In bài viết

Một số diễn biến mới trên chính trường thế giới

(Chinhphu.vn)- Cuba phản đối hành động khiêu khích của Mỹ; Tổng thống đắc cử tại Ukraina xúc tiến việc thành lập liên minh mới; vấn đề Afghanistan có thể “nhấn chìm” nhiều nước châu Âu…

22/02/2010 16:17

Pháo đài cổ Morro ở La Habana.

Cuba phản đối hành động khiêu khích của Mỹ

Bộ Ngoại giao Cuba vừa ra tuyên bố phản đối cuộc gặp mặt giữa phái đoàn Mỹ, do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Tây bán cầu Craig Kelly dẫn đầu, với các lực lượng chống đối tại Cuba.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cuba cho biết: Sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai về di cư với đại diện Chính phủ Cuba, ngày 19/2, phái đoàn Mỹ đã tổ chức một cuộc gặp mặt với hàng chục “kẻ tay sai” tại nhà riêng của Trưởng Đại diện Văn phòng quyền lợi Mỹ tại La Habana. Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định hành động này của Mỹ đi ngược tinh thần hợp tác và hiểu biết của Cuba đồng thời chứng tỏ Washington ưu tiên ủng hộ những kẻ chống phá cách mạng Cuba hơn là tìm tới một giải pháp thực sự để giải quyết những vấn đề giữa hai nước.

Các đảng phái Thái Lan cần tôn trọng phán quyết của tòa án

Thủ tướng Thái Lan Abhisit ngày 21/2 kêu gọi tất cả các đảng phái nước này tôn trọng phán quyết của tòa án đối với số tài sản trị giá 76 tỷ bạt (2,3 tỷ USD) của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nếu không đất nước có nguy cơ rơi vào tình trạng vô luật pháp.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Abhisit được đưa ra trong bối cảnh những người ủng hộ ông Thaksin dự định tổ chức các cuộc biểu tình phản đối phán quyết của tòa án nếu phán quyết đó là bất lợi cho ông Thaksin, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài để tránh án phạt hai năm tù giam vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Hơn 20.000 cảnh sát được triển khai trên toàn quốc để bảo đảm an ninh trật tự. Trong những ngày qua, phe áo đỏ thân ông Thaksin liên tục gây áp lực với tư pháp Thái Lan.

Ukraina: Tổng thống đắc cử xúc tiến việc thành lập liên minh mới  

Tổng thống mới được bầu của Ukraina Viktor Yanukovych ngày 21/2 tuyên bố một liên minh của sự ổn định và cải cách có thể được thành lập trong Quốc hội vào tuần tới.

Ông Viktor Yanukovych cho biết từ ngày 22/2, đảng "Các khu vực" bắt đầu các cuộc đàm phán khẩn trương về việc thành lập liên minh mới với tất cả các phái trong Quốc hội và sau 1 tuần có thể sẽ đạt được một thỏa thuận. Theo ông, cần soạn thảo một thỏa thuận không mang động cơ chính trị, coi đó là cơ sở để giải quyết những vấn đề kinh tế, lập lại trật tự trong nước và bắt đầu các cải cách ở Ukraina. Thỏa thuận này sẽ làm hài lòng tất cả các phái trong Quốc hội.

Theo luật, liên minh hiện nay trong Quốc hội cần khẳng định sự tồn tại của mình trước ngày 2/3, nếu không Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên bố không tồn tại đa số trong Quốc hội và nếu 30 ngày sau đó, các phái không thành lập được một liên minh mới, Tổng thống có thể ấn định một cuộc bầu cử Quốc hội mới.

Honduras khôi phục quan hệ ngoại giao với 29 nước

Ngoại trưởng Honduras Mario Canahuati ngày 21/2 thông báo Chính phủ mới của Tổng thống Porfirio Lobo đã khôi phục quan hệ ngoại giao với 29 quốc gia vốn bị đổ vỡ sau cuộc đảo chính quân sự tại nước này hồi tháng 6/2009.

Honduras bị cộng đồng quốc tế cô lập sau khi quân đội nước này hậu thuẫn cuộc đảo chính ngày 28/6/2009 lật đổ Tổng thống hợp hiến khi đó là Manuel Zelaya. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras chỉ khép lại sau khi ông Porfirio Lobo đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm ngoái.

Giới lãnh đạo quân sự Niger cam kết đưa ra hiến pháp mới

Sau cuộc gặp ngày 21/2 với lãnh đạo quân đội Niger, giới quân sự nước này đã đưa ra những đảm bảo về việc khôi phục trật tự hiến pháp cũng như soạn thảo hiến pháp mới.

Mohamed Ibn Chambas, người đứng đầu khối kinh tế khu vực ECOWAS gồm 15 thành viên, nói: "Chúng tôi đã thảo luận với các thành viên ban lãnh đạo quân sự Niger về cách đất nước này có thể trở lại đời sống bình thường theo hiến pháp càng sớm càng tốt. Đối thoại sẽ được mở rộng đối với tất cả những lực lượng quan trọng của đất nước này mà sẽ kết thúc bằng việc đưa ra một hiến pháp mới và một giai đoạn quá độ".

Trong một diễn biến liên quan, Đại tá Djibrilla Hamidou Hima, một trong những lãnh đạo quân đội Niger cho biết Tổng thống bị phế truất của Niger  bị giam tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Niamey "trong điều kiện rất tốt" kể từ khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính diễn ra hồi tuần trước.

Dư luận châu Âu ngày càng thiếu tin tưởng trước việc các nước gửi quân sang Afghanistan. Ảnh minh họa

Vấn đề Afghanistan có thể "nhấn" chìm nhiều nước châu Âu

Dư luận châu Âu ngày càng thiếu tin tưởng trước việc các nước gửi quân sang Afghanistan. Sau khi liên minh cầm quyền tại Hà Lan tan vỡ vì bất đồng về dự án duy trì lực lượng tại Afghanistan, tổng tuyển cử trước thời hạn sẽ được tổ chức muộn nhất vào tháng 6 sắp tới và cuộc tổng tuyển cử này có nguy cơ mở đường cho cánh hữu và cả phe cực hữu Hà Lan lên nắm quyền.

Chính phủ Hà Lan của Thủ tướng Balkenende đã sụp đổ bởi vì liên minh cầm quyền bất đồng về dự án kéo dài sự hiện diện của binh sĩ Hà Lan tại Afghanistan thêm 1 năm, cho đến tháng 8/2011. Trên nguyên tắc, các lực lượng Hà Lan phải rút bắt đầu từ tháng 8 năm nay và hoàn tất việc triệt thoái khỏi Afghanistan trước cuối năm 2010. Thế nhưng, khối NATO và Mỹ đã gây áp lực lên Hà Lan để nước này tiếp tục yểm trợ cho liên quân tại Afghanistan.

Trường hợp của Hà Lan, mấy ngày qua, đã được truyền thông nước Đức theo dõi sát. Sự hiện diện của khoảng 4.300 lính Đức tại Afghanistan cũng là đề tài tranh luận trên chính trường Berlin, nhất là khi Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cam kết sẽ phái thêm khoảng 500 quân sang Afghanistan. Giống như tại Hà Lan, liên minh cầm quyền tại Đức cũng bị chia rẽ trên vấn đề kéo dài thời gian hoạt động của lực lượng Đức.

Nguyễn Chiến