In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/9/2017.

12/09/2017 18:00
Thủ tướng bổ nhiệm lại Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Tại Quyết định 1351/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm lại ông Đinh Đăng Quang, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Thời hạn bổ nhiệm lại tính từ ngày 17/8/2017.

Lập Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14.

Theo đó, ông Phùng Xuân Nhạ, Giáo sư, Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch gồm: Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (thường trực); bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.

Ủy viên của Hội đồng gồm: Ông Nguyễn Viết Tiến, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Hữu Phúc, Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an; ông Vũ Minh Đức, Tiến sĩ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Lương Hồng Quang, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Trịnh Xuân Hiếu, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Viết Lộc, Tiến sĩ, Chánh Văn phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Trọng Hùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Tạ Đức Thịnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Mỏ-Địa chất; ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải; ông Cao Ngọc Thành, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế; ông Huỳnh Trọng Khải, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh; ông Cao Xuân Hùng, Nhà giáo Ưu tú, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định; bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ.

Hội đồng cấp Nhà nước xét phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14 có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14.

Hội đồng hoạt động theo quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

Thành viên và Tổ thư ký Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực của Hội đồng, được sử dụng con dấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết công việc.

Nghiên cứu trường hợp chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xác định hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe và các ngành nghề tương tự có thuộc diện không thực hiện cổ phần hóa trong khái niệm "bệnh viện, trường học" hay không, theo chủ trương "cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học" nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 1/10/2017 để thống nhất triển khai, thực hiện chủ trương này của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét việc chuyển Trung tâm Dạy nghề giao thông vận tải Hải Dương thành công ty cổ phần sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo.

Hòa Bình cần phát huy hơn nữa tiềm năng đất đai, khoáng sản

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Thông báo kết luận nêu rõ, đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình có quyết tâm chính trị cao và khát vọng lớn hơn, cần phát huy hơn nữa lợi thế so sánh về địa lý đặc biệt liền kề Thủ đô, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tiềm năng đất đai, khoáng sản để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển du lịch, phấn đấu trở thành tỉnh khá của vùng và cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình cần tập trung mọi nỗ lực, hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017; thực hiện tốt Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 09/8/2017 của Chính phủ và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2018; nhận định, đánh giá, phân tích tình hình, tính toán kỹ khả năng thực hiện để xác định các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai thực hiện.

Bám sát các nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng hơn các năm trước; giải quyết công việc kịp thời, trách nhiệm cao theo tinh thần phục vụ, củng cố niềm tin với người dân và doanh nghiệp. Quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 Hòa Bình có 5.000 doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế rừng bền vững và xây dựng nông thôn mới; nhân rộng một số mô hình nông nghiệp có hiệu quả cao trên địa bàn.

Phát triển công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sử dụng nhiều lao động, công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu mang lại nguồn thu ngân sách cho Tỉnh; thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa ngành du lịch Hòa Bình thành một ngành kinh tế quan trọng dựa trên lợi thế so sánh gắn phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tỉnh Hòa Bình cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giải quyết tốt việc làm và thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.