In bài viết

Cần cụ thể các yếu tố xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Sau gần 12 năm thi hành, Luật Cạnh tranh chưa phát huy được vai trò và sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; làm động lực cho phát triển kinh tế.

12/05/2017 17:17
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh
Đây là đánh giá của các đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp phía nam về Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/5 tại TPHCM.

Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Luật Cạnh tranh 2004 chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được vai trò và sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, làm động lực cho phát triển kinh tế. Một số quy định của Luật không còn phù hợp với xu thế phát triển của thị trường.

Thực tế, số vụ việc cạnh tranh được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều dạng hành vi có tác động tiêu cực tới thị trường.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít các nước tồn tại 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh là Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh. Từ đó dẫn đến thực trạng là công tác phát hiện, điều tra, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến tại Hội thảo đề xuất sáp nhập 2 cơ quan thành Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia. Và cơ quan này cần phải có địa vị pháp lý một cách độc lập, đủ mạnh, được trao quyền nhiều hơn. Đây sẽ là cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ thành lập, điều này sẽ phù hợp với thực thi Luật Chống độc quyền của nhiều quốc gia đang áp dụng trên thế giới.

Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của DN

Luật sư Lê Trọng Thêm, Công ty Luật TNHH Phước và các Cộng sự cho biết: “DN là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh, tuy nhiên, trong thực tiễn tư vấn pháp luật về cạnh tranh của chúng tôi thì rất ít DN quan tâm và vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh 2004 để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ”. Sở dĩ có thực trạng này, phần vì tiếng nói, sức mạnh kinh tế của các DNNVV không đủ sức để theo đuổi các vụ việc canh tranh. Mặt khác, các DNNVV không thấy rõ được các quyền và nghĩa vụ của mình mà Luật Cạnh tranh 2004 trao cho.

Chính vì vậy, ông Thêm kiến nghị trong lần sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này, cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của DN ngay trong Luật. Khi đó, DN sẽ biết được quyền hạn của mình đến đâu, ví dụ như quyền được khởi động một vụ việc cạnh tranh lên cơ quan có thẩm quyền về quản lý cạnh tranh, hay quyền được yêu cầu xác định một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường; hay quyền yêu cầu giải quyết vụ việc tập trung kinh tế bị cấm...

Theo đánh giá của các đại biểu, điểm sáng trong dự thảo Luật Cạnh tranh là thay đổi quan điểm về thước đo khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường bằng việc thay đổi yếu tố thị phần bằng một thuật ngữ bao quát hơn là “các yếu tố xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp”. Dự thảo Luật Cạnh tranh đưa ra tới 13 yếu tố xác định sức mạnh thị trường của DN (Điều 10) như: Thị phần của DN trên thị tường liên quan; cấu trúc thị trường và tương quan thị phần giữa các DN trên thị trường; khả năng tiếp cận, kiểm soát thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc thị trường nguồn cung... Trên cơ sở một hoặc một số yếu tố này để xác định một DN có sức mạnh thị trường đáng kể hay không.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Cạnh tranh chỉ dừng lại ở việc liệt kê mà chưa có được các quy định rõ ràng trong nội dung này. Cụ thể hơn, Luật đưa ra 13 yếu tố nhưng chỉ có một yếu tố về xác định thị phần của DN trên thị trường liên quan được Luật cụ thể hóa, còn lại 12 yếu tố thì Luật bỏ ngỏ mà không có quy định cụ thể; phần lớn đều sử dụng các thuật ngữ chung chung và có phần mơ hồ, rất dễ gây tranh cãi.

Ở góc độ DN, là đối tượng điều chỉnh, chính DN cũng không biết mình có thỏa mãn yếu tố nào đó về xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp để trở thành DN có sức mạnh thị trường đáng kể. Hay nói cách khác, DN cũng không thể tự căn cứ vào Luật để biết mình có thuộc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường hay không. Trong trường hợp đó các DN có thể vô tình vi phạm các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường mà Luật cấm.

Bên cạnh đó, theo các đại biểu, việc quy định của Dự thảo về mức phạt tiền đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền có thể lên tới 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm dường như là chưa hợp lý. Vì trên thực tế, doanh nghiệp liên quan thường kinh doanh đa ngành nghề. Do đó, nếu tiền hành phạt 10% tổng doanh thu năm tài chính trước đó, là một số tiền rất lớn, có thể dẫn đến DN bị phá sản bởi quyết định này. Điều này đi ngược lại với mục tiêu bảo vệ, giữ gìn thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Lê Anh