự thảo hiện nay do Ban soạn thảo làm sau khi tổ chức nhiều hội thảo, trong đó có các chuyên gia lịch sử. Chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo tới Ban Tuyên giáo, Hội đồng Lý luận Trung ương, rồi mới báo cáo Chính phủ. Quan điểm của chúng tôi là tích hợp mà làm nhẹ ý nghĩa của môn học thì không tích hợp, nếu tăng được thì mới tích hợp", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Thành Chung