In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/12/2017.

21/12/2017 07:00
Quy định mới về thuế giá trị gia tăng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015. Theo đó, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) trường hợp sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.

Cụ thể, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi như sau: Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, trừ các trường hợp sau:

Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật Thuế GTGT.

Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật Thuế GTGT.

Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật Thuế GTGT...

Sửa quy định về hoàn thuế GTGT

Bên cạnh đó, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP của sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT. Cụ thể, cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (bao gồm định mức và giá dịch vụ đô thị) phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2018 hoàn thiện việc rà soát các định mức đã công bố theo hướng khắc phục các bất cập về thuyết minh áp dụng, công nghệ, ban hành bởi nhiều quyết định, bao gồm: Hệ thống định mức dự toán xây dựng và dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố; Hệ thống định mức dự toán chuyên ngành, đặc thù do các bộ chuyên ngành và UBND cấp tỉnh công bố.

Đồng thời, hoàn thiện các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới phù hợp với kinh tế thị trường của Việt Nam và thông lệ quốc tế; sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị.

Mục tiêu đến năm 2021 và những năm tiếp theo là xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới đã hoàn thiện; hướng dẫn, phổ biến các cơ chế, chính sách, các phương pháp lập định mức và giá xây dựng mới, các tập định mức và giá mới lập; đào tạo nâng cao năng lực của các chủ thể có liên quan đến xây dựng và quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng.

Theo định hướng, chuyển đổi cơ chế quản lý định mức và giá xây dựng từ Nhà nước công bố để tham khảo sang Nhà nước ban hành áp dụng và được phép thay đổi khi không phù hợp đối với dự án xây dựng và dịch vụ đô thị sử dụng vốn Nhà nước, dự án PPP; đổi mới phương pháp xây dựng định mức; đổi mới phương pháp xác định giá xây dựng và các nội dung liên quan đến giá xây dựng; phân công, phân cấp xây dựng và quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng theo hướng rõ ràng, minh bạch, rõ trách nhiệm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng phục vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị.

Cụ thể, về giá xây dựng, Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý giá xây dựng cho các dự án xây dựng và dịch vụ đô thị sử dụng vốn Nhà nước, dự án PPP trên phạm vi cả nước. Bộ Xây dựng ban hành các phương pháp lập và quản lý giá xây dựng và dịch vụ đô thị. Bộ Xây dựng ban hành suất vốn đầu tư và giá tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, chỉ số giá xây dựng, giá quy hoạch xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, giá xây dựng áp dụng chung trên phạm vi cả nước.

Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ban hành giá xây dựng chuyên ngành áp dụng cho ngành theo quy định và phương pháp do Bộ Xây dựng ban hành.

UBND cấp tỉnh ban hành giá xây dựng và dịch vụ đô thị áp dụng trên địa bàn địa phương theo quy định và phương pháp do Bộ Xây dựng ban hành.

Tăng cường giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021.

Đề án được triển khai thực hiện tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở trợ giúp xã hội, các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước từ năm 2018 đến năm 2021.

Chủ thể chủ trì thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án bao gồm giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ, hiệu trưởng trường giáo dưỡng, giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở xã hội, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự các cấp, thủ trưởng đơn vị quân đội có liên quan, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án gồm 3 nhóm: Nhóm 1- những đối tượng đang được quản lý, giáo dục, cải tạo tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (sau đây gọi là cơ sở giam giữ), trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc gồm: Người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, người bị tạm giữ, tạm giam (đối tượng này tuy không thuộc phạm vi của Đề án nhưng liên quan đến việc triển khai Đề án tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ).

Nhóm 2: Những đối tượng thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, gồm: Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng bao gồm cả người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá.

Nhóm 3: Những đối tượng do ngành lao động-thương binh và xã hội quản lý, gồm: Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng nêu trên đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, góp phần phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi của Đề án tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả; đồng thời bảo đảm quyền được học tập, tìm hiểu pháp luật, được phổ biến các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính…

Đề án đặt mục tiêu cụ thể là duy trì, bảo đảm 100% đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù, người bị tạm giữ, tạm giam, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội thường xuyên được phổ biến và nắm được các quy định pháp luật cơ bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân nói chung, của đối tượng nói riêng, các hành vi bị nghiêm cấm, tác hại, trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật và các quy định khác liên quan đến từng cá nhân đối tượng.

Phấn đấu từ 90% trở lên đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng được phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên biệt theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm 100% trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào chương trình học pháp luật, giáo dục công dân, chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng của Đề án.

Đề án cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án; tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của từng nhóm đối tượng; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương

Thủ tướng Chính phủ vừa giao các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch và danh mục dự án bố trí vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020 (đợt 3).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương và danh mục dự án, giao các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 (đợt 3) của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình, dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; bao gồm số vốn thu hồi các khoản ứng trước vốn ngân sách trung hạn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 (đợt 3) được giao, thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 (đợt 3) theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31/12/2017.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020 (đợt 3) thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kiện toàn Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định kiện toàn Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.

Theo quyết định, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Trưởng ban. Phó Trưởng ban Thường trực là ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng ban.

Thành viên Ban Quản lý gồm ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình -Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bổ sung 2 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 2 khu vực khoáng sản đá granit ốp lát với tổng diện tích 21,7 ha tại xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản.

Điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 1

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải cập nhật điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (Km2100-Km2118 600) từ 2 làn xe lên 4 làn xe cơ giới vào hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ.

Giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà (Kiên Giang)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra làm rõ nội dung khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà, đề xuất giải quyết khiếu nại và xử lý các sai phạm về đất đai, giải quyết khiếu nại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà (trú tại Khu phố 3, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, khiếu nại 2 lô đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc bị lấn chiếm, chặn lối đi trái pháp luật nhưng không được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo giải quyết dứt điểm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2347/VPCP-V.I ngày 15/3/2017 và Văn bản số 9500/VPCP-V.I ngày 07/9/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phê bình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2347/VPCP-V.I ngày 15/3/2017 và Văn bản số 9500/VPCP-V.I ngày 7/9/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra làm rõ nội dung khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà, đề xuất giải quyết khiếu nại và xử lý các sai phạm về đất đai, giải quyết khiếu nại (nếu có) theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/3/2018.

Không để các hợp tác xã tồn tại hình thức

Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng trong 5 thành phần kinh tế đã được Đảng và Nhà nước xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với doanh nghiệp nói chung, hợp tác xã là một chủ thể quan trọng, được coi là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình, để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến. Qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có khoảng 19.569 hợp tác xã, giai đoạn 2013-2016, đã có 5.641 hợp tác xã thành lập mới; đến nay đã có 30% số hợp tác xã trên cả nước hoạt động có hiệu quả, doanh thu và thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 5 năm qua trên 4%, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế và hơn hết là bản thân các hợp tác xã vẫn còn yếu kém kéo dài, cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý; các hợp tác xã còn bộc lộ tính không đồng bộ giữa mục tiêu và nội dung hoạt động kinh tế-xã hội...

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế của thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong giai đoạn 2018-2020 tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về pháp luật hợp tác xã cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ Luật Hợp tác xã năm 2012; vai trò và lợi ích của tổ chức hợp tác xã trong phát triển kinh tế-xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về hợp tác xã, mở các chuyên san, chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về hợp tác xã.

Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Hợp tác xã 2012 (như công nợ, tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc, chế tài xử lý vi phạm Luật...) cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển; chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hợp tác xã không đăng ký và tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; các hợp tác xã giải thể nhưng vướng mắc về công nợ, vốn góp, không để các hợp tác xã tồn tại hình thức.

Đồng thời, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường chỉ đạo, thực hiện xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, từng bước khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, tăng cường, đẩy mạnh việc quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; củng cố, thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các cấp từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện); kiện toàn quỹ hỗ trợ hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương; bổ sung vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Trung ương; xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa./.