In bài viết

Bộ GTVT: Nghị định 86 không cấm mà tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh vận tải

(Chinhphu.vn) – “Mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và truyền thống bản chất là như nhau. Các điều kiện cũng phải tương đồng để đảm bảo tính công bằng. Taxi truyền thống cũng phải tăng cường công nghệ, phải thích nghi, nếu không cái cũ kỹ sẽ bị đào thải”.

13/07/2018 17:53

Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô diễn ra sáng nay 13/7.

Bộ GTVT vừa hoàn thành chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Dự thảo nghị định 86 lần này được Bộ GTVT xây dựng nhằm đáp ứng 2 mục tiêu chính. Gồm rà soát và cắt giảm thủ tục hành chính theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân, giảm chi phí; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải khi ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải.

Taxi công nghệ sẽ được quản như taxi truyền thống

 

Tại Điều 3 của dự thảo Nghị định thay thế có 16 khoản (Nghị định 86 cũ có 13 khoản) với nội dung hầu như được sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới cho phù hợp nội dung mới được quy định tại dự thảo.
 
Trong đó, có nội dung rất quan trọng là việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 3 khái niệm về kinh doanh vận tải bằng ô tô là “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Các công đoạn chính gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm)”.
 
Chiếu theo quy định này, Công ty TNHH Grab Việt Nam với các xe taxi công nghệ (GrabCar, Grab Taxi) nếu được chứng minh là ký hợp đồng với các xe không thuộc các hợp tác xã vận tải (theo Quyết định 24) sẽ là “doanh nghiệp vận tải”.  
 
Bên cạnh đó, dự thảo lần này tiếp tục giữ quan điểm như lần trước, đó là bổ sung thêm một số điều kiện đối với loại hình taxi công nghệ (như Grab – PV) để công bằng với taxi truyền thống.
 
Cụ thể, nội dung của Điều 6 (gồm 4 khoản) về kết cấu giữ nguyên so với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP nhưng về nội dung đều được quy định theo hướng rõ ràng đơn giản hóa và bỏ bớt một số nội dung quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động; chuyển một số quy định từ điều kiện kinh doanh về quy định tại điều này.
 
Theo Bộ GTVT việc bổ sung quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (gọi tắt là “taxi điện tử”) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ.
 
Các xe này phải có hộp đèn với chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT. Trên xe phải có thiết bị được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách, đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm thông tin về hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả bằng tiền Việt Nam (VND)...
 
Lý giải về quy định này, Bộ GTVT cho biết, việc bổ sung các quy định này để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi điện tử. Đây là hoạt động chưa có quy định tại Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải đang được thực hiện mạnh mẽ, đồng thời theo đề nghị của các Hiệp hội taxi cần thiết phải có quy định để nhận diện và đồng nhất đối với các xe ứng dụng công nghệ có sức chứa dưới 9 chỗ.
 
Theo đó, Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án.
 
Phương án một, như nội dung tại Điều 6, Điều 7 của dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
 
Phương án hai (theo đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội và TPHCM) đó là quy định toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải có sức chứa dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền (bao gồm cả các phương tiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử như đang hoạt động thí điểm hiện nay) phải là taxi. Nếu theo phương án này xe hợp đồng dưới 9 chỗ nếu ứng dụng phần mềm sẽ buộc phải là xe taxi, chịu mọi quy định tương đương xe taxi.
 
“Bộ GTVT thống nhất phương án thứ nhất và xin ý kiến thành viên Chính phủ xem xét, quyết định”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
 
Cũng tại cuộc họp, đại diện các Hiệp hội Taxi tỉnh, thành phố đều thống nhất khi tiếp tục  nhìn nhận, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đa phần là taxi và cần phải chịu sự quản lý giống như taxi.
 
Theo đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, thực tế có hàng nghìn xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm kết nối nhưng không có nhận diện thương hiệu so với taxi truyền thống, chính điều này gây ra sự bất bình của doanh nghiệp taxi.
 
Ngoài ra, công ty công nghệ kinh doanh vận tải phải có đặt máy chủ tại Việt Nam, dữ liệu có sự kết nối chịu sự giám sát của Bộ GTVT và Sở GTVT tương tự như hộp đen trên taxi.

Không cấm mà tạo hành lang pháp lý

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, đối với luồng ý kiến cho rằng mô hình taxi công nghệ (Grab – PV) không phải kinh tế chia sẻ mà là kinh tế tổng hợp. Bởi người dân chỉ biết đây là dịch vụ do Grab cung cấp và Grab là đơn vị quyết định giá đến tay người sử dụng dịch vụ.

“Giống như tôi đi mua mớ rau ở Vinmart tôi chỉ biết đến VinMart thôi chứ không thể bắt đền người nông dân được. Tương tự, Grab đang bán dịch vụ vận tải cho người dân. Grab làm chủ cuộc chơi trong việc kinh doanh vận tải thì đó là doanh nghiệp vận tải. Còn ứng dụng EMDI (của Đại học Quốc gia Hà Nội) không phải là doanh nghiệp vận tải”, ông Khuất Việc Hùng khẳng định.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, qua kinh nghiệm một số nước như Singapore không quản ứng dụng gọi xe Uber, Grab và vẫn tạo điều kiện taxi truyền thống nhưng có sự hỗ trợ về điều kiện kinh doanh đối với loại hình taxi truyền thống.

“Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đưa ra 5 loại hình vận tải gồm xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt, xe chạy tuyến cố định, xe du lịch nhưng về bản chất vẫn là vận tải hành khách. Tại Việt Nam, chỉ có xe buýt là được trợ giá do vận tải hành khách công cộng, có điều kiện kinh doanh cụ thể cho loại hình này. Còn các loại hình khác để cụ thể hóa ranh giới là điều cực kỳ khó khăn. Vì thế, Bộ GTVT đề nghị năm 2019 sửa Luật Giao thông đường bộ để tạo ra hành lang pháp lý để quản lý cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.

Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 7 này, Bộ sẽ hoàn thành dự thảo sửa đổi và trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến ban hành Nghị định 86. Khi ban hành Nghị định 86 sẽ kết thúc thí điểm ứng dụng gọi xe tại Quyết định 24.

“Mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và truyền thống bản chất là như nhau. Các điều kiện cũng phải tương đồng để đảm bảo tính công bằng. Taxi truyền thống cũng phải tăng cường công nghệ, phải thích nghi, nếu không cái cũ kỹ sẽ bị đào thải,” Bộ trưởng nhìn nhận.

Bộ trưởng cũng giao đơn vị soạn thảo tiếp thu nội dung góp ý, bổ sung vào Tờ trình Nghị định 86; điều chỉnh trong Nghị định 86 theo đúng quy định pháp luật, không làm trái luật để đem lại lợi ích xã hội.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2018 ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhận trách nhiệm về việc tham mưu lên Chính phủ việc ban hành Nghị định sửa Nghị định 86 chậm so với yêu cầu. Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đang rất thận trọng khi làm Nghị định này, đảm bảo khi ban hành Nghị định 86 mới sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trong thời gian sớm nhất.

Phan Trang